Thư từ Mỹ: Lo cuộc sống xáo trộn vì bạo loạn

Cao Lực |

Người Mỹ gốc Việt không cổ vũ bạo loạn trên mạng, diễn đàn, mà cực lực lên án để chống lại cái xấu.

Khi đặt bút viết lá thư này, tim tôi vỡ òa cảm xúc trước hình ảnh những người đàn ông da màu bảo vệ một sĩ quan đã bị tách khỏi đội của mình. Anh ta đã bị đánh và gặp nguy hiểm. Những người đàn ông da màu đã khóa tay và tạo ra một rào cản xung quanh viên sĩ quan cảnh sát, bảo vệ anh ta.

Nước Mỹ những ngày bạo loạn rồi sẽ để lại vết sẹo cho chính cường quốc này. Nhưng vết thương đó không thể hủy diệt mầm sống của sức mạnh yêu thương và khát vọng bình yên ngay trong ngôi nhà của từng người dân Mỹ.

Là người Mỹ gốc Việt định cư tại đất nước này đã 35 năm, tôi và gia đình chưa bao giờ trải qua thời khắc khó khăn như hiện tại. Kinh tế không phải là lý do bởi trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ đã trợ cấp, rót tiền vào tài khoản của từng người dân theo mức độ đóng thuế và hoàn cảnh của mỗi người. Cái khó ở đây chính là sự kỳ thị như lửa gần rơm, cứ bén và bùng lên mỗi lúc một tăng.

Ngay nơi tôi ở, con của tôi đã bị một nhóm bạn kỳ thị, xua đuổi ngay ở cổng siêu thị, cho rằng chính dân châu Á mang mầm bệnh sang Mỹ. Giờ lại đến các cuộc biểu tình, bạo loạn mà chính phủ nhìn nhận như một kiểu khủng bố trong nước. Các con tôi không dám ra ngoài, may mắn thức ăn dự trữ từ mùa dịch bệnh vẫn còn. Mọi giao tiếp với bên ngoài chỉ qua chiếc điện thoại.

Nơi tôi ở cách khu chợ người Việt gần Nhà Trắng mang tên trung tâm Eden nằm trên đường Wilson ở thành phố Falls Church, bang Virginia. Ở đây có hơn 50.000 người Việt sinh sống. Đêm 29-5, khi đám đông người biểu tình vây quanh Nhà Trắng để phản đối cái chết của một người đàn ông da màu tên George Floyd, tôi và gia đình lo sợ ngọn lửa căm giận của người da màu sẽ lan rộng.

Một khi bạo động bùng phát khiến quân đội vào cuộc, đời sống sẽ còn bị xáo trộn đến cỡ nào. Mang theo "giấc mơ Mỹ", người nhập cư gốc Việt đến đây sinh sống, lâu năm như chúng tôi thì đã có công việc hãng xưởng hoặc cơ ngơi buôn bán, nền tảng ổn định nên không phải lo lắng. Còn với du học sinh, người nhập cư chưa có việc làm vừa trải qua mùa dịch, bạo loạn sẽ còn khiến họ thêm khốn khó.

Với bạo loạn tại Mỹ, không thể năn nỉ, cũng chẳng thể dùng bạo lực chống bạo lực. Tối qua, tôi đã khóc khi xem trên truyền hình và sự lan tỏa nhanh chóng của clip em trai nạn nhân nói với người dân Mỹ: "Hãy làm điều này theo cách khác". Terrence Floyd đã kêu gọi chấm dứt những cuộc bạo loạn trên toàn quốc, đừng lợi dụng cái chết của anh trai anh để gây nên cảnh tang thương cho nước Mỹ.

Người Việt nói không với những cuộc xuống đường không mang tính ôn hòa như thế. Nói một cách nào đó nước Mỹ vẫn chưa đủ đoàn kết về ý chí trong việc xóa bỏ sự phân biệt về màu da. Còn nhiều hình ảnh rất đẹp của cảnh sát Mỹ trong bạo loạn, như trường hợp một phụ nữ da màu ngỡ bị bắt khi chị cũng nhào vào siêu thị hôi của, nhưng đồ chị lấy là thực phẩm để "cứu đói cho gia đình tôi trong một tuần do thất nghiệp".

Viên cảnh sát thay vì còng tay người phụ nữ này đã nhét vào túi chị 200 USD cùng lời khuyên chị đừng tham gia bạo loạn, hôi của mà hãy dùng số tiền này để mua thực phẩm cho gia đình mình. Tôi và các con tôi đã rơi nước mắt khi xem hình ảnh đó.

Tôi nhớ trong giai đoạn nước Mỹ chống dịch bệnh, người Mỹ gốc Việt đã may khẩu trang tặng các bệnh viện, tổ chức nấu cơm, làm những phần thức ăn nhanh tặng cho cảnh sát, người làm việc ở các bệnh viện, tuyến đầu chống dịch. Qua lần bạo loạn này, những người Mỹ gốc Việt lâu nay thờ ơ với cộng đồng thì nay đã chủ động hơn, bằng mọi cách ngăn chặn con em mình không tham gia bạo loạn. Họ không cổ vũ bạo loạn trên mạng, diễn đàn, mà cực lực lên án để chống lại cái xấu.

Người biểu tình tiếp tục thách thức lệnh giới nghiêm

Bất chấp lệnh giới nghiêm, hàng chục ngàn người tiếp tục xuống phố biểu tình trên khắp nước Mỹ vào ngày 2-6 để thể hiện sự giận dữ với cái chết của George Floyd - người đàn ông da màu thiệt mạng sau khi bị một cảnh sát da trắng dùng gối ghì cổ. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra tại nhiều thành phố lớn như New York, Los Angeles, Philadelphia, Atlanta, Denver và Seattle... Theo Reuters, mặc dù diễn ra ôn hòa trong phần lớn ban ngày, các cuộc biểu tình chuyển hướng bạo lực vào ban đêm khi đám đông đốt phá, cướp bóc và xung đột với cảnh sát.

Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sử dụng quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình bạo lực, đồng thời khẳng định giới chức địa phương, bao gồm các thống đốc bang, cần mạnh tay hơn với tình trạng bất ổn. Người đứng đầu Vệ binh Quốc gia Mỹ, Tướng Joseph Lengyel, hôm 2-6 cho biết 18.000 thành viên của lực lượng này đã được triển khai để hỗ trợ thực thi pháp luật ở 29 bang. Trong khi đó, Lầu Năm Góc thông báo đã huy động khoảng 1.600 lính Lục quân Mỹ đến khu vực thủ đô Washington.

Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump cùng với vai trò ngày càng tăng của các lực lượng vũ trang đã khiến một số quan chức đương nhiệm cũng như đã về hưu của Mỹ lo ngại. "Mỹ không phải là chiến trường. Người dân của chúng ta không phải là kẻ thù" - ông Martin Dempsey, tướng 4 sao đã về hưu và từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS), nhấn mạnh trên mạng xã hội Twitter.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại