Thủ tướng chốt thời hạn cho dự án 85,8 nghìn tỷ đồng đi qua tỉnh nhỏ nhất, giàu top đầu Việt Nam

Thái Hà |

Dự án này thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, có 35,3 km đi qua tỉnh nhỏ nhất Việt Nam.

Cuối năm 2025 phải hoàn thành đường Vành đai 4 đoạn qua Bắc Ninh

Sáng 22/9, trong chương trình công tác tại Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua địa bàn và tặng quà công nhân trên công trường.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có chiều dài tuyến theo lý trình cao tốc là 35,3 km. Tổng mức đầu tư 5.274 tỷ đồng.

Thủ tướng động viên kỹ sư, công nhân trên công trường tại thị xã Thuận Thành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kiểm tra tiến độ, động viên kỹ sư, công nhân trên công trường tại thị xã Thuận Thành, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh tập trung hoàn thành dứt điểm việc giải phóng mặt bằng để có mặt bằng đến đâu thi công đến đó; tích cực di dời các công trình kỹ thuật như cột truyền tải điện; làm việc, phối hợp với các địa phương khác để bảo đảm cung ứng nguyên vật liệu.

Thủ tướng yêu cầu rút ngắn tiến độ hơn nữa, đến ngày 31/12/2025 phải hoàn thành dự án đoạn qua tỉnh Bắc Ninh. Dự án sớm hoàn thành thì sớm mở ra không gian phát triển mới. người dân, doanh nghiệp Bắc Ninh được hưởng thụ; do đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm".

Về công tác tổ chức thi công, dự án được chia làm 3 gói thầu và tổ chức 24 mũi thi công. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung cát, đất đắp do Bắc Ninh không có mỏ vật liệu nên không chủ động được. 

Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay, tỉnh đã bàn giao 364/374 ha, chiếm 97,2% tổng mặt bằng cho chủ đầu tư, còn 2,8% diện tích đất ở dự kiến bàn giao vào cuối tháng 11/2024. Lãnh đạo tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện hoàn thành 11 dự án tái định cư.

Tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các nhà thầu thi công 3 ca, 4 kíp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đường Vành đai 4 được quy hoạch như thế nào?

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng chiều dài khoảng 112,8km; trong đó 58 km đi qua địa bàn Hà Nội (Hà Đông, Thanh Oai, Đan Phượng, Sóc Sơn, Mê Linh, Thường Tín, Hoài Đức). Đoạn qua Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn qua Bắc Ninh khoảng 36,3km. 

Điểm đầu của dự án tại nối điểm cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hà Long. Đây sẽ là dự án kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Hướng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Sở GTVT Hà Nội

Dự án được chia thành 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư), vận hành độc lập với diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng khoảng hơn 13,86 km2. 

Dự án tổng mức đầu tư lớn nhất trong các dự án đầu tư công khu vực phía Bắc. Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng khoảng 1.386 ha, trên tuyến xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 8 nút giao khác.

Phối cảnh một nút giao của đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Sở GTVT Hà Nội

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội-Lào Cai; Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài-Bắc Ninh. Đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. 

“Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3-tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ.

Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam hiện nay là tỉnh Bắc Ninh với diện tích 822,7km2. Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Đông Bắc.

Theo kết quả công bố sơ bộ của Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, tỉnh Bắc Ninh thuộc top 5 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Bắc Ninh nằm trong top 7 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có gần 20 tỷ USD vốn đăng ký. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 4 trên 63 tỉnh, thành.

Với thu nhập bình quân đầu người cao, mức chi tiêu cao và số hộ nghèo chỉ còn 0,7% vào năm 2020, đời sống của người dân Bắc Ninh đã được cải thiện đáng kể. Thành phố Bắc Ninh đã trở thành đô thị loại 1 vào năm 2017.

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh đạt các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại