Mới đây, trong hội nhóm về công sở, nhiều người bàn luận về phát ngôn của sếp Lưu Nga - người sáng lập thương hiệu thời trang cao cấp. Theo đó, ngồi ghế nóng tại chương trình về cơ hội nghề nghiệp, sếp Lưu Nga chia sẻ: "Thu nhập không phải mục tiêu cuối cùng của người lao động. Thành quả mới là mục tiêu cuối cùng. Thành quả của công ty cũng như thành quả của tôi chính l
à thành quả của các bạn. Nhân viên của tôi không thiếu gì hết! Có năm tôi lãi được 43 tỷ sau một chặng đường dài rất khó khăn, tôi lấy cả 43 tỷ đấy để mua nhà cho nhân viên. Tôi nghĩ khi tôi có nhiều tiền hơn, nhiều thành công hơn, tôi cho cũng không hết!".
Sếp Lưu Nga
Phát ngôn này bỗng trở thành chủ đề được cộng đồng mạng bàn luận, có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Có quan điểm đồng tình với suy nghĩ thu nhập không phải mục tiêu cuối cùng, họ hướng đến những kinh nghiệm, giá trị trong tương lai nhiều hơn. Số khác lại thẳng thừng bác bỏ bởi suy cho cùng ai đi làm cũng vì đồng lương để chi trả cho những nhu cầu cá nhân.
Khi có thành quả, ắt sẽ tạo ra được thu nhập
Nhiều người cho rằng đối với những ai có tư tưởng đi làm công, chắc chắn họ sẽ rất quan trọng về mặt thu nhập. Tuy nhiên, đối với những người có mong muốn, khát vọng trở thành chủ lại khác, họ sẽ hướng đến thành quả, những giá trị mà bản thân tạo ra để tiến xa hơn.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa những người đồng tình với ý kiến này cho biết bản thân đi làm vì đam mê. Thay vào đó, họ có những sự lựa chọn, cân nhắc khi vẫn đạt được mức lương nhất định mà cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp tốt hơn. Và đương nhiên, khi đã có những thành quả, thu nhập chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều.
“Mình đồng ý với câu nói này. Đặc biệt là trong tình trạng bão sa thải, ai cũng có nguy cơ bị đào thải. Nếu bạn không có những thành quả trước đó, khi sự cố ập đến, bạn sẽ không trở thành lựa chọn ưu tiên được công ty giữ lại. Hay việc tìm một môi trường mới cũng có phần khó khăn hơn”.
“Thành quả ở đây là tính bền vững của mô hình tạo thu nhập mà ta chọn và kỹ năng đạt được sau bao nhiêu năm tháng đi làm. Thêm vào đó là khoản tiết kiệm mà bản thân có. Nói như sếp cũng không sai, thành quả là thứ mà sau này ta có thể dựa vào đó mà sống tới lúc già, ốm đau, mất khả năng lao động, mà không phụ thuộc vào việc làm thuê đó”.
“Thực chất 2 điều này song hành với nhau. Trong thành quả có thu nhập, trong thu nhập có thành quả. Quan trọng là đích đến và quan điểm nhìn nhận của mọi người thế nào”.
“Nói thật mình vẫn sẽ chọn tập đoàn lương thấp nhưng cho mình kinh nghiệm chinh chiến. Sau này mình sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn, lúc đó không phải mình tìm việc nữa mà việc tìm mình. Đó mới là mục tiêu cuối cùng”.
Ảnh minh hoạ: Pexels
Tất cả mọi điều đều xoay quanh mục đích cuối cùng là thu nhập
Ngược lại với những ý kiến trên, phần đông mọi người cho rằng ai đi làm cũng đều mong muốn có thu nhập. Ngay cả những ai đang làm việc ở vị trí cao hơn như quản lý, giám đốc hay chủ doanh nghiệp,... hẳn đều có mục tiêu cuối cùng là thu nhập ngày càng tăng, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
Hơn nữa, nhiều người cũng cho rằng ở thời buổi hiện tại, ít ai còn đi làm vì đam mê. Đam mê cũng phải ra tiền và thành quả của họ cũng chính là thu nhập. Do vậy, không thể đánh đồng mục tiêu của mỗi người là giống nhau vì ai cũng có những triết lý sống, quan điểm và góc nhìn khác biệt.
“Đối với cá nhân mình, thu nhập chính là thành quả của mình. Nếu bạn mong muốn lên chức cao hơn suy cho cùng cũng là vì mức lương tốt hơn thôi”.
“Câu này sẽ đúng khi bạn nhìn nhận với vị trí là sếp. Còn với người lao động như mình thì hoàn toàn không đồng ý. Thành quả là điều công ty mong muốn, còn mình đi làm vì đồng lương, thu nhập”.
“Giờ không còn mấy ai đi làm vì đam mê. Phải có thu nhập để duy trì cuộc sống mới dễ dàng tính đến những câu chuyện khác”.
“Thu nhập là ngắn hạn, thành quả là dài hạn. Muốn đi đến cuối con đường thì ít nhất bản thân không thể gục ngã trên con đường đó, nhất là vì thiếu kinh tế. Vì vậy, mình đi làm vì lương, vì tiền thưởng để hướng đến những dự định khác”.
Còn bạn nghĩ sao về quan điểm này?