Ông Sebastian Kurz - Thủ tướng Áo, và chính phủ lâm thời của ông đã bị hạ bệ vào hôm 27/5/2019 bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội nước này trong bối cảnh lan tràn đoạn video quay bí mật bất lợi cho ông.
Sau 3 tiếng đồng hồ tranh cãi, đa số nghị sĩ quốc hội Áo đứng dậy bày tỏ việc họ rút sự ủng hộ dành cho ông Kurz, 32 tuổi, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo Áo đầu tiên trong hơn 7 thập kỷ bị loại bỏ khỏi quyền lực bởi các nhà lập pháp.
Đòn video hạ gục Thủ tướng trẻ tuổi
Ông Kurz bị mất chức vào thời điểm chỉ 17 tháng sau khi ông nhậm chức thủ tướng. Sự việc này diễn ra bất kể việc đảng Nhân dân bảo thủ của ông giành được 9 điểm % trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu.
Thủ tướng Áo Kurz (bên phải) phát biểu tại quốc hội Áo vào hôm 27/5/2019. Ảnh: EPA.
Các cuộc bầu cử mới dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới. Đất nước Áo trong thời gian này sẽ đặt dưới sự lãnh đạo của một chính quyền lâm thời do Tổng thống Alexander van der Bellen bổ nhiệm.
Trước đó chính trường Áo đã có 10 ngày náo động. Chính quyền liên minh của ông Kurz với đảng Tự do cực hữu sụp đổ sau khi lãnh đạo đảng này, ông Heinz-Christian Strache, từ chức Phó Thủ tướng vào hôm 18/5 sau khi xuất hiện 1 video cho thấy ông Strache hứa hẹn cung cấp các hợp đồng chính phủ cho một phụ nữ được cho là một người Nga giàu có để đổi lại sự ủng hộ tài chính của bà này. Video được quay vào năm 2017 và ông Strache không hề biết mình bị quay lén. Cuộc gặp gỡ này có vẻ là một vụ gài bẫy nhưng vẫn phơi ra cho thiên hạ thấy đạo đức của lãnh đạo đảng Tự do.
Các công tố viên ở Vienna hôm 27/5 cho hay họ đã mở một cuộc điều tra nhằm vào kẻ đứng đằng sau video quay lén này.
Sau khi ông Strache từ chức, ông Kurz đã sa thải Bộ trưởng Nội vụ Herbert Kickl, một thành viên hàng đầu của đảng Tự do, khiến các bộ trưởng cực hữu còn lại từ chức theo để phản đối. Thủ tướng Áo trước tình hình đó đã kêu gọi bầu cử nhanh vào tháng 9 và thay 4 bộ trưởng bằng các nhà kỹ trị chờ đến khi một chính phủ mới được bầu ra.
Quyết hạ bệ Thủ tướng ngay trước thềm bầu cử mới
Thế nhưng các thủ lĩnh đối lập vẫn tố cáo ông Kurz lạm dụng niềm tin của họ vào chính phủ của ông bằng cách không hợp tác với họ trong việc tổ chức chính phủ lâm thời và từ chối xin lỗi về vai trò của ông trong tình trạng bất định chính trị này.
Pamela Rendi-Wagner, lãnh đạo đảng Xã hội, nói thẳng trước quốc hội Áo trước khi diễn ra bỏ phiếu bất tín nhiệm: “Hợp tác và đối thoại là cơ sở cho niềm tin. Thưa Ngài Thủ tướng, ngài và chính phủ của ngài không giành được tín nhiệm của chúng tôi”.
Ông Kurz đã bảo vệ các hành động gần đây của mình, coi đó là cần thiết. Ông cho rằng những gì ông đã làm đều trên cơ sở tham vấn với Tổng thống van der Bellen (ông này giờ sẽ có nhiệm vụ cử ra một thủ tướng lâm thời để điều hành chính quyền đến khi diễn ra bầu cử mới).
Trong tiếng vỗ tay vang rền của các nghị sĩ thuộc đảng của mình, ông Kurz nói: “Cố gắng loại bỏ toàn bộ một chính phủ chỉ vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử mới là một điều mà tôi cho rằng không ai ở đất nước này có thể hiểu nổi”.
Giới lập pháp Áo thường hay sử dụng bỏ phiếu bất tín nhiệm như một hình thức phản kháng, nhưng việc này thường là không thành công cho đến tận hôm 27/5 vừa qua. Kể từ khi nền cộng hòa Áo được thành lập sau Thế chiến 2, đã có 185 cuộc bỏ phiếu trước đây nhằm vào các thủ tướng và bộ trưởng của nước này. Ông Strache đối mặt với một cuộc, và ông Kickl gặp 6 vụ.
Cuộc bỏ phiếu vừa qua là một đòn giáng mạnh vào ông Kurz, một chính trị gia trẻ tuổi đã làm mới lại đảng bảo thủ của Áo, thay đổi màu cờ của đảng này từ đen sang ngọc lam.
Cách tiếp cận của ông Kurz bao gồm 1 cương lĩnh tranh cử kêu gọi trấn áp nạn nhập cư trái phép, nêu cao chủ nghĩa ái quốc, nhờ đó giúp phe bảo thủ nắm được quyền lực thông qua hơn 31% số phiếu bầu.
Ông Kurz vẫn có cơ hội trở lại vị trí Thủ tướng
Mặc dù ông Kurz bị mất chức thủ tướng, giới quan sát chính trị tin rằng ông vẫn sẽ là ứng viên hàng đầu của đảng mình trong cuộc bầu cử sắp tới. Quan điểm này có cơ sở là cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vừa qua, trong đó đảng của ông Kurz đã giành được hơn 35% phiếu bầu, thu hút được các ủng hộ viên từ cả đảng Xã hội (đảng đối lập chính trong quốc hội) và đảng Tự do.
Thomas Hofer, một giáo sư ngành truyền thông công cộng ở Đại học Vienna, cho hay: “Ông ấy có lợi thế để giành chiến thắng và thu được một số điểm”.
Từ góc độ kinh tế, chính quyền của ông Kurz đã thành công trong việc thúc đẩy các thay đổi đối với hệ thống thuế, thực hiện các bước đi nhằm cân bằng ngân sách. Để đạt được điều này, chính quyền Kurz đã phải cắt giảm hệ thống phúc lợi xã hội – một sự đánh đổi làm tức giận nhiều người Áo yêu thích chế độ hỗ trợ người dân suốt đời, đặc biệt là đảng Xã hội – đảng cổ xúy cho cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Thế nhưng giáo sư Hofer nhận định, vẫn có rắc rối sau khi bầu cử đã được tổ chức. Khi đó đảng này sẽ cần tìm một đối tác để thành lập chính phủ liên hiệp. Khi ấy, “ông Kurz có thể cần hoặc là đảng Tự do hoặc là đảng Dân chủ Xã hội, mà hai đảng này đều có thái độ không tích cực đối với ông vào lúc này”.
Một số người Áo xem việc ông Kurz ngã ngựa vào lúc này là sự trừng phạt phù hợp đối với một người đã đưa đảng Tự do cực hữu lên nắm quyền. Nhưng những người khác lại lo ngại điều này có thể đồng nghĩa với việc trao cho ông lợi thế trong cuộc bầu cử sắp tới.
Kurt Reinhard, một nhân viên xã hội ở Vienna có cuộc sống gặp khó khăn từ khi chính quyền của ông Kurz cắt giảm phúc lợi xã hội sau khi lên nắm quyền vào tháng 12/2017, cho rằng đây có thể là con dao 2 lưỡi. Reinhard cho rằng ông Kurz có thể dùng thực tế này để tô vẽ hình ảnh bản thân với tư cách là nạn nhân, và do đó giành thêm sự ủng hộ.
Thực tế các phần tử cực hữu cũng đã tổ chức một chiến dịch trực tuyến hối thúc những người ủng hộ “trả thù” các đảng chủ lưu hiện này bằng cách bỏ phiếu cho ông Strache, cựu Phó Thủ tướng Áo./.