Thư từ nước Mỹ: "Tiền đen" trong bầu cử hay chuyện "Hai họ chết tiệt nhà các anh!"

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý |

Trong một ca khúc nổi tiếng của The Beatles, Paul McCartney chẳng đã từng nói "Tình không mua được", nhưng có vẻ vẫn có người muốn tin rằng tiền "mua" được bất kỳ vị trí nào trong hệ thống chính trị Mỹ.

Tiền bạc luôn luôn là tác nhân gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở Mỹ: Các nhà tài trợ muốn thu lại gì từ số tiền đã bỏ ra cho các chiến dịch tranh cử và các chính trị gia sẽ làm gì để "trả nghĩa"? Có tiền mua tiên cũng được!

Tuy nhiên, mọi việc đang vượt quá tầm kiểm soát, đặc biệt là trong thập kỷ qua. Ở thời tuổi trẻ bỏ lỡ cơ hội vui chơi, tôi đã bắt đầu tham gia làm việc trong các chiến dịch tranh cử và tôi thấy rằng những người muốn gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử sẽ đến gặp ứng cử viên, trao cho họ một cục tiền rất to và chờ đến ngày hưởng "ân huệ". Trong nhiều trường hợp, việc làm như vậy sẽ bị kết án tham nhũng và ngồi tù, trù khi người liên quan lại có quan hệ thân thiết với thẩm phán.

Giờ đây, bất chấp những nỗ lực cải cách hoạt động tài chính của các chiến dịch tranh cử, đồng tiền vẫn đang thao túng khiến các chiến dịch rơi vào ngưỡng nguy hiểm bởi nó làm xói mòn tính liêm chính và chính danh của hệ thống chính trị.

Theo Trung tâm Đáp ứng chính trị (Center for Responsive Politics- một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, phi đảng phái chuyên theo dõi tác động của tiền bạc và vận động hành lang đối với bầu cử và chính sách công): Năm 2008, khi ông Barack Obama tranh cử tổng thống trong cuộc đua với ông John McCain, hai đảng đã chi hết 1 tỷ USD. Năm 2012, ông Obama và ông Mitt Romney chi 2,6 tỷ USD. Năm 2020, ông Joe Biden và ông Donald Trump chi 3 tỷ USD và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Đây là còn chưa tính đến hàng tỷ đô la "tiền đi đêm" và các giao dịch được thực hiện thông qua các quỹ đen của cả hai phe.

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 1.

Nếu muốn dùng một tác phẩm điện ảnh để ví von, tôi xin viện dẫn bộ phim nổi tiếng "Trở về từ tương lai" để chúng ta thấy rằng việc cải cách tài chính của chiến dịch tranh cử thực sự chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ, tồi tệ hơn rất nhiều lần.

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 2.

Kinh phí chiến dịch là nguồn tiền thu về từ những đóng góp cho các đảng phái, các ứng cử viên, hoặc đóng góp trực tiếp hoặc thông qua các Ủy ban Hành động Chính trị (PAC). Các cơ chế này phải tuân thủ quy định và phải có trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, nguồn tiền nguy hiểm nhất là "tiền đen" - đây là nguồn tiền khiến ba nguồn vừa nhắc đến thực sự chẳng đáng là bao.

Tiền "đen" ở đây được hiểu là tiền mang mục đích mờ ám, được thu và chi để gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử một cách phi dân chủ. Nói chung, các cơ quan quản lý hoặc cơ quan thực thi pháp luật thường không thể xác minh được danh tính người đóng góp hoặc trong một số trường hợp còn không thể xác minh được cách thức sử dụng những đồng tiền này.

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 3.

Một phần "tiền đen" trong hệ thống chính trị được quyên góp một cách hợp pháp, nhưng phần còn lại thì không. Một số chuyên gia đã ước tính con số này năm 2020 là 11 tỷ USD.

Cách thức là thế này: một cá nhân giàu có, một tập đoàn hoặc hoặc một nghiệp đoàn đóng góp hàng triệu USD vào một quỹ từ thiện được miễn thuế. Sau đó, quỹ này sẽ tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ, cũng thuộc diện được miễn thuế để các tổ chức đó đứng ra chi trả cho các nhóm hoạt động hoặc các tổ chức tham gia vào các hoạt động chính trị. Họ vận động hành lang, đệ trình các vụ kiện ra toà, biểu tình, tham gia gây rối trên mạng, viết các bài bình luận và làm những việc tương tự kiểu như vậy.

Thông thường, các tổ chức phi chính phủ là các tổ chức "ăn theo", được tạo ra chỉ để phục vụ cho một cuộc bầu cử, sau đó sẽ bị giải tán. Các tổ chức phi chính phủ này thường tài trợ cho nhau để tiền liên tục xoay vòng. Điều thú vị là "mạng lưới" hoạt động lớn nhất năm 2020 thực ra lại được quản lý bởi một tổ chức vì lợi nhuận - tổ chức giám sát 1 tỷ USD tài trợ. Các nhà quản lý của tổ chức vì lợi nhuận này đều biết cách tự chi trả cho bản thân những khoản thù lao hậu hĩnh.

Những hoạt động này rất hiếm khi được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng điều này vừa được thay đổi ngay trong các phiên điều trần được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình quốc gia để bổ nhiệm Thẩm phán Toà tối cao Amy Coney Barrett.

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 4.

Trong phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse của đảng Dân chủ đã dành gần một giờ đồng hồ vạch ra những mê cung bí hiểm của một kế hoạch quyên "tiền đen" để đưa Thẩm phán Barrett tiến tới ngưỡng cửa của Toà tối cao. [Thẩm phán Barrett không liên quan gì đến việc này.] Truyền thông ngay lập tức rầm rộ đưa tin về tuyên bố của ông này cho rằng các nhóm có liên quan quyền lợi với Đảng Cộng hòa đã chi 250 triệu USD cho kế hoạch này. Không giấu sự phẫn nộ, ông Whitehouse kêu gọi chấm dứt vấn nạn "tiền đen" bởi đó là hành vi tham nhũng.

Nhưng ông Whitehouse đã gặp phải sự phản pháo mạnh mẽ từ Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ted Cruz. Ông Cruz khẳng định các kế hoạch gây ảnh hưởng đến bầu cử của các đảng viên Dân chủ thường ngốn gấp hơn ba lần như vậy. Và quan trọng nhất là bản thân ông Whitehouse không những là một tác nhân chính trong các chiến dịch huy động "tiền đen" mà còn là người nhận những khoản tiền khổng lồ. Ố ồ…

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 5.

Shakespeare đã nắm bắt cảm xúc rất tuyệt vời trong vở kịch "Romeo và Juliet" khi Mercutio hét lên: "Hai họ chết tiệt nhà các anh." Hoặc trong trường hợp này "hai họ" chính là những Nghị sỹ Dân chủ và Cộng hòa.

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 6.

Mọi việc ở Mỹ đều đang bị chính trị hoá nên chỉ đơn cử lấy ví dụ là các cuộc bầu cử ở cấp địa phương hoặc tiểu bang - trước đây có mấy ai để ý đến các sự kiện này, nhưng bây giờ lại trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người có rắp tâm can thiệp. Mục đích của những người này là loại bỏ hoặc bầu ra các ứng cử viên nắm giữ các vị trí quan trọng trong Quốc hội hoặc tại tiểu bang để rồi chỉ có người dân địa phương phải gánh chịu hậu quả.

Những người có nhiều tiền đến mức chẳng biết tiêu gì cho hết thì quay sang lũng đoạn hệ thống chính trị để giành ảnh hưởng. Một tỷ phú đang tài trợ cho các công tố viên toà hình sự địa phương mang tư tưởng "giải thể cảnh sát" và "ủng hộ công bằng xã hội". Những công tố viên này được cài cắm vào các phòng xử án để đưa ra những phán quyết từ chối buộc tội hoặc không bỏ tù những kẻ bạo loạn đang gây hỗn loạn ở các thành phố lớn khắp nước Mỹ. Một tỷ phú khác đã tài trợ cho các nhà hoạt động môi trường tại địa phương để đảm bảo rằng luật môi trường nghiêm ngặt được thông qua.

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 7.

Trường hợp nghiêm trọng nhất liên quan đến Thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện cho tiểu bang South Carolina trong nhiều năm, ông Lindsey Graham. Ông đứng đầu Ủy ban Tư pháp Thượng viện và luôn là cái gai trong mắt phe Dân chủ. Ông Graham đã rất thành công trong việc bảo vệ Tổng thống Trump trước nhiều nỗ lực phế truất Tổng thống hoặc o ép các hoạt động quản trị của Tổng thống.

Để trả đũa, phe Dân chủ đang hậu thuẫn cho đại diện của mình là ông Jamie Harrison ra tranh cử với ông Graham trong cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra cùng lúc với bầu cử Tổng thống. Ông Harrison chưa bao giờ giữ chức vụ nào trong chính quyền, đang là một người hoạt động cho phe Dân chủ và đã từng là một nhà vận động hành lang chính trị.

Cho đến nay, chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ông này chỉ trong 1 quý đã quyên được số tiền kỷ lục lên đến 20 triệu USD. Những người giàu có theo phe Dân chủ từ khắp nước Mỹ đã rót 57 triệu USD vào chiến dịch này. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Graham đã trượt xuống một chút khỏi vị trí dẫn đầu.

Cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đang đều đang cố gắng can thiệp nhằm giành quyền kiểm soát Quốc hội. Tạp chí Forbes nhận định "năm 2016, các tỷ phú đã chi nhiều hơn gấp 41 lần so với năm 2008". Chỉ riêng khoản đóng góp của một vài tỷ phú đã chiếm 10% tổng chi tiêu của cuộc bầu cử. Xin chào mừng bạn đến với Hợp chúng quốc của Google, Twitter và Facebook!!!

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 8.

Với tất cả số tiền đổ vào cuộc bầu cử, có lẽ vẫn còn le lói hy vọng cải cách. Hãy nhìn các ứng cử tổng thống đã bị loại khỏi vòng đua: ông Michael Bloomberg và ông Tom Steyer. Cả hai đều là những đại tỷ phú.

Ông Bloomberg, từng rất thành công ở cương vị Thị trưởng thành phố New York của phe Cộng hòa, sau đó ông ấy chuyển theo phe Dân chủ và tham gia cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống năm 2020. Ông này đã chi 1 tỷ USD. Vâng, 1 tỷ USD với tham vọng vượt lên trong các vòng sơ bộ của đảng Dân chủ. Nhưng rồi ông chỉ có thể trụ được 2 cuộc tranh luận và bỏ cuộc.

Ba năm trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ, ông Steyer đã chạy quảng cáo chính trị trên tất cả các phương tiện truyền thông và tổ chức các sự kiện ngoài trời kêu gọi luận tội Tổng thống Donald Trump. Ngày đầu tiên ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống cũng là ngày ông Styer bắt đầu nỗ lực luận tội Tổng thống. Ông này đã chi 345 triệu USD vào cuộc đua giành đề cử chính thức của đảng Dân chủ để đối mặt với ông Trump ở chặng cuối. Thực tế là ông Steyer chỉ trụ được có vài ngày.

Như diễn viên gạo cội Clint Eastwood từng nói trong bộ phim "Lực lượng chống tội phạm": "Một người đàn ông phải biết những giới hạn của mình." Bạn có thể tự mình kiểm chứng điều này trên Youtube!

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 10.

Những "mánh khoé" tài chính là thứ khó mà thay đổi được chỉ trong ngày một ngày hai nếu không muốn nói là không bao giờ. Các đảng chính trị ngày đêm tìm cách né tránh cải cách. Thành viên của cả hai đảng đều lớn tiếng tố cáo các công ty Bảo hiểm y tế, Dược phẩm và Năng lượng, nhưng lại trông cậy vào các khoản đóng góp của họ để thắng cử.

Tuy nhiên, không có gì lo lắng cả bởi các chính trị gia đã thề rằng các quyết định họ đưa ra tại văn phòng sẽ không chịu sự chi phối của các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử. Rằng hãy tin họ sẽ đưa ra những quyết định tốt nhất cho cử tri của mình. Vâng, là vậy!

Thư từ nước Mỹ: Tiền đen trong bầu cử hay chuyện Hai họ chết tiệt nhà các anh! - Ảnh 11.

Lúc này, học thuyết của Darwin "chỉ những cá thể mạnh nhất hoặc thích nghi tốt nhất mới sống sót" quả là một sự mô tả trọn vẹn cho các chiến dịch chính trị ở Mỹ.

Đành cứ tưởng tượng xem số tiền nhiều đến như vậy có thể làm gì để giải quyết những nhu cầu còn đang chưa được đáp ứng ngay tại chính nước Mỹ hoặc trên phạm vi toàn cầu!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại