GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Chỉ trong 20 ngày, số ca mắc mới trong nước tăng kỷ lục khiến nhiều địa bàn và hàng chục bệnh viện phải cách ly, phong tỏa.
Để có thêm thông tin về tình hình dịch bệnh cùng công tác triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 trong những ngày tới, phóng viên VOV phỏng vấn GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế về nội dung này.
PV: Thưa Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, ông có đánh giá ra sao về sức nóng của dịch bệnh trong những những ngày gần đây ở nước ta?
Ông Trần Văn Thuấn: Từ 27/4 đến giờ con số mắc đã vượt qua mốc 1.000 tại 26 tỉnh, thành phố, điển hình Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh thành khu vực miền Bắc. Dự kiến trong một vài ngày tới, số ca mới mắc sẽ tiếp tục gia tăng bởi lẽ chúng ta sẽ phát hiện các ca này từ F1 của các ca F0 hiện tại.
Chúng tôi chưa thấy đợt nào tỷ lệ F1 dương tính nhiều như đợt này, nó khẳng định tốc độ lây lan của chủng mới nhanh hơn và cũng như WHO khẳng định, lần này virus chủng mới lây qua đường không khí.
Chính vì vậy vai trò 5K, đặc biệt khẩu trang và khoảng cách là hết sức quan trọng. Chúng tôi xin khẳng định lại, chìa khóa để chiến thắng Covid-19 là 5K và vaccine.
PV: Chúng tôi được biết dự kiến ngày 16/5, Liên minh Covax sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam gần 1,7 triệu liều vaccine AstraZeneca, vậy công tác tiêm phòng sẽ được triển khai ra sao?
Ông Trần Văn Thuấn: Covax đang chuyển về cho Việt Nam đợt tiếp theo khoảng 1,7 triệu liều. Chúng tôi lên kế hoạch phân bổ để tiếp tục ưu tiên cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, đồng thời chúng tôi ưu tiên cho các tỉnh đang có tỷ lệ mắc cao như Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh.
Qua cung cấp của Covax, chúng ta đã có được 917.000 liều, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia về cơ bản đã hoàn tất, thậm chí hoàn thành vượt mức mức kế hoạch, tiêm được trên 994.000 liều, đạt công suất 108% bởi lẽ chúng ta tiến hành tiêm tiến kiệm, hiệu quả, thay vì một lọ được 10 người thì cán bộ y tế đã tiết kiệm nâng lên được 11- 12 người một lọ vaccine. Về cơ bản các tỉnh sẽ hoàn thiện và hoàn thành trước ngày 23/5.
PV: Qua đợt tiêm vaccine Covid-19 vừa rồi, Bộ Y tế rút ra những kinh nghiệm gì và có cần sửa đổi, bổ sung quy trình gì cho đợt tiêm tiếp theo, thưa ông?
Ông Trần Văn Thuấn: Sơ bộ thống kê tỷ lệ phản ứng phụ nhẹ 18%, chủ yếu sưng, nóng, đỏ, đau, sốt, 24 trường hợp ảnh hưởng nặng, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Qua đợt này chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm làm tốt hơn đợt sau.
Thứ nhất cần tiếp tục tuyên truyền người dân hiểu rõ vai trò vắc xin trong phòng chống dịch bệnh để người dân tiếp tục hợp tác với ngành Y tế.
Thứ hai chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn cho cán bộ y tế, đặc biệt lần này chúng tôi cải tiến để ngay lọ thuốc chống sốc trước mặt cán bộ y tế khi xử lý tiêm, chẳng may có phản ứng phụ xảy ra thì cấp cứu ngay.
Việc cấp cứu đó có quan hệ chặt chẽ về thời gian với khả năng cứu sống cho người bị ảnh hưởng phụ.
PV: Vâng xin cảm ơn Thứ trưởng!./.