Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật quảng cáo, đặc biệt là với các hoạt động quảng cáo trên nền tảng xuyên biên giới.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới trên môi trường mạng có phát sinh doanh thu hoặc có người sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong số đó, có luật về quảng cáo, luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Các mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động và thu lời lớn tại thị trường Việt Nam nhưng không hề đóng thuế cho nước sở tại. (Ảnh minh họa: KT)
Tổ chức, cá nhân phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT&TT khi cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Việc báo cáo được thực hiện định kỳ 12 tháng/lần hoặc theo yêu cầu đột xuất của Cục Phát thanh, truyền hình & thông tin điện tử (Bộ TT&TT).
Đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải tiến hành nộp thuế theo quy định pháp luật. Các đơn vị này có nghĩa vụ phải kiểm tra, rà soát sản phẩm quảng cáo để đảm bảo quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo.
Cụ thể, các hành vi bị xử lý bao gồm quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị cấm (súng, vũ khí, thuốc lá, thuốc kích dục,...), tiết lộ bí mật nhà nước, gây phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, xúc phạm danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.
Đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định tại Khoản 1, Điều 8 của Luật An ninh mạng.
Theo đó, các đơn vị này không được đặt sản phẩm quảng cáo vào các vị trí có nội dung câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những nơi chứa các nội dung xuyên tạc lịch sử, thông tin sai sự thật, hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người và xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội sẽ không được phép đặt quảng cáo.
Nghị định cũng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải có giải pháp bảo đảm người phát hành quảng cáo ở Việt Nam có khả năng kiểm soát, phát hiện và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 181/2013 cũng quy định rất cụ thể đối với người kinh doanh, phát hành và cả người có nhu cầu đăng quảng cáo.
Cụ thể, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của tổ chức xuyên biên giới có trách nhiệm phải kiểm tra nội dung sản phẩm quảng cáo, bảo đảm không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo.
Những người này cũng có nghĩa vụ phải yêu cầu nền tảng xuyên biên giới chọn vị trí đặt quảng cáo không vi phạm quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng.
Với người phát hành quảng cáo tại Việt Nam (VD: báo, trang tin, kênh YouTube, ứng dụng,... - PV), họ phải đảm bảo khả năng kiểm soát để phát hiện, loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm được cung cấp từ dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Đơn vị phát hành quảng cáo cũng không được đăng, phát sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật Việt Nam.
Với người có nhu cầu quảng cáo, họ sẽ không được đăng, phát sản phẩm quảng cáo trên các nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật. Những người này cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo khi ký kết hợp đồng với các nền tảng, dịch vụ xuyên biên giới.