Những năm qua, dịch Covid-19 và những diễn biến phức tạp từ thế giới như căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chủ chốt suy giảm,... đã dẫn đến hàng loạt những thách thức với nền kinh tế nội địa. Trên bình diện sản xuất - công nghiệp, đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm, hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Thái Nguyên - tỉnh là thủ phủ công nghiệp miền Bắc, "cứ điểm" của loạt "ông lớn" nước ngoài như Samsung, Dongwha, Tập đoàn Sunny... vẫn ghi nhận kết quả tích cực về phát triển kinh tế, tăng trưởng đạt mức cao.
"Kết quả này đạt được, phần lớn là nhờ lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh, cùng với việc thu hút FDI đã tạo ra sự bứt phá và đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên", ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết tại Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF tổ chức sáng 26/3. Thái Nguyên tiếp tục thể hiện vị thế của một trong những địa phương phát triển năng động nhất cả nước về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.
Lọt top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước
Thông qua tham luận với chủ đề "Những thách thức và hành động của địa phương trong việc thu hút FDI chất lượng cao, bền vững vào các khu công nghiệp", ông Trung cho biết năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh duy trì tăng trưởng dương, đạt 5,01%. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, 101% dự toán HĐND tỉnh giao; cao nhất trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Nổi bật nhất, hoạt động thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng. Theo đó, năm 2023 toàn tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 58 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 390 triệu USD; 38 dự án trong nước ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký 24.000 tỷ đồng.
Riêng đối với các khu công nghiệp, tỉnh thu hút và cấp mới 49 dự án. Trong đó có 39 dự án FDI vốn đầu tư đăng ký là 227,3 triệu USD và 10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.051,5 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện điều chỉnh dư án FDI tăng thêm vốn 192,77 triệu USD và 1.000 tỷ đồng với dự án DDI.
Ngoài ra, vốn FDI đăng ký đầu tư tăng thêm 420,1 triệu USD vào các KCN, với tổng số 303 dự án. Trong đó 168 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 10.842,370 triệu USD và 135 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký hơn 17.327 tỷ đồng. Các kết quả này tiếp tục đưa Thái Nguyên thuộc top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao.
Riêng 2 tháng đầu năm 2024, Thái Nguyên đã thu hút 462,7 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Tỉnh đứng thứ 3 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tính đến hiện tại, toàn tỉnh có gần 200 dự án FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ USD.
"Trải thảm" đón các dự án công nghệ cao, điện tử, bán dẫn
Trong buổi Hội thảo, ông Trung cho biết, Thái Nguyên là một trong 5 tỉnh được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm nhất cả nước. Đáng chú ý, Thái Nguyên đang được quy hoạch 12 KCN, gấp 3 lần giai đoạn trước 2020.
Tỉnh cũng xác định tập trung đẩy nhanh đầu tư phát triển hạ tầng các KCN mới được bổ sung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất công nghiệp, trong các KCN: KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên; KCN đô thị dịch vụ Phú Bình; KCN Yên Bình 2; KCN Yên Bình 3; Mở rộng KCN Nam Phổ Yên; KCN Thượng Đình…
Đáng chú ý, với quỹ đất công nghiệp được quy hoạch trên 4.000 ha, nổi bật trong đó có Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình với nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn...
Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Thái Nguyên xác định công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế và đóng góp rất lớn cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Phát huy những thế mạnh từ vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng - giao thông tương đối đồng bộ trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, tài nguyên phong phú cùng những kết quả kinh tế đã đạt được, Thái Nguyên xác định là địa chỉ tin cậy đối với các nhà đầu tư. Tỉnh cam kết thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thu hút dòng vốn chất lượng cao ngay từ đầu.
"Chúng tôi thay đổi trong cách làm là triển khai đồng bộ, trình tự về quy hoạch, sẵn sàng dọn tổ đón đại bàng mới. Sắp tới, chúng tôi trao chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư hạ tầng gần 5.000 tỷ đồng", Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên cho biết.
Ngoài ra, Thái Nguyên sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để đón các dự án, nhà đầu tư có công nghệ cao; dự án điện tử, bán dẫn; các dự án tạo giá trị gia tăng cao và mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
"Cuối cùng, chúng tôi cam kết tạo môi trường đầu tư phát triển lành mạnh. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng để Thái Nguyên trở thành tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện", ông Trung nói.
Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" do CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế đầu ngành và doanh nghiệp dẫn đầu các lĩnh vực công nghệ, tài chính, chứng khoán, bất động sản, sản xuất, tiêu dùng, năng lượng, xuất nhập khẩu như Ngân hàng Techcombank, ACB, HSBC, CTCK Pinetree, Dragon Capital, Rapido, Tập đoàn Nguyên liệu Á Châu AIG, Viettel Post,…
- Thời gian: 8h00-11h30 ngày 26/03/2024.
- Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.
- Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia.