Theo Science Alert, nghiên cứu mới, sử dụng dữ liệu từ nhiều kính thiên văn tối tân, đã giúp nhóm khoa học gia tính toán được chính xác độ cao của các đám mây và cấu trúc tầng trên khí quyển, cũng như rất nhiều tính chất mà khoa học thiên văn trước đây chưa thể chạm tới ở bất kỳ ngoại hành tinh nào.
Công trình dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Romain Allart từ Đại học Montréal ở Canada, được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa mới cho các cuộc săn tìm sự sống ngoài hành tinh. Bởi nếu nhìn vào được bầu khí quyển của một ngoại hành tinh, các nhà thiên văn có thể phân tích nó như phân tích bầu khí quyển của các hành tinh trong hệ Mặt Trời, từ đó tìm ra những dấu hiệu của sự sống.
Họ đã lựa chọn WASP-127b, được phát hiện từ năm 2016, một "Sao Mộc nóng" khổng lồ quay cách sao mẹ chỉ 4,2 ngày. Nó là một hành tinh bị phồng lên như kẹo bông, có kích thước khoảng 1,3 lần Sao Mộc nhưng khối lượng chỉ bằng 0,16 lần.
Theo Space, trong bầu khí quyển của hành tinh bị phồng này, họ tìm thấy sự hiện diện của natri ở độ cao thấp hơn mong đợi.
Ngoài ra còn có các tín hiệu hơi nước mạnh trong tia hồng ngoại, nhưng không có tín hiệu nào ở bước sóng nhìn thấy được, cho thấy chúng đang bị che bởi những đám mây mờ đục ở phần trên. Mây ở thế giới này không hề được cấu tạo từ các giọt nước như ở Trái Đất.
Đây chỉ mới là quan sát cơ bản nhưng các nhà thiên văn kỳ vọng các bước phân tích tiếp theo sẽ tiết lộ cách mà một bầu khí quyển chưa từng thấy được hình thành và tồn tại.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics.