Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid?

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thuý |

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến trình trạng bạo lực chính là các chỉ thị đối nhau "chan chát" của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Covid đã trở thành một thứ ung nhọt với biết bao hậu họa dai dẳng kéo dài từ tháng này qua tháng khác, và giờ là từ năm này qua năm khác. Gần đây nhất là tình trạng bạo lực (runaway violence) trên các chuyến bay thương mại. Có lẽ ít ai nghĩ rằng kể cả lúc đã yên vị trên ghế máy bay, đã thắt dây an toàn để yên tâm thưởng thức vài ly rượu cho đến lúc say sưa chìm vào giấc ngủ trên không trung thì vẫn có thể rơi vào rắc rối. Vậy mà lại có đấy!

Đó là các cuộc xô xát giữa hành khách và tiếp viên hàng không, hoặc giữa các hành khách với nhau. Thường là những cuộc ẩu đả này có quy mô lên đến hàng chục người. Hậu quả là các chuyến bay buộc phải hạ cánh ngay lập tức tại các điểm dừng đột xuất, hành khách và phi hành đoàn buộc phải trói tay những hành khách ngỗ ngược, những người này bị bắt giữ ngay khi máy bay hạ cánh, và nhiều người phải ngồi tù.

Năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra, chỉ có 146 cuộc điều tra hình sự — có sự tham gia của cơ quan thực thi pháp luật — được thực hiện đối với các hãng hàng không Mỹ. Nội dung của các cuộc điều tra này thường là do các chuyến bay bị hoãn hoặc hủy chuyến, có tranh chấp về chỗ ngồi hoặc tranh cãi giữa các hành khách. Cũng đôi khi nguyên nhân bắt nguồn từ việc hành khách uống rượu. 

Năm 2021, chỉ trong 8 tháng đầu năm, số vụ điều tra hình sự đã tăng lên 727. Năm 2021, các hãng hàng không báo cáo 3.889 hành khách có hành vi bạo lực nhưng không có xử lý hình sự. 17% tiếp viên hàng không báo cáo về việc họ đã bị hành hung trong thời gian làm việc.

Mức phạt đối với hành vi bạo lực trên máy bay có thể lên đến 35.000 đô la cộng với án tù giam có thể kéo dài. Một số hành khách đã bị cấm bay trọn đời: tên của họ được xếp cùng hạng mục với những kẻ khủng bố trong "Danh sách cấm bay".

Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid? - Ảnh 1.

Trong số 3.889 vụ việc bạo lực trên máy bay thì có 2.867 vụ liên quan đến khẩu trang. Gần như tất cả các hãng hàng không đều yêu cầu hành khách đeo khẩu trang bất kể họ đã được tiêm chủng hay đã mắc bệnh và khỏi bệnh. Thêm nữa là vừa mới đây khi biến thể Delta mới xuất hiện thì chính phủ đưa ra quy định là những người đã tiêm chủng không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở ngoài trời, hoặc khi tiếp xúc với những người đã tiêm chủng, hoặc khi ở một mình.

Và vậy là việc các hãng hàng không bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang đã ngay lập tức khiến những hành khách đã tiêm chủng phản ứng quyết liệt trước quyết định này. Các cuộc tranh cãi với thành viên phi hành đoàn, là những người chịu trách nhiệm thực thi nhiệm vụ yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, khiến các cuộc cãi vã, xô xát nổ ra.

Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid? - Ảnh 2.

Hành khách được phép bỏ khẩu trang khi ăn uống. Nhiều hành khách ăn rất chậm hoặc giả vờ ăn để khỏi phải đeo khẩu trang, dù chỉ trong ít phút ngắn ngủi. Tất nhiên, việc này khiến những người trung thành với chủ nghĩa khẩu trang – cảm thấy tức giận và bất bình với sự bất tuân thủ này. Và vậy là nổ ra đánh nhau, thực sự là không có cách nào tránh khỏi.

Trên các chuyến bay còn một nhóm hành khách đặc biệt – trẻ em. Các hãng hàng không đâu thể để ai bị bỏ lại phía sau – trẻ từ 2 tuổi trở lên bắt buộc phải đeo khẩu trang. Thực sự là một vấn đề vô cùng hóc búa cho các gia đình trẻ khi phải đảm bảo rằng con mình không thò tay kéo khẩu trang khỏi mặt trong suốt chuyến bay cả chục tiếng đồng hồ. Và rồi kết cục lại là những cuộc tranh cãi, xô xát.

Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid? - Ảnh 3.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến trình trạng bạo lực trên các chuyến bay chính là các chỉ thị đối nhau "chan chát" của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) về việc đeo khẩu trang. Ban đầu, CDC không cho rằng đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Sau đó họ lại khuyến cáo người dân cần phải đeo khẩu trang, đặc biệt ở các môi trường không gian kín. Tiếp đó, thông điệp đưa ra là chỉ có những người chưa tiêm chủng mới cần phải đeo khẩu trang, nhưng chỉ thị lại bị đảo ngược khi xuất hiện các trường hợp đã tiêm vắc xin mà vẫn nhiễm virus. 

Kết cục là rất nhiều người dân Mỹ, khi được hỏi, đã không thể trả lời được là họ có nên đeo khẩu trang hay không – hậu quả là xô xát xảy ra. Các hướng dẫn của CDC về việc đeo khẩu trang thì cứ quay lòng, có-không-có… Còn với riêng tôi thì chiếc khẩu trang chết tiệt này đã là vật ly bất ly thân ngay từ đầu đại dịch đến giờ - cũng là lo lắng quá nên thế!

Chuyện nực cười nhất liên quan đến khẩu trang chính là vụ việc của các đảng viên Dân chủ tiểu bang Texas. Tháng 6, một nhóm dân biểu Texas đã rời tiểu bang trong một động thái ngăn chặn Hạ viện tiểu bang đo đảng Cộng hoà nắm đa số thông qua Luật cải cách bầu cử. Bởi quy trình là nếu không cỏ đủ số phiếu tham gia của 3/4 số nhà lập pháp thì hoạt động này không thể tiến hành.

Nhóm nghị sỹ này bay đến Washington DC để trốn chạy khỏi cuộc bỏ phiếu. Họ gửi lên mạng xã hội và báo chí những bức ảnh cả đoàn ngồi trên một chiếc máy bay riêng, uống bia và không ai đeo khẩu trang. Chỉ vài nay sau khi có mặt tại DC, 5 người trong số họ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid và tất cả bị bắt buộc cách ly. Chuyện còn chưa đủ tệ nên ngay sau đó Washington DC trải qua một một đợt gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid do vụ việc này???? Một số nhân viên Nhà Trắng có tiếp xúc với nhóm nghị sỹ Texas cũng có kết quả dương tính.

Vụ việc này được truyền thông đưa tin suốt nhiều tuần, tạo nên một làn sóng chế giễu những người đeo khẩu trang.

Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid? - Ảnh 5.

Còn 3 nguyên nhân dẫn đến bạo lực trên không trung: rượu, ghế ngồi và sự căng thẳng.

Trước hết, rượu được ghi nhận là một nhân tố thúc đẩy một phần bạo lực. Một số hành khách cố tình uống nhiều rượu đến mức bất tỉnh để có thể ngủ suốt cả chuyến bay. Bởi được như vậy họ sẽ không phải nghe tiếng trẻ con khóc, những thông báo không cần thiết từ hệ thống liên lạc nội bộ trên máy bay, và những hành khách không ngớt lời trò chuyện trong giờ ngủ.

Nhưng việc có tý men vào người lại dẫn đến tác dụng ngược lại: một số người vốn dĩ có tính cách ôn hoà lại trở nên hung hăng khi bị người khác kích động, chẳng hạn như bị chất vấn về việc đeo khẩu trang.

Giải pháp của các hãng hàng không là ban hành quy định cấm rượu trên các chuyến bay của họ. Hành khách bắt đầu phàn nàn về việc không có rượu để giúp họ tìm kiếm sự bình yên trong chuyến bay dài (hoặc để họ bất tỉnh mà sống sót qua chuyến bay). Và vậy là đến cả những người tính cách mềm mỏng, nhẹ nhàng cũng đột nhiên góp phần vào các vụ bạo lực ở trên trời.

Tệ hơn nữa, như một giải pháp bù trừ, hành khách bắt đầu uống sẵn rượu nặng từ trước khi lên máy bay. Thế là chẳng mất nhiều thời gian sau khi ổn định chỗ ngồi, giao tranh xảy ra.

Tiếp theo là ghế ngồi – kích thước và khoảng cách giữa các ghế ngồi đã thay đổi đáng kể theo thời gian. Các hãng hàng không đã phát hiện ra rằng số hành khách trên máy bay tỷ lệ thuận với lợi nhuận doanh nghiệp. Bốn mươi năm trước, khoảng cách giữa các ghế ngồi là 31-35 inch. Hiện tại, khoảng cách đã được rút xuống còn 29 inch. Chiều rộng lòng ghế giảm từ 18.5 inch xuống còn 17,5 inch.

Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid? - Ảnh 6.

Mấy con số này nghe có vẻ không nhiều khác biệt lắm, nhưng tôi có thể lấy thân mình làm ví dụ. Do sự thay đổi đó mà bản thân tôi bây giờ không thể nào ních được vào chiếc ghế hạng phổ thông như ngày xưa. Đầu gối của tôi huých vào bàn ăn. Nếu hành khách ở ghế trước mặt ngả ghế của họ ra sau thì tôi sẽ không còn đủ không gian để hạ bàn ăn xuống và sẽ phải thò chân ra lối đi. Nếu người ngồi cạnh cũng có kích cỡ lớn thì sẽ nổ ra cuộc cạnh tranh xem ai giành được chỗ để tay. Đôi khi, người hàng xóm có kích cỡ to hơn bạn sẽ đặt tay lên đùi của bạn vì đâu có ai vứt tạm được tay đi trong lúc bay, đành phải để đâu đó thôi. Và thế là giao tranh xảy ra.

Nhân tố thứ ba là căng thẳng – người Mỹ đang trong tình trạng cực kỳ căng thẳng vì Covid. Nền kinh tế gặp khó khăn, doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không có, các hoạt động xã hội bị co hẹp, số ca Covid giảm chưa lâu giờ lại tăng đột biến… Con người trở nên rất dễ mất kiểm soát. Cộng thêm sự căng thẳng khi đi máy bay. Và thế là giao tranh xảy ra.

Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid? - Ảnh 7.

Như vậy, nếu bạn kết hợp các yếu tố tác động đến tâm lý hành khách bao gồm: đeo khẩu trang trên suốt chuyến bay, ghế ngồi chật chội, sự căng thẳng khi đi máy bay, lo sợ bị không tặc khủng bố, không được uống rượu như một giải pháp an thần, trẻ em la hét, hành khách nói chuyện ồn ào, hệ thống liên lạc nội bộ liên tục phát những thông báo không cần thiết, đồ ăn dở không nuốt nổi, một vài khách lên máy bay muộn khiến cả chuyến phải chờ đợi, mùi khó chịu do số đồ dùng từ các bữa ăn chưa được rửa sạch.. – thì việc chưa có người nổi điên gây ra thương vong hàng loạt trên "bầu trời thân thiện" của nước Mỹ đã là một kỳ tích rồi! ("Hãy bay trên bầu trời thân thiện" là khẩu hiệu của Hãng hàng không United Airlines năm 1965)

Thư từ nước Mỹ: Đổ máu trên bầu trời vì... Covid? - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại