Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Duke (Mỹ) đã phát hiện một manh mối quan trọng trong đá vôi ở ngoại ô thị trấn Mercato San Severino - Ý, làm sáng tỏ sự tuyệt chủng hàng loạt của sinh vật biển vào giữa kỷ Jura.
"Sự kiện này và những sự kiện tương tự là những ví dụ tốt nhất mà chúng ta có về những gì sẽ xảy ra với Trái Đất trong những thập kỷ và thế kỷ tiếp theo" - tờ SciTech Daily dẫn lời PGS Michael A. Kipp, trưởng nhóm nghiên cứu.
Trong kỷ Jura, khi các loài bò sát biển như ngư long và thằn lằn cổ rắn phát triển mạnh, hoạt động núi lửa ở khu vực nay là Nam Phi đã giải phóng khoảng 20.500 tỉ tấn carbon dioxide (CO2) trong hơn 500.000 năm.
Lượng khí thải khủng khiếp này đã làm nóng các đại dương, khiến chúng mất oxy.
Nghiên cứu trầm tích đá vôi mang theo các hóa chất có niên đại từ thời điểm núi lửa phun trào, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có thời điểm, oxy đã cạn kiệt hoàn toàn ở 8% đáy biển toàn cầu cổ đại, một khu vực có diện tích gấp 3 lần nước Mỹ ngày nay.
Điều này khiến sinh vật biển bị ngạt thở và tuyệt chủng hàng loạt vào 183 triệu năm trước.
Có một điều đáng sợ: "Tử thần" quá khứ đang quay lại, do chính con người.
Kể từ khi cuộc Cách mạng công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ XVIII và XIX, hoạt động của con người đã thải ra lượng khí thải CO2 tương đương 12% lượng khí thải trong thời kỳ núi lửa kỷ Jura.
Nhưng PGS Kipp cho biết tốc độ giải phóng CO2 trong khí quyển nhanh chóng như hiện nay là chưa từng có trong lịch sử, khiến cho việc dự đoán thời điểm xảy ra một cuộc tuyệt chủng hàng loạt khác hoặc mức độ nghiêm trọng của nó là rất khó khăn.
Tuy vậy, hoạt động của con người thừa sức tạo ra một sự kiện thảm khốc tương tự kỷ Jura. Rõ ràng, khí thải nhà kính của con người đang làm một số vùng đại dương mất oxy.
"Lời cảnh báo từ vực sâu" này không chỉ đe dọa sinh vật biển, mà còn đe dọa một sinh vật trên hành tinh, bao gồm con người. Bởi một cuộc tuyệt chủng hàng loạt gây mất cân bằng sinh thái đến vậy luôn có tầm ảnh hưởng quy mô toàn cầu.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences.