Thủ tướng: "Công khai minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực thì không có gì phải ngại"

Hoàng Đan |

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có quy trình chuẩn điều trị các bệnh nhân Covid-19, không để các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đi lang thang khắp bệnh viện này đến bệnh viện khác.

Không để các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đi lang thang khắp viện này đến viện khác

Chiều 12/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, địa phương về phòng chống dịch COVID-19.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá, trong thời gian qua, chúng ta đã bình tĩnh, cương quyết phòng chống dịch một cách kịp thời, hiệu quả từ TƯ đến các địa phương; vận động nhân dân có các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay. 

Các ngành Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia, các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM, Hà Nội đều rất cố gắng.

Thủ tướng yêu cầu, một trong những biện pháp cần thiết hiện nay là phải đẩy nhanh nghiên cứu thuốc, vaccine phòng dịch Covid-19, hoàn thiện phác đồ điều trị.

Thủ tướng cho rằng, lần trước dịch xảy ra diện rộng, có những bệnh nhân rất nặng nhưng vẫn chữa được. Lần này đã có các trường hợp tử vong, vì thế cần xem xét phác đồ điều trị của lần trước và lần này như thế nào.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành Y tế phải tăng cường đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế để có quy trình chuẩn điều trị các bệnh nhân Covid-19, không để các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đi lang thang khắp bệnh viện này đến bệnh viện khác.

"Tất cả các trường hợp ho, sốt, khó thở, có dấu hiệu phải được kiểm tra, xử lý. Không chỉ trong bệnh viện mà tất cả công dân Việt Nam ở mọi vùng tổ quốc, nếu ho, sốt đều phải được kiểm tra tức thời để tránh lây nhiễm", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục thành lập các tổ tuyên truyền, giám sát y tế cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ để kiểm tra. 

Cùng với đó, phải kiểm soát chặt chẽ tình hình biên giới, tình hình an ninh trật tự. Từng địa phương cần xây dựng chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt là về kinh tế.

"Các địa phương nên đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực trong một địa phương. Không nhất thiết phải phong tỏa toàn thành phố, quận huyện trong thời gian quá dài, mà chỉ khoanh vùng đóng cửa khu vực có nguy cơ cao, với nhân viên an ninh giám sát 24/7.

Đề cao phòng chống dịch bệnh, dứt khoát không được chủ quan, mất cảnh giác, nhưng nếu đóng cửa nghiêm ngặt quá rộng, quá dài gây tê liệt kinh tế xã hội, ảnh hưởng tâm lý người dân", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nêu, mục tiêu kép về vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế rất quan trọng, nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng phương pháp này.

"Việc này là vô cùng khó trong lãnh đạo, chỉ đạo. Phải tỉnh táo, có cách làm phù hợp. Không thể coi thường tính mạng của người dân, nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Chúng tôi trong Chính phủ rất lo câu chuyện thất nghiệp, không có việc làm, đói kém xảy ra với người lao động", Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra rà soát các biện pháp phòng dịch, nhất là các biện pháp truyền thống như đeo khẩu trang, rửa tay. Những việc không cần thiết thì không tổ chức.

Thủ tướng nhận nhiều phàn nàn việc không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ vi phạm

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, nhận được nhiều phàn nàn về việc không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ vi phạm.

"Việc này chúng tôi đã có ý kiến. Phải nói lại là theo quy định của Luật Đấu thầu quy định rõ việc chỉ định thầu trong điều kiện có dịch, thẩm quyền của Bộ Y tế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các Trung tâm Y tế.

Tôi yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Hải quan sớm hơn nữa về thiết bị nhập, từ đó tính toán về vận chuyển, thuế khóa để có mức giá phù hợp", Thủ tướng nói.

Đối với bộ kit xét nghiệm, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy phép cho Công ty Việt Á và Bệnh viện 103 và một số doanh nghiệp khác có khả năng sản xuất.

Thủ tướng đề nghị thành lập tổ liên ngành gồm Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số bệnh viện lớn mời các nhà sản xuất đến làm việc để xác định mức giá gồm giá thành do doanh nghiệp báo, lợi nhuận cần thiết, giá chuyển giao công nghệ… để chốt mức giá trần rồi thông báo đến 63 tỉnh, thành phố.

"Với thiết bị sinh phẩm nhập khẩu xét nghiệm thì cũng mời các nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá thành. Cứ thế mà mua, công khai minh bạch, không tham nhũng, tiêu cực thì không có gì phải ngại", Thủ tướng nêu rõ.

Đối với rác thải y tế như khẩu trang, kit thử…, Thủ tướng yêu cầu cần quản lý nghiêm ngặt hơn bởi có nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn này.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại