"Vàng mười nhạc Việt" là tuyến bài tôn vinh những nữ ca sĩ có đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam từ sau thập niên 90 đến nay.
Bên cạnh đó, là những câu chuyện cuộc sống của họ xen kẽ để lý giải những đổi thay của họ trên một chặng đường dài cống hiến.
Tuyến bài gồm 5 chân dung độc đáo: Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Thu Phương.
Thu Phương là một trong những ca sĩ có cuộc sống thăng trầm và biến động nhiều nhất. Cho đến giờ, có nhiều chặng đời mỗi lần nhớ lại, là mỗi lần Phương khóc.
Dĩ nhiên, đó là nước mắt thật.
Thu Phương khéo, nhưng là khéo che đi những sự thật về cuộc sống của mình, che đi những buồn, những khổ đau để đứng vững mà hát.
Những gì bạn thấy ở Phương, một hạnh phúc viên mãn của năm xưa hồi chưa rời Việt Nam, những trúc trắc trên con đường hạnh phúc ngày mới sang Mỹ và những nụ cười cho hôm nay, mọi thứ tưởng vậy, mà không phải vậy.
Ca sĩ Thu Phương.
Chỉ tiếc là vị mặn cuộc đời đã đủ, đủ để ngấm cho giọng hát được sâu hơn, nhưng hình như vẫn có gì chênh vênh khi giọng hát đầy phiêu cảm của năm nào lại được thêm vào một vài gia vị khác, phá tan sự êm ái của ngày cũ và kén người nghe hơn.
Gia vị ấy, có thể nó đến từ tính cách của Thu Phương nhưng cũng có thể nó được tác động bởi một bàn tay khác, trong một quãng đời hoạt động nghệ thuật của Thu Phương.
Bạn tôi, một nhạc sĩ hoà âm nổi tiếng, anh nói rằng, anh rất tiếc vì điều đó, mặc dù trong lòng, anh rất thương Thu Phương. Và rất mê giọng hát Thu Phương hồi chị chưa qua Mỹ.
Giọng hát của Phương hôm nay đã trải qua một cơn khúc xạ khác. Không còn mượt mà, không còn lãng đãng ru lòng. Ai đã làm Phương khác đi?
Cô gái đến từ hôm qua
Những năm 2000 là thời kỳ đỉnh cao của Thu Phương. Nhiều bài hát, Phương chạm vào, là nó đã có một đời sống khác. "Có phải em mùa Thu Hà Nội" chẳng hạn.
Bài này, thời điểm đó Hồng Nhung đã hát, và hát rất hay. Nhưng đến Phương, chất giọng khan, hơi đẩy lên mũi rất đều, linh hồn một mùa Thu Hà Nội đầy đặn nhất qua nhạc phẩm của Trần Quang Lộc được gọi về.
Phương hát chậm rãi, thong dong như một người kể chuyện. Những nốt cao lên đầy đặn, những nốt thấp có chút mờ nhưng yếu điểm lại thành điểm mạnh, tiếng hát thành lãng đãng hơn, nhẹ nhàng, man mác như tiết trời thu đất Bắc.
Thời điểm đó, trên mặt báo, Thu Phương và Huy MC là một cặp đôi hạnh phúc. Họ đứng chung sân khấu. Ra chung CD. Xuất hiện trên báo chí tay trong tay. Họ viết nên một bản nhạc hạnh phúc mà ai cũng thèm muốn.
Ngay cả mẹ chồng Thu Phương lúc đó, khi kể về cô con dâu, cũng kể với giọng đầy trìu mến: Dù nổi tiếng, nhưng Phương về nhà vẫn xắn tay áo lau nhà, làm các việc vặt như giặt đồ, rửa bát. Đại khái là, trong mắt gia đình chồng, Thu Phương là một người con dâu chăm chỉ, hiếu thảo.
Thu Phương và chồng cũ Huy MC.
Thời điểm đó, Phương đã hát rất buồn. Dù cố vui trong một số ca khúc như "Chào em chào xinh tươi" thì vẫn lộ ra những "Đừng hát khi buồn".
Dường như có điều gì đó đổ vỡ từ bên trong, rất dễ nhận ra qua giọng hát, Phương vẫn cố che đậy, để những lời ca dù buồn, mà vẫn êm ái.
Trong CD "Chào em chào xinh tươi", có một ca khúc rất đáng nhớ - "Cô gái đến từ hôm qua" của Trần Lê Quỳnh. Ca khúc viết về câu chuyện tình đã qua, hai người vẫn cư xử đẹp. Sau này, nhạc sĩ Quốc Bảo có kể lại, Thu Phương đã khóc trong phòng thu, khi thu ca khúc này.
Chẳng bao lâu sau thì Phương và Huy chia tay, khi qua Mỹ. Có lần, trong một cuộc phỏng vấn, tôi có thẳng thắn hỏi Thu Phương rằng, có phải anh chị đã đổ vỡ từ trước khi qua Mỹ nhưng vẫn cố gồng lên để giữ hình ảnh đẹp? Thu Phương khóc.
Thôi thì vì lý do gì là chuyện của họ, và chỉ có người trong cuộc mới hiểu. Chỉ biết rằng cuộc sống dù vui hay buồn, đã đi vào một tiếng hát, khiến Phương trở thành một ca sĩ tự sự với những câu chuyện tình buồn, nhưng không bi luỵ.
Để hiểu rằng, tại sao thời điểm đó, Phương hát những tình khúc của Việt Anh và Trần Lê Quỳnh lại hay đến như thế. Những chuyện tình đẹp và buồn qua ca khúc của hai nhạc sĩ trẻ, đã được Thu Phương chuyển tải gần như trọn vẹn trong các sản phẩm âm nhạc của cô.
Nhưng đó là thời quá khứ.
Hiệu ứng ngược
Khi bước chân sang Mỹ, tiếng hát của Thu Phương gần như là một phiên bản khác, khác hẳn những gì của Thu Phương trước đó, thời của những "Dòng sông lơ đãng", của "Đêm nằm mơ phố". Cô gái ấy mãi mãi thuộc về ngày hôm qua.
Tác giả Hoàng Nguyên Vũ.
Xem thêm những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Cái êm ái nhẹ nhàng xưa đã "không còn vết dấu", giọng cứ luyến bên này một chút, láy bên kia một chút, đôi chỗ phá cách không tới thành thô ráp. "Hướng về Hà Nội" nguyên đoạn đầu hát êm ái, xúc cảm, đến cuối tự dưng hét toáng lên "nhớ…nhớ…nhớ tơi bời", gây hiệu ứng ngược.
Và rất nhiều ca khúc bị hiệu ứng ngược như thế.
Những năm 2005, CD "Điều cuối cùng đợi chờ" của Thu Phương, CD gồm các tình khúc của nhạc sĩ Việt Anh, là CD được nhiều thính giả chờ đợi nhất. Nhưng khi nó ra đời, cũng là CD gây thất vọng nhất.
Cũng "Dòng sông lơ đãng", cũng "Một mùa hoa bỏ lại", cũng "Đêm nằm mơ phố", nhưng cứ như là…người khác hát. Có gì đó gồ ghề, trúc trắc. Ngay cả nhạc sĩ Việt Anh, trong một lần tôi đề cập CD này, anh cũng không mấy hài lòng.
Đất Mỹ mang đến cho Phương một tổ ấm mới, một cuộc sống khác, nhưng đời sống âm nhạc của chị cũng khác theo rất nhiều. Có nhiều người nói đùa, Phương trong vòng tay của một Huy MC đẹp trai lãng tử, thì sẽ khác với Phương trong vòng tay của một người nói nhiều như Dũng Taylor.
Mà quả khác thật. Hồi xưa khi lên sân khấu, Phương nói rất ít, chỉ có hát và hát. Cứ bài nào ra bài đấy, giọng cứ như mix sẵn, hát như ru ngủ người nghe. Sau này, mỗi lần hát, Phương cũng "trình bày" hơi nhiều, nói cũng nhiều như chồng cô vậy.
Và hát, đôi lúc như trong tâm thế người đang nói, chứ không phải trong tâm thế người đang hát. Khác với năm xưa, Phương lên sân khấu là để hát. Và hát là để "quên đi tất cả". Nên cứ thế, tôi vẫn cứ ao ước được nghe Phương của "Mùa hoa bỏ lại", của "Đêm nằm mơ phố"…"đời đầu".
Thu Phương và người chồng hiện tại Dũng Taylor.
Phương của năm nào có rất nhiều giá trị
Cuộc đời Thu Phương nhiều nỗi buồn, nhiều nước mắt, nhiều mất mát. Bước chân vạn dặm, cuộc sống thay đổi, Phương cũng trải qua nhiều nỗi đau của một người mẹ xa con, chịu nhiều nỗi buồn của một người mất đi nhiều bạn bè.
Cuộc đời ấy, như có lần chị tâm sự, nó ngấm vào giọng hát chị để làm chị hát được sâu hơn. Nhưng, người nghe trong tôi không cảm nhận được điều đó. Một Phương ngày xưa nghệ sĩ là thế, lãng mạn là thế, khác với một Phương của bây giờ, không còn như thế.
Giọng Phương rất tình, nhưng Phương mang lối hát tự sự, như một người kể chuyện tình. Vậy, với tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của chị, cứ bình tâm mà kể, cứ chân thành mà kể bằng âm nhạc, thì luôn chạm đến trái tim của khán giả, chắc chắn thế.
Mọi đưa đẩy, mọi chiều chuộng xã giao sẽ không mang lại điều gì cả vì suy cho cùng, âm nhạc có một sứ mệnh đặc biệt của nó, đến với người nghe theo cách của nó. Nó không và không bao giờ là tấu hài, hay là kịch, để ca sĩ phải diễn.
Dù biết nhập gia tuỳ tục, bước vào cuộc đời một người đàn ông khác, người phụ nữ này cũng có những điều chỉnh riêng để phù hợp với cuộc sống mới.
Có thể, Phương phải thay đổi để hợp với thị trường âm nhạc nơi cô đang cư ngụ. Chiều lòng khán giả, mang đến một lối tiếp cận họ bằng kiểu xử lý âm nhạc khác đi.
Nhưng, Thu Phương của âm nhạc năm nào cũng có nhiều giá trị, mà giá trị đó đã được khán giả của chị thẩm định và công nhận. Thì đâu nhất thiết phải làm mình khác đi, khi mà cái khác ấy lại không hề thú vị?
Hãy cứ là Phương đắm say phiêu cảm như xưa, vẫn cứ thổn thức với "Đêm nằm mơ phố", vẫn cứ "Cho tôi bước lại con đường nhỏ, ngày đầu cắp sách tới trường" hay bất cứ ca khúc mới nào…, đầy lay động như thế, thì khán giả người Việt dù là ở Mỹ hay bất cứ nơi đâu, vẫn cứ rưng rưng theo giọng hát của chị.
Và, khán giả nào cũng dọn sẵn chỗ trong lòng, để dành cho Phương…
*Bài viết thể hiện trải nghiệm và quan điểm riêng của tác giả!