Thủ lĩnh IS mới là tướng lĩnh của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein?

Diệu Hương |

Nếu thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi thực sự đã bị tiêu diệt, 2 người có khả năng kế thừa cao nhất đều là cựu tướng Iraq thời Tổng thống Saddam Hussein.

Tuần trước, giới chức Nga đã khẳng định “gần như chắc chắn 100%” thủ lĩnh tối cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một vụ không kích của không quân Nga ở Raqqa (Syria) hồi tháng 5 vừa qua.

Tuy nhiên, nếu Baghdadi được khẳng định đã chết, nhiều khả năng vị trí của hắn sẽ được kế thừa bởi 1 trong 2 thuộc hạ cao cấp nhất và cả 2 đều từng là sĩ quan quân đội Iraq dưới thời cố Tổng thống Saddam Hussein.

Các chuyên gia về Hồi giáo cực đoan hiện chưa nhận định rõ ai sẽ kế thừa “di sản diệt chủng” của Baghdadi nhưng cho rằng 2 ứng viên tiềm năng nhất là Iyad al-Obaidi và Ayad al-Jumaili. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cả 2 nhân vật này đều chưa được tiếp nhận danh xưng “caliph”, có thể hiểu là quốc vương của vương quốc Hồi giáo mà IS muốn dựng nên, hay là thống soái của người Hồi giáo toàn thế giới.

Lý lịch người kế thừa Baghdadi

Iyad al-Obaidi, khoảng 50 tuổi, được xem là “Bộ trưởng” chiến tranh của IS. Trong khi Ayad al-Jumaili, khoảng 40 tuổi, là người đứng đầu cơ quan an ninh Amniya của tổ chức khủng bố này.

Hồi tháng 4 vừa qua, truyền hình nhà nước Iraq đưa tin Jumaili đã bị tiêu diệt nhưng thông tin này cũng chưa được khẳng định.

Cả 2 nhân vật cốt cán này của IS đều tham gia phiến quân Sunni Salafist ở Iraq năm 2003 sau khi Mỹ xâm lược và lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, đưa cộng đồng người Shi’ite chiếm đa số tại Iraq lên nắm quyền.

Iyad al-Obaidi và Ayad al-Jumaili mới trở thành thân tín hàng đầu của trùm khủng bố Baghdadi từ năm ngoái, sau khi các vụ không kích tiêu diệt cấp phó của hắn là Abu Ali an-Anbari, “Bộ trưởng” chiến tranh người Chechen của IS Abu Omar al-Shishani và người dẫn dắt toàn bộ chiến lược tuyên truyền của IS Abu Mohammad al-Adnani.

“Jumaili công nhận Obaidi là cấp trên nhưng thực sự chưa rõ ai là người kế thừa, tùy thuộc vào các điều kiện, có thể là cả 2 người”, Hisham al-Hashimi, chuyên gia cố vấn cho chính phủ một số nước Trung Đông về IS, nhận định.

Baghdadi, sinh năm 1971 với cái tên Ibrahim Awad al-Samarrai, xuất thân trong một gia đình truyền giáo và học luật Hồi giáo ở Baghdad (Iraq).

Năm 2014, Baghdadi tự phong là “caliph” – người cai trị vương quốc Hồi giáo về cả mặt dân sự và tôn giáo – đồng thời được xem là người kế nghiệp Nhà tiên tri Mohamad. Cả Obaidi và Jumaili đều khó có thể trở thành caliph bởi họ đều thiếu chỗ đứng về mặt tôn giáo và nhất là trong bối cảnh hiện nay IS đã để mất nhiều vùng lãnh thổ mà chúng chiếm được.

Di sản của Baghdadi

"Họ [Obaidi và Jumaili – ND] đều không thuộc dòng dõi Nhà tiên tri Mohammad. Nhóm này cũng không còn đất để cai trị (gọi là Ardh al-Tamkeen). Và không ai thông thạo thần học Hồi giáo", Fadhel Abu Ragheef, một chuyên gia của Iraq về các nhóm cực đoan nhận định.

Chuyên gia Hisham al-Hashimi thì cho rằng: "Một caliph phải có Ardh al-Tamkeen mà ở đó anh ta cai trị theo luật Hồi giáo. Nếu không có yếu tố đó, người kế thừa sẽ chỉ được coi là một emir".

Emir theo tiếng Arab có nghĩa là hoàng tử hoặc tiểu vương còn đối với các tay súng thánh chiến thì đó là danh xưng thường dùng để gọi thủ lĩnh của họ.

Việc chỉ định một thủ lĩnh mới cho IS sẽ cần sự chấp thuận của một hội đồng shoura gồm 8 thành viên, cơ quan cố vấn cho caliph. Nhưng các thành viên của hội đồng này khó có khả năng họp mặt vì lý do an ninh, vì thế họ sẽ đưa ra ý kiến của mình thông qua các sứ giả.

Hiện 6 thành viên trong hội đồng shoura của IS là người Iraq, còn lại là 1 người Jordan và 1 người Saudi Arabia, và tất cả đều là cựu phiến quân Sunni Salafist.

Thành viên thứ 9 của hội đồng này, giáo sĩ hàng đầu của IS, một người Bahrain có tên Turki al-Bin’ali, đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích ở Syria ngày 31/5/2017.

Trong khi IS chưa có động thái nào về việc chọn người kế nhiệm Baghdadi thì vẫn còn một câu hỏi lớn.

Liệu Baghdadi có thực sự đã chết?

Các nhóm vũ trang ở Trung Đông và Bắc Phi cũng như nhiều quan chức khu vực vẫn còn hoài nghi thông tin mà Nga đưa ra về cái chết của Baghdadi.

"Chúng tôi không có bất cứ bằng chứng chính xác nào về việc liệu hắn ta đã chết hay chưa", Ryan Dillon, người phát ngôn của liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS, phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây tại Lầu Năm Góc.

Đây không phải là lần đầu tiên có thông tin Baghdadi đã bị tiêu diệt nhưng chưa lần nào điều đó được khẳng định chắc chắn. Một trong những lý do để hoài nghi thông tin lần này là việc IS đã chuyển đầu não từ Raqqa đến Deir Ezzor nhiều tháng trước cuộc không kích của Nga.

Từ Washington (Mỹ), 2 quan chức tình báo giấu tên của Mỹ cho rằng IS đã chuyển phần lớn bộ máy lãnh đạo đến al Mayadin ở thung lũng Euphrates của Syria, phía đông nam thành trì mà IS để mất ở đó, Raqqa.

Theo các quan chức này, trong các bộ phần chuyển tới al-Mayadin, cách biên giới Iraq chỉ khoảng 80km về phía Tây, có cả nhóm tuyên truyền trực tuyến và trung tâm chỉ huy các vụ tấn công nhằm vào châu Âu và những nơi khác trên thế giới./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại