Lãnh đạo đảng Bảo thủ ở Canada, Andrew Scheer đổ lỗi cho Thủ tướng Justin Trudeau vì "cách tiếp cận ngây thơ" trong việc xử lý các mối quan hệ với Bắc Kinh sau khi Trung Quốc bắt giữ người Canada.
Phát biểu với phóng viên ở Ottawa hôm thứ Năm về việc Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada, ông Scheer khẳng định: "Tình huống này cho thấy cách tiếp cận ngây thơ trong quan hệ với Trung Quốc của Justin Trudeau đã không có tác dụng".
Scheer còn ví von khá thâm sâu: "Bây giờ chúng ta thấy Canada trong hoàn cảnh có công dân bị giam giữ ở nước ngoài còn chính phủ lại theo đuổi chính sách nhượng bộ (nguyên văn là appeasement), đặt chúng ta vào tình huống không có điểm tựa".
Appeasement là thuật ngữ chủ yếu được dùng trong chính sách ngoại giao của Thủ tướng Anh Neville Chamberlain với Đức Quốc xã từ 1937 đến 1939. Và sau đó, nó được báo chí phương Tây coi là thuật ngữ ám chỉ một chính sách ngoại giao nhượng bộ về vật chất và chính trị cho những thế lực hung hăng nhằm tránh một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Trong trường hợp này, ông Scheer chê Thủ tướng Justin Trudeau không chịu phản ứng mạnh mẽ trước việc công dân Canada bị Bắc Kinh ra lệnh bắt giữ.
Ngày 13.12, phía Trung Quốc thừa nhận lực lượng chức năng thành phố Đan Đông bắt giữ công dân Canada Michael Spavor hôm 10.12. Ông Spavor bị xác định có dính líu đến hoạt động gây nguy hại cho an ninh quốc gia Trung Quốc. Cũng ngày 10.12, cựu nhân viên ngoại giao Canada Michael Kovrig đã bị công an Trung Quốc bắt vì cho rằng ông tham gia hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Cả Trung Quốc và Canada đều khẳng định vụ bắt ông Kovrig không có liên hệ gì đến việc phía Canada bắt giữ CFO của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu. Nhưng khi trả lời AFP, ông Guy Saint-Jacques, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho rằng "rõ ràng là chính phủ Trung Quốc muốn gây áp lực tối đa với chính quyền Canada'. Ông cũng lưu ý rằng đây cũng không phải là lần duy nhất Canada rơi vào trường hợp như vậy.
Bà Mạnh bị Canada bắt giữ vào ngày 1.12 tại Vancouver theo yêu cầu từ Mỹ. Các công tố viên Mỹ cho rằng bà đã phạm tội gian lận khi đã dùng một công ty bình phong có trụ sở tại Hồng Kông để làm ăn với Iran, trái với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8.12 lên tiếng cảnh báo rằng Canada sẽ chịu những hậu quả nghiêm trọng nếu không lập tức trả tự do cho bà Mạnh. Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành cũng triệu tập Đại sứ Canada John McCallum để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ.
Thứ trưởng Lạc nói rằng hành động bắt giữ phớt lờ luật pháp rất vô lý. Đồng thời, ông khẳng định: "Trung Quốc yêu cầu phía Canada lập tức trả tự do cho người bị giam cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, nếu không Canada phải chịu hoàn toàn trách nhiệm do những hậu quả nghiêm trọng đem lại”.
Sau khi có tin Trung Quốc bắt giữ ông Kovrig thì đến phiên điều trần thứ 3 vào ngày 12.12, Tòa án Canada đã cho phép bà Mạnh được tại ngoại, bất chấp sự lo ngại của công tố viên Mỹ cho rằng bà có thể bỏ trốn khỏi Canada.
Cùng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng hoan nghênh mọi nỗ lực đưa sự việc theo hướng giải quyết chính xác dù ông khẳng định việc Canada bắt bà Mạnh là một sai lầm ngay từ đầu.
Báo chí Trung Quốc cũng khuyên Canada chớ nghe theo Mỹ. Hoàn cầu thời báo, phụ san của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định: "Canada nên tự tách mình khỏi chủ nghĩa bá quyền của Mỹ và thực hiện các nghĩa vụ nhằm duy trì trật tự quốc tế và bảo vệ nhân quyền".
Theo đài RFI của Pháp, Ottawa giờ đây một lần nữa bị rơi vào thế kẹt giữa Washington và Bắc Kinh, vốn dĩ đang có nhiều điểm bất đồng về thương mại hay gián điệp mạng. Vẫn theo ông Saint-Jacques, nhà cựu ngoại giao Kovrig chắc chắn sẽ là 'một nạn nhân' trong cuộc tranh cãi này.
Về điểm này, ông Shaun Rein, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc cũng có cùng quan điểm, nhấn mạnh thêm : "Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ là một siêu cường đối thủ của Mỹ và các nước khác nên cân nhắc giữa việc đứng về phía Trung Quốc hay là Mỹ". Do vậy, theo ông, "nhà cựu ngoại giao là một con tốt và sẽ bị giam giữ cho đến khi nào Mạnh Vãn Châu được trả tự do".