Thủ tướng Armenia nói trong một cuộc phỏng vấn với The Daily Telegraph (Anh): “Đây không phải là vấn đề mà chúng tôi đã thảo luận hoặc đang thảo luận”, đồng thời cho biết thêm rằng Armenia có thể xem xét lại tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể ( CSTO ), một khối an ninh do Nga lãnh đạo.
Ông Pashinyan nói: “Có một số cuộc thảo luận ở Armenia về việc liệu chiến lược dựa trên liên minh có phù hợp với lợi ích lâu dài của Armenia hay không hoặc ở mức độ nào”. Trong cuộc phỏng vấn với CNN đầu năm 2022, ông nhấn mạnh rằng Armenia "không phải là đồng minh của Nga" khi nói đến tình hình ở Ukraine.
Ông Pahinyan nói: “Và đó là thực tế. Nhưng tôi cũng muốn nói với bạn rằng với Mỹ, Pháp hoặc các đối tác khác, sự hợp tác an ninh của chúng tôi không nhằm vào đối tác an ninh khác của chúng tôi”.
"Các đối tác của chúng tôi có thể lo ngại về mối quan hệ với họ hoặc mối quan hệ với họ có thể ảnh hưởng như thế nào đến các chương trình nghị sự an ninh của mình. Và đó là vấn đề mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết bằng cách trao đổi một cách minh bạch nhất với các đối tác về các chương trình nghị sự chung của họ", Thủ tướng Armenia nói.
Triển vọng thỏa thuận hòa bình lâu dài với Azerbaijan
Thủ tướng Pashinyan cũng cho biết ông hy vọng rằng nước láng giềng và đối thủ lâu đời của Armenia, Azerbaijan, vẫn cam kết ký kết một hiệp ước hòa bình lâu dài bất chấp những tuyên bố của tổng thống nước này về việc phân định biên giới , Reuters đưa tin ngày 11/2.
Armenia và Azerbaijan đã xảy ra hai cuộc chiến tranh lớn trong 30 năm qua trên vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh. Khu vực này từ lâu được công nhận rộng rãi là một phần của Azerbaijan và quân đội Azerbaijan đã giành được toàn quyền kiểm soát khu vực này vào tháng 9 năm ngoái.
Về triển vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài với Azerbaijan, Thủ tướng Pashinyan cho biết “cấu trúc cơ bản” của một thỏa thuận đã đạt được vào năm ngoái.
Nhưng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, người vừa tái đắc cử, nói hồi tháng 1 rằng quân đội của ông sẽ không rút lui khỏi các khu vực biên giới. Tổng thống Aliyev cũng bác bỏ việc sử dụng các bản đồ thời Liên Xô trong các cuộc đàm phán vì ông cho rằng Armenia đã nhượng bộ lãnh thổ vào thế kỷ trước.
Thủ tướng Pashinyan những tháng gần đây nói rằng Armenia không còn có thể dựa vào Nga để đảm bảo nhu cầu quốc phòng của mình vì đất nước của ông không nhận được sự trợ giúp cần thiết từ Mátxcơva.