Những con số giật mình
Sau khi lấy mẫu ở 4 huyện của Hà Nội, ghi nhận gần 50% người xét nghiệm nhiễm thuốc trừ sâu trong máu , Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tiếp tục test nhanh ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Kết quả cho thấy, cứ 10 người được test có tới 6 người bị tồn dư thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong máu.
PGS.TS PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường, cho biết: "Trong các nhóm người tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV nói trên, có những người phun thuốc cách đây 10 ngày, nhưng cũng có người chỉ phun cách đây khoảng 2 – 3 ngày.
Một nghiên cứu khác của viện trên 243 người có nguy cơ cao tại Hà Nam cho thấy, có tới gần 85% người tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV có nguy cơ cao cần phải tiếp tục làm các xét nghiệm chuyên sâu khác.
Về cơ bản những người này đều chưa có triệu chứng lâm sàng về việc ngộ độc thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu vẫn tiếp tục bị phơi nhiễm hàng ngày, hàng năm sẽ có nhiều trường hợp mắc nguy cơ nhiễm độc mãn tính sau này".
Trả lời PV VTC16 khi nhận được thông tin kết quả test nhanh, những người nông dân tỏ ra khá lo lắng, sợ hãi.
Ông C.X.N (trú tại huyện Lý Nhân, Hà Nam) cho biết, ông không hề hay biết mình nhiễm thuốc sâu, hóa chất BVTV trong máu, ông khá sốc và lo.
Tuy nhiên, theo ông, làm nông nếu không làm, không phun thuốc để giữ cây trồng, hoa màu thì không biết làm nghề gì để sinh sống.
Tương tự ông N., bà N.T.T - người mới biết trong máu của mình vẫn còn tồn dư lượng thuốc BVTV ở mức nguy cơ cao, cho biết “Nghe đài, tivi cũng thấy thông tin là rất độc hại, nhưng vẫn phải làm, nhiều cỏ quá thì phải phun.
Sợ lắm nhưng không trốn tránh được, không thì không có ăn. Mình chỉ cố gắng giảm bớt bằng bảo hộ, khẩu trang và kính thôi”.
Theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, việc người dân sử dụng thuốc trừ sâu với liều lượng ngày càng cao, tần suất ngày càng nhiều như hiện sẽ gây ra nguy cơ rất lớn cho cả người lớn và trẻ em.
“Trong một số nghiên cứu của chúng tôi kể cả trẻ em đang sinh sống ở khu vực có phun thuốc trừ sâu nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng”, PGS. TS Doãn Ngọc Hải nói.
Những con số biết nói ở trên cho thấy, việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV trong nông nghiệp đang rất đáng báo động. Việc người dân phun thuốc nhiều, thậm chí phun quá liều lượng, trong thời gian dày đặc không chỉ ảnh hưởng tới người nông dân mà còn là nguy bệnh tật của cả quốc gia.
Sẽ có thêm nhiều làng ung thư?
Ghi nhận của Bộ Y tế, tính đến năm 2007 cả nước có 51 làng xã có ghi nhận là làng ung thư, đến nay vẫn có 10 làng ung thư có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất và phần lớn đều làm nghề nông.
Mỗi năm có khoảng 115.000 người Việt chết vì bệnh ung thư, tương đương với 315 người/ngày.
Những làng thuần nông về ung thư không chỉ có ở Nghệ An hay Hòa Bình mà còn xuất hiện tại các tỉnh như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế hay Bình Thuận.
Theo điều tra, nguyên nhân từ chính ra ung thư tại đây là việc nguồn nước bị ô nhiễm từ những kho chứa thuốc trừ sâu và việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV không kiểm soát.
Trong tương lai, rất có thể số lượng làng ung thư sẽ gia tăng nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Mới đây, thống kê tại huyện Kim Bôi, Hòa Bình, hàng trăm hộ gia đình cũng đang phải dùng nước ô nhiễm cho sinh hoạt và sản xuất. Số lượng người bị ung thư và chết vì bệnh này ngày một tăng.
Nguy hiểm hơn, theo thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, hầu hết các giếng nước tại thôn Mỹ Thanh, xã Mỹ Hòa, huyện Kim Bôi, Hòa Bình hiện nay bị nhiễm độc.
Đau buồn thay, trong thôn có hơn 20 người chết vì ung thư. Như vậy, trong phạm vi cả xã con số này sẽ còn lớn hơn rất nhiều lần.
Theo TS. Tống Khiêm – nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chuyên gia về lĩnh vực trồng trọt BVTV: "Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc BVTV gây ra tồn dư các hóa chất BVTV trong máu người sử dụng, nếu ở mức cao và dùng thường xuyên, liên tục sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe như: Ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn, máu, tim, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa…
Tùy loại hóa chất, thời gian và liều lượng sử dụng mức độ ảnh hưởng, nguy hiểm khác nhau".
Quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng
Những hệ lụy trong việc lạm dụng có thể nhìn thấy rõ, hậu quả của nó là vô cùng nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để sử dụng thuốc BVTV đúng cách và đảm bảo an toàn là một chuyện đang được rất nhiều chuyên gia và người dân nhắc đến.
TS Tống Khiêm cho rằng, việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, không rõ nguồn gốc của người dân ở nhiều nơi đang ảnh hưởng tới đất đai, khí hậu và môi trường.
Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất và sử dụng thuốc BVTV để hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ.
Ngoài ra, TS Tống Khiêm, cần phải tăng cường hơn nữa trong công tác tuyên truyền cho bà con nông dân tuân thủ đúng theo nguyên tắc, tránh việc “cứ có sâu là dùng thuốc”.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích các nhà sản xuất phân phối và người nông dân sử dựng những loại thuốc thân thiện với môi trường.
“Bà con nông dân trước hết chỉ sử dụng những loại thuốc có trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố hàng năm. Những thuốc trôi nổi đều không nên sử dụng.
Ngoài ra, khi sử dụng người dân cần phải tuân thủ theo đúng 4 quy định: Đúng thuốc; Đúng liều lượng; Đúng thời gian và Đúng phương pháp.
Không nên phun linh tinh gây ảnh hưởng tới cây trồng và sức khỏe của bản thân, đặc biệt, khi phun thuốc BVTV cần phải được trang bị đầy quần áo trang thiết bị hỗ trợ an toàn”, TS Tống Khiêm khuyến cáo.
Video: Gần 50% người xét nghiệm ở Hà Nội nhiễm thuốc trừ sâu trong máu: Chuyên gia lên tiếng