Thủ lĩnh Al-Qaeda kêu gọi thánh chiến chống chính phủ Myanmar sau vụ giao tranh ác liệt

Tất Đạt |

Thông điệp được đưa ra sau khi hàng ngàn dân thường Rohingya phải di tản giữa cuộc giao tranh của quân chính phủ Myanmar và phiến quân Rohingya làm hơn 400 người thiệt mạng.

Hãng Reuters, dẫn lời trang mạng giám sát các hoạt động thánh chiến SITE, cho biết: một thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Yemen đã kêu gọi tấn công lực lượng chính phủ Myanmar, giành lại quyền lợi cho những người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi tại nước này.

Trong một đoạn video được kênh truyền thông al-Malahem của al-Qaeda đăng tải, Khaled Batarfi – thủ lĩnh tổ chức khủng bố tại Yemen – kêu gọi người Hồi giáo tại Banglades, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cùng đứng lên "hỗ trợ người anh em Rohingya chống lại kẻ thù của Thánh Allah."

Batarfi, kẻ được giải thoát khỏi nhà tù Yemen hồi năm 2015 khi tổ chức al-Qaeda tại Ả Rập (AQAP) chiếm được thành phố cảng Mukalla, thúc giục chi nhánh Ấn Độ (AQIS) thực hiện cuộc tấn công.

Theo nguồn tin từ Mỹ, Batarfi nói: "Hãy cẩn trọng khi khiến những người anh em Hồi giáo Burma (Myanmar) thất vọng."

Chính phủ Myanmar buộc tội Quân Cứu rỗi Arkan Rohingya (ARSA) vì đốt 2.600 căn nhà tại Rohingya – tây bắc Myanmar. Tổ chức này cũng chịu trách nhiệm vì tấn công các đồn an ninh tuần trước, gây ra các cuộc giao tranh và phản công dữ dội.

Hôm 1/9, quân đội Myanmar thông báo, 370 tay súng Rohingya đã bị tiêu diệt, 15 binh lính quân đội chính phủ và 14 dân thường cũng đã thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự tại bang Rakhine trong hơn một tuần qua.

Khoảng 58.600 người Rohingya buộc phải sơ tán khỏi Myanmar tới các khu vực tại Bangladesh, theo cơ quan theo dõi tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR).

Sĩ quan biên giới Bangladesh Manzurul Hassan Khan xác nhận hàng nghìn người Rohingya vẫn đang mắc kẹt tại khu vực này.

Các lực lượng an ninh chính phủ đang nỗ lực cứu giúp dân thường, tiêu diệt phiến quân. 

Theo Washington Post, chính phủ Myanmar không thừa nhận quốc tịch của nhóm người Rohingya, cho rằng họ là những người nhập cư bất hợp pháp và cụm từ chính xác để chỉ những người này là "Bengali" hoặc "người Hồi giáo tại bang Rakhine." 

Bangladesh, nơi có hơn 400.000 người Rohingya sinh sống từ những năm 1990, cũng ngày càng có thái độ đối địch với nhóm người này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại