Thủ tục nhiêu khê, khó đổi giấy phép lái xe qua mạng

P.CHI |

Từ đầu năm đến nay cả nước chỉ có 26 giấy phép lái xe được đổi thành công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, trong khi mỗi năm có khoảng 2 triệu giấy phép lái xe cần cấp đổi. Không ít ý kiến cho rằng, dịch vụ công kiểu này “đẻ” nhiều thủ tục nhiêu khê nên rất khó để thực hiện.

Trong một cuộc họp mới đây, ông Lương Duyên Thống-Vụ trưởng Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin: Năm 2021 có 12 địa phương thí điểm đổi giấy phép lái xe (GPLX) dịch vụ công cấp 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia (người dân ngồi nhà, gửi hồ sơ trực tuyến đến cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả qua bưu điện). Trong đó, 8 địa phương tiếp nhận và trả được 131 giấy phép lái xe, nhiều nhất là Hải Phòng với 55, Hà Nội 34, Hà Nam 29. Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam và Quảng Ninh không trả thành công hồ sơ nào.

Từ ngày 31/5/2022, toàn bộ 63 Sở Giao thông Vận tải thực hiện đổi giấy phép lái xe dịch vụ công cấp độ 4. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay cả nước chỉ có 26 giấy phép được đổi qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Với số GPLX được đổi quá thấp, theo ông Thống có 2 nguyên nhân chính là do chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và dữ liệu xử lý vi phạm của Cục CSGT. Ngành Y tế chưa mở rộng các đơn vị cung cấp dữ liệu giấy khám sức khỏe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện vẫn chỉ có 3 cơ sở y tế Hà Nội và 8 cơ sở y tế tại Hà Nam được kết nối.

Thực tế, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử phục vụ đổi GPLX, người dân phải khám sức khỏe tại cơ sở y tế, sau đó đến UBND cấp xã chứng thực điện tử. Việc này phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế.

Bên cạnh đó, người dân gặp khó khăn khi đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đăng ký sử dụng dịch vụ còn nhiều thao tác. Đa phần số hồ sơ đăng ký thành công đều có hướng dẫn và trợ giúp của công chức làm việc tại bộ phận một cửa thuộc Sở GTVT.

Về vần đề khám sức khỏe lái xe, ông Phạm Thành Lâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế Bộ GTVT cho rằng, không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện. Lẽ ra, cổng thông tin của Bộ Y tế phải công bố những cơ sở đủ điều kiện, từ đó mới có căn cứ xác định tính chính xác của giấy khám sức khỏe. Chính vì không làm được việc này nên nảy sinh kẽ hở mua bán giấy khám sức khỏe hay nói cách khác là giấy khám sức khỏe giả.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hàng năm Tổng cục Đường bộ và các sở GTVT cấp, đổi khoảng 2 triệu GPLX. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ, Chính phủ số sẽ đem lại nhiều cho lợi ích cho người dân và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước. Để đảm bảo kết quả và đúng tiến độ nhân rộng đổi GPLX cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia ra toàn quốc vào ngày 15/11, ông Cường cho rằng, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành. Trước mắt sẽ có văn bản đề xuất Bộ GTVT làm việc với Bộ Y tế về lộ trình, thời gian, tiến độ, kế hoạch xây dựng dữ liệu khám sức khỏe. Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan đến giấy khám sức khỏe của Bộ Y tế nắm bắt được rõ kế hoạch triển khai giấy khám sức khỏe điện tử.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị hoàn thiện, nâng cấp phần mềm cổng dịch vụ công quốc gia để người dân dễ thao tác hơn khi đổi GPLX. “Tổng cục sẽ nỗ lực hoàn thành nhân rộng ra toàn quốc vào ngày 15/10, trước 1 tháng so với chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Cường cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại