Ai thấy xót???
Phóng viên đã hỏi một câu hay: Cá nhân ông và gia đình ông đã đi qua BOT Cai Lậy chưa? Ông thấy mức thu phí như thế có cao không, ông có thấy xót không?
Câu trả lời của vị thứ trưởng không khiến ta bất ngờ: "Cá nhân tôi là ngồi trên xe đi qua và trả phí vì tôi cũng là một công dân tuân thủ quy định pháp luật. Còn có xót với mức phí đó không thì chắc phải làm việc so sánh giữa trước đây và bây giờ".
Tôi tin rằng, nhiều quan chức đi xe công như vị thứ trưởng qua trạm BOT Cai lậy, sẽ khó mà thấy xót, đơn giản vì tiền phí sẽ được lái xe trả và được thanh toán theo chế độ của Nhà nước.
Nếu Thứ trưởng đi xe tư, thì tôi cũng tin rằng, một khoản phí vài chục ngàn, thậm chí vài trăm ngàn, khó có thể "làm xót" túi tiền của một quan chức.
Nhưng tài xế cày mặt ngoài đường không có đời sống và những khoản thu nhập dễ chịu như nhiều quan chức.
Các doanh ngiệp vận tải làm ăn chân chính, không có ai bảo kê, không có ai cung phụng, cũng khó có thể "không xót" mức phí vài chục ngàn mỗi xe, khi đoàn xe của họ ngày ngày phải đi qua máy chém có gắn mác BOT.
Trạm thu phí của dự án Tuyến tránh Cai Lậy, nhưng lại đặt tại Quốc lộ 1 thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khiến nhiều lái xe phản đối suốt thời gian qua. Ảnh NLD.
Xe thứ trưởng đi dọc đường, sẽ ít bị (hoặc không bị) tuýt còi, hỏi thăm bởi mấy lực lượng chức năng. Nhưng tài xế thì luôn luôn có.
Ai chẳng biết, doanh nghiệp vận tải ở Việt Nam có quá nhiều nỗi khổ. Trước và sau khi đi qua trạm thu phí cắt cổ, cánh tài xế đã phải làm vô số "thủ tục" khác. Đã có tài xế kêu lên rằng, một chuyến xe chở nông sản rẻ mạt đi trên đường, vẫn phải cõng bao nhiêu thứ chi phí không tên khác.
Không có thủ tục "đầu tiên" thì xe không trôi dù đường thông hè thoáng đến mấy.
Chính vì vậy, đúng như một chuyên gia bình luận: Phí BOT như một sợi rơm quái ác chất thêm lên lưng con lừa đã bị chất bao nhiêu gánh nặng. Những con lừa khốn khổ ấy cũng quỵ ngã, trừ phi lừa hóa cáo, chấp nhận cuộc chơi "đi ngang về tắt" khác.
Vì vậy, để một người có địa vị có thể thấy xót, thì họ phải đặt mình, đồng hành, thậm chí vi hành trên những nẻo đường thuế phí cùng những tài xế, doanh nghiệp làm ăn chân chất.
Lái xe phản đối trạm BOT Cai Lậy bằng cách trả tiền lẻ, mệnh giá nhỏ, sau đó cho vào chai nhựa hoặc đưa nhân viên thu phí đếm. Ảnh VOV.
"Nhìn tấm ảnh cười mà tôi muốn khóc quá!"
Tấm ảnh chàng lái xe cười rất tươi khi đưa mớ tiền lẻ trả phí ở trạm BOT Cai Lậy đã lan tỏa mạnh mẽ trên báo chí và mạng xã hội.
Nụ cười của cô nhân viên thu phí mặc áo hồng xinh xắn, cũng rất tươi.
Nhìn hình ảnh vui vẻ ấy, chả thấy ai chống đối ai.
Người lái xe cho biết: "Tôi hợp tác với trạm, không chống đối gì cả. Tôi chỉ sử dụng tiền do nhà nước phát hành để thanh toán phí cầu đường. Lúc tôi đi qua thì chưa xả trạm; nhưng khoảng 10 phút sau, xe ùn ứ quá nhiều nên họ mở barrie cho dòng xe chạy qua mà không thu phí".
Cô gái thu phí chỉ là nhân viên làm thuê, đương nhiên sẽ không nói gì, vì vị Chủ tịch BOT Cai Lậy của cô đã phát biểu chắc nịch và bình thản: "Phản đối là việc của tài xế, thu phí là việc của chúng tôi".
Nhưng ai cũng biết, phía sau nụ cười và những cọc tiền lẻ chất cao ấy, chắc chắn là nỗi lòng, là tiếng thở dài, thậm chí là nước mắt của nhiều người làm ăn chân chính.
Nếu trạm thu phí thất thu 1.000 đồng thì mỗi tài xế và doanh nghiệp vận tải thất thu 10.000 đồng. Đằng sau sự ách tắc đó là đơn hàng, là hiệu suất quay vòng xe, là ngày công, là túi tiền.
Người làm kinh doanh, không ai dại gì mà cù cưa với thời gian và tiền bạc. Sau nụ cười, là bao nhiêu chua chát.
"Nhìn tấm ảnh cười mà tôi muốn khóc quá!" – một người bạn làm vận tải ở Hà Nội, không có xe nào đi qua trạm BOT Cai Lậy, chat với tôi như vậy.
"Quy trình hành chính" và "quy trình bức xúc"
Dù vị thứ trưởng chỉ đạo dự án này, nhưng việc đặt trạm BOT ở đường chính chứ không phải đường tránh và mức phí trên trời, lại là trách nhiệm của nhiều bên. Bởi như vị thứ trưởng nói, đã xin ý kiến đủ cả thành phần, cơ quan, ban bệ (tất nhiên là trừ nhân dân, tài xế, chủ doanh nghiệp).
Như vậy, rất giống như cách giải trình của các quan chức về việc bổ nhiệm nhiều người nhà làm quan, việc đặt trạm BOT Cai Lậy cũng rất đúng quy trình. Chỉ có điều nhiều thứ đúng quy trình hành chính thì cũng rất đúng quy trình làm dư luận bức xúc.
Có nhiều cách để triệt tiêu quy trình bức xúc như ở BOT Cai Lậy, nhưng chắc chắn không phải là biện pháp ghi biển số những xe trả tiền lẻ để chuyển cho công an (công an đã có hành xử rất đúng là không xem xét xử lý hành vi này vì lái xe không vi phạm điều gì cả).
Việc giảm mức phí cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Giải pháp gốc chính là tư duy không lập ra các hàng rào tận thu làm kiệt sức dân. Đúng như chuyên gia Phạm Chi Lan nói, nhiều khi giảm thuế phí cho dân, thì mức thu ngân sách lại tăng lên. Tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân làm ăn phát đạt, đương nhiên nhà nước sẽ có nguồn thu dồi dào.
Còn nếu cứ thực hiện "quy trình đúng" nhưng hại cho dân, thì thực tế sẽ diễn ra những sự đúng quy trình khác gây thiệt hại hơn nhiều: "Đúng quy trình đưa tiền lẻ" và "đúng quy trình ách tắc" khi đi qua trạm và "quy trình suy giảm lòng tin" của dân chúng.