Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Cảnh giác, bình tĩnh và chủ động tổ chức dập dịch một cách chắc chắn

Việt Hoa (thực hiện) |

Dịch COVID-19 tại Bắc Ninh đã “hạ nhiệt”. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả từ các giải pháp đồng bộ và sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bắc Ninh trong hơn một tháng qua. Bên cạnh sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân phải kể đến vai trò định hướng, hỗ trợ rất lớn của Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh (Bộ phận 2593). Báo Bắc Ninh có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận 2593 về nội dung liên quan.

Phóng viên: Qua 2 tuần gắn bó, giúp đỡ tỉnh Bắc Ninh, ông đánh giá thế nào về công tác khống chế, xử lý các ổ dịch trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Ngay sau khi được thành lập, Bộ phận 2593 đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh để nghiên cứu, rà soát và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với đặc thù của địa phương.

Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh không lơ là, chủ quan và không được mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế và tình hình thực tế của tỉnh, Bộ phận 2593 phối hợp chặt chẽ với BCĐ tỉnh đưa ra các phương án xử lý các ổ dịch, các ca nhiễm hết sức cụ thể.

Chúng tôi thống nhất việc xử lý các ổ dịch ưu tiên trước tiên cho những huyện, thị xã thành phố có nguy cơ cao, thứ tự triển khai thực hiện là: Thành phố Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, Quế Võ, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong.

Đối với từng địa phương, phương án xử lý ổ dịch được đưa ra hết sức chi tiết, cụ thể như: Làm tốt công tác điều tra dịch tễ của từng ca bệnh để có mốc thời gian xem xét điều chỉnh giãn cách xã hội; đồng thời rà soát, nâng cao năng lực xét nghiệm với 2 nhiệm vụ trọng tâm là thần tốc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất để phát hiện sớm nhất các ca mắc trong cộng đồng, chuyển điều trị và truy vết triệt để.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Cảnh giác, bình tĩnh và chủ động tổ chức dập dịch một cách chắc chắn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế (áo trắng) trong một chuyến thị sát tình hình chống dịch tại phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh)

Đối với công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, trong các khu, cụm công nghiệp, các công ty có ca bệnh trong vòng 14 ngày và muốn tổ chức sản xuất trở lại phải ký cam kết thực hiện công tác phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm các nội dung theo hướng dẫn; triển khai truy vết, khử khuẩn, cách ly theo quy định; xét nghiệm sàng lọc toàn bộ công nhân, người lao động vừa làm việc vừa lưu trú tại doanh nghiệp trước khi khởi động lại sản xuất và xét nghiệm thêm 2 đợt cách nhau 3 ngày. Sau đợt xét nghiệm toàn bộ, tiến hành xét nghiệm sàng lọc hàng tuần với 20% người lao động có nguy cơ.

Với việc áp dụng những biện pháp chống dịch phù hợp với điều kiện, đặc thù của Bắc Ninh, tình hình dịch đã cơ bản được khống chế, kiểm soát tốt.

Tuy nhiên trong những ngày tới, tỉnh có thể sẽ ghi nhận thêm số ca mắc mới, điều này nằm trong quy luật phát triển của dịch bệnh và không đáng lo ngại bởi các ca mắc mới đã được cách ly tập trung hoặc nằm trong khu vực đã phong tỏa, được phát hiện do thực hiện sàng lọc diện rộng.

Phóng viên: Trong nỗ lực dập dịch nhanh nhất, Bắc Ninh đã thay đổi chiến lược xét nghiệm với điểm nhấn là tổ chức sàng lọc trên diện rộng và tăng cường xét nghiệm cho người lao động trong KCN. Thứ trưởng có thể phân tích cụ thể hơn về giải pháp này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Công tác xét nghiệm được coi là yếu tố then chốt quyết định thành quả chống dịch. Vì thế, Bộ phận 2593 và Sở Y tế đã rà soát, đánh giá lại năng lực xem năng lực xét nghiệm của tỉnh. Theo đánh giá của tôi, năng lực xét nghiệm của tỉnh hiện đạt được yêu cầu với các chỉ số trên 10.000 mẫu đơn và trên 100.000 mẫu nếu xét nghiệm gộp 10.

Cuối tháng 5-2021, trước diễn biến của dịch bệnh tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Y tế quyết định thành lập Bộ phận 2593 để phối hợp chặt chẽ với BCĐ phòng, chống dịch của tỉnh nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất cho công tác phòng chống dịch phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của tỉnh Bắc Ninh. Bộ phận 2593 gồm 4 tổ: Tổ 1 nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng; Tổ 2 nghiên cứu để đưa ra các phương án điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2; Tổ 3 nghiên cứu đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch trong khu, cụm công nghiệp, các nhà máy, doanh nghiệp; Tổ 4 giúp tỉnh đẩy nhanh ứng dụng CNTT và công tác truyền thông trong công tác phòng, chống dịch.

Chiến lược xét nghiệm tại Bắc Ninh được điều chỉnh trên cơ sở phân tích năng lực xét nghiệm hiện có. Với chiến lược xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng, giải pháp cụ thể được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tế của địa bàn cụ thể. Ví dụ, những thôn, khu phố ghi nhận ca bệnh trong vòng 7 ngày, chúng tôi yêu cầu xét nghiệm sàng lọc toàn bộ dân, mẫu gộp ngày 1,4,7 theo hộ gia đình; đối với những địa bàn có ca bệnh trong thời gian từ 8 đến 14 ngày thì xét nghiệm sàng lọc toàn bộ dân đối với từng hộ gia đình nhưng theo mẫu gộp vào ngày 1, ngày 7; trong khi đó, những nơi đã qua 14 ngày không có ca bệnh thì xét nghiệm mẫu toàn dân theo hộ gia đình.

Những nơi không có ca mắc vẫn xét nghiệm lấy mẫu gộp theo đại diện hộ gia đình (mỗi hộ 1 người, 1 lần) Tại sao chúng tôi đề ra giải pháp như vậy? Vì chỉ có căn cứ vào mốc thời gian cuối cùng ghi nhận ca bệnh, chúng ta mới đánh giá được nguy cơ xuất hiện F0 trở lại. Thời gian này càng ngắn chúng ta càng phải sàng lọc thật kỹ để chặn đứng nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Về chiến lược xét nghiệm đối với doanh nghiệp khi trở lại hoạt động, ngoài việc triển khai chiến lược xét nghiệm sàng lọc sạch đối với số công nhân trước khi quay trở lại làm việc, chúng tôi khuyến khích Bắc Ninh xét nghiệm sàng lọc hàng tuần người lao động trong KCN với tỷ lệ cao hơn là từ 20% trở lên, song lưu ý phương pháp lựa chọn đối tượng xét nghiệm sao cho chuẩn xác, tránh lãng phí nguồn lực.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, tỉnh Bắc Ninh đã điều chỉnh mức độ giãn cách xã hội tại một số địa bàn, điều này đã tạo sự thuận lợi hơn cho người dân trong sinh hoạt. Ông có suy nghĩ gì về quyết định này?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trên địa bàn ghi nhận ca bệnh có mối liên quan dịch tễ rộng, việc thực hiện các Chỉ thị về giãn cách là hết sức cần thiết nhằm hạn chế, ngăn chặn sự tiếp xúc, có như vậy mới chặn được đà lây lan của dịch bệnh, tiến tới cắt đứt các chuỗi lây lan trong cộng đồng.

Do sự ảnh hưởng của giãn cách xã hội đến kinh tế - xã hội nên việc ra quyết định giãn cách hay điều chỉnh mức độ giãn cách đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Tại Bắc Ninh, phương án giảm mức độ giãn cách xã hội và dỡ bỏ khoanh vùng cách ly trên địa bàn tỉnh được Bộ phận 2593 xây dựng và đề xuất trên nguyên tắc đáp ứng các yêu cầu về: Yếu tố dịch tễ, kết quả sàng lọc xét nghiệm, công tác giãn cách; đối với các huyện, thị có nguy cơ rất cao không đề xuất giảm mức độ giãn cách, đối với các xã, thôn thuộc xã có mức độ nguy cơ cao, nguy cơ rất cao không đề xuất giảm mức độ giãn cách xã hội.

Dựa trên các tiêu chí này, chúng tôi đánh giá, phân tích và xây dựng phương án gỡ bỏ phong toả và thay đổi hình thức cách ly, giãn cách xã hội đối với một số thôn, xã, tiến tới gỡ bỏ phong toả ở cấp độ rộng hơn.

Gỡ bỏ phong tỏa, giảm mức độ giãn cách để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và phát triển kinh tế, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người dân được chủ quan, mất cảnh giác. Mọi người dân vẫn cần nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K.

Phóng viên: Dù công tác chống dịch tại Bắc Ninh đã có những tín hiệu lạc quan, song tình hình dịch bệnh nói chung vẫn đang diễn biến phức tạp, ông có dự báo nguy cơ và khuyến cáo gì đối với người dân?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Tại Bắc Ninh, dịch vẫn có nguy cơ bùng phát với việc xuất hiện các ca bệnh ở trong cộng đồng hoặc là trong các khu cách ly tập trung, thậm chí trong KCN.

Tại sao tôi nhận định như vậy? Thứ nhất, dịch bệnh trên thế giới vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường, trong khi đó chúng ta vừa nỗ lực chống dịch vừa phát triển kinh tế. Để thực hiện mục tiêu kép, chúng ta vẫn phải tiếp tục cho các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao, nhà quản lý, đặc biệt là người nước ngoài nhập cảnh để tiếp tục điều hành các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành của cả nước, trong đó có tỉnh Bắc Ninh.

Thứ hai, thực hiện quyền bảo hộ công dân, chúng ta vẫn phải tiếp tục đón công dân Việt Nam ở nước ngoài về bằng các chuyến bay giải cứu. Thứ ba, vẫn còn một số đối tượng cố tình nhập cảnh trái phép vào Việt Nam cho dù chúng ta đã có những giải pháp quyết liệt để ngăn ngừa.

Thứ tư, do xuất hiện các chủng mới của virus, đặc biệt là các biến thể Anh, Ấn Độ, Nam Phi với khả năng lây lan nhanh chóng, không chỉ lây nhiễm qua giọt bắn mà còn có khả năng lây nhiễm qua không khí. Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện tốt nguyên tắc 5K + vắc xin là biện pháp “kép” nhằm bảo toàn thành quả chống dịch. Đây cũng là khuyến cáo và đề nghị mà Bộ Y tế mong muốn toàn dân cùng phối hợp thực hiện.

Phóng viên: Đã nhận diện những nguy cơ trên, theo Thứ trưởng, hệ thống chính trị và người dân Bắc Ninh cần tập trung cao cho những vấn đề gì để công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất?

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Tình hình dịch diễn biến phức tạp, chúng ta cảnh giác nhưng không nóng vội, bình tĩnh nhưng không chủ quan để tổ chức thực hiện các giải pháp đến đâu phải chắc đến đó, từng bước dập dịch một cách chắc chắn.

Muốn vậy, trong công tác phòng, chống dịch các cấp, ngành, địa phương cần là phân công rõ người, rõ việc, rõ địa điểm phụ trách. Vai trò của Tổ COVID cộng đồng cần được phát huy một cách thực chất trong việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, phát hiện sớm những trường hợp có nguy cơ cao.

Huy động và phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên trước hết họ vận động các thành viên trong gia đình mình chấp hành tốt các giải pháp, khuyến cáo về phòng, chống dịch. Đồng thời, họ cũng là những cánh tay nối dài của cấp ủy để tuyên truyền, vận động, phát hiện, tố giác những đối tượng nghi ngờ.

Tôi cũng muốn nói đến vai trò của các Tổ liên gia, Tổ tự quản, Tổ bảo vệ dân phố trong công tác phòng, chống dịch và tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc phát giác các đối tượng có nguy cơ ở địa phương mình như: Nhập cảnh trái phép không khai báo, trốn khỏi khu cách ly, không đi cách ly…

Bảo đảm triển khai chặt chẽ các hoạt động sàng lọc, phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, KCN đã đi vào hoạt động trở lại; tăng cường hoạt động quản lý, phòng chống dịch tại nhà trọ, nơi lưu trú của công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường kiểm soát, bảo đảm sự tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc phòng, chống dịch của người dân trong cộng đồng đã được giải tỏa, giãn cách, phong tỏa; người dân trong các khu còn phong tỏa, giãn cách; bảo đảm tuân thủ các quy định phòng, chống lây nhiễm trong khu cách ly tập trung và đặc biệt là tăng cường các hoạt động kiểm soát phòng, chống dịch với nhóm công nhân, người lao động tại công ty, khu công nghiệp và nơi lưu trú.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện khai báo y tế, kiểm soát người ra vào theo hướng dẫn tại Quyết định số 2666 ngày 29-5-2021 của Bộ Y tế.

Chưa loại trừ được nguy cơ dịch lây lan rộng, Bắc Ninh cần sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp với phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng, chống dịch như: Đủ nhân lực cho công tác truy vết và xét nghiệm; đủ năng lực cách ly để mà khi có F1 đông, phải đưa đi cách ly tập trung; đủ năng lực, cơ sở điều trị đặc biệt phải sẵn sàng chuẩn bị hình thành các bệnh viện dã chiến khi mà có số lượng ca bệnh đông lên.

Cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân lơ là chủ quan, mất cảnh giác để xảy ra dịch; đồng thời, chúng ta cũng phải có khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích tốt trong công tác phòng, chống dịch.

Tôi nghĩ nếu triển khai đầy đủ các biện pháp, giải pháp của BCĐ Quốc gia, Bộ Y tế và đi vào trọng tâm những nội dung trên thì chắc chắn thời gian gần nhất, tỉnh Bắc Ninh sẽ đẩy lùi đợt dịch thứ 4 này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Cảnh giác, bình tĩnh và chủ động tổ chức dập dịch một cách chắc chắn - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại