Theo đó, QH sửa đổi, bổ sung một số điểm trong điều 28 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Còn luật cũ thì quy định Thủ tướng "chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương".
Các ĐBQH bấm nút thông qua luật
Ngoài ra, luật cũng quy định, Thủ tướng quyết định phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thay vì "quyết định việc phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính của bộ máy nhà nước" như trước đây.
Thủ tướng cũng quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.
Bộ trưởng có quyền cho từ chức thay vì cách chức
Về nhiệm vụ và quyền hạn của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, luật lần này sửa đổi, bổ sung một số khoản.
Cụ thể, bộ trưởng, thủ trưởng các bộ ngành được thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
So với quy định cũ, bộ trưởng được mở rộng thêm thẩm quyền biệt phái cán bộ, cho từ chức thay vì cách chức.
Ngoài ra bộ trưởng, thủ trưởng các bộ ngành có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đình chỉ công tác, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.
So với quy định trước đây, luật lần này cũng thay thẩm quyền “cách chức” bằng việc “cho từ chức” và bổ sung thêm quyền điều động, luân chuyển, biệt phái người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc.
Luật lần này cũng sửa đổi, bổ sung một số khoản trong điều 40 về cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.
Theo đó, vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu. Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.
HĐND tỉnh có từ 1 - 2 phó chủ tịch
Đối với luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức chính quyền địa phương, lần này quy định rõ, thường trực HĐND tỉnh gồm chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên là trưởng ban của HĐND tỉnh.
Trường hợp chủ tịch HĐND tỉnh là ĐB hoạt động chuyên trách thì có 1 phó chủ tịch; trường hợp chủ tịch HĐND tỉnh là đại biểu hoạt động không chuyên trách thì có 2 phó chủ tịch. Phó chủ tịch HĐND tỉnh là ĐB hoạt động chuyên trách.
Còn thường trực HĐND huyện gồm chủ tịch, 1 phó chủ tịch và các ủy viên là trưởng ban của HĐND huyện.
Chủ tịch HĐND huyện có thể là ĐB hoạt động chuyên trách; phó chủ tịch HĐND huyện là ĐB HĐND hoạt động chuyên trách.