Theo Space.com, một nghiên cứu mới đã chỉ ra lý do khiến Trái Đất của chúng ta không bị tuyệt chủng bởi các vụ va chạm thiên thể vốn rất phổ biến trong môi trường không gian.
Mỗi năm có tới hàng chục tiểu hành tinh cỡ lớn được coi là "nguy hiểm" tiến gần Trái Đất, đôi khi còn gần hơn cả Mặt Trăng. Nhưng 66 triệu năm qua, một đại thảm họa cỡ Chicxulub - tiểu hành tinh khiến khủng long tuyệt chủng - chưa hề lặp lại.
Nhà khoa học hành tinh Mikael Granvik từ Đại học Công nghệ Lulea (Thụy Điển) và các cộng sự đã lần theo manh mối các tiểu hành tinh gần Trái Đất (NEA) từng bị xé toạc.
Vào năm 1994, những người đam mê không gian đã từng có cơ hội nhìn thấy sức mạnh khủng khiếp của một vụ xé toạc vật thể không gian: Đó là sao chổi Shoemaker-Levy-9, bị một lực thủy triều khủng khiếp từ Sao Mộc xé nát khi nó cố đâm vào hành tinh khí khổng lồ.
Các mô hình cho thấy Trái Đất cũng từng nhiều lần làm như vậy. Điều này cũng xảy ra ở các hành tinh đá khác, bằng lực hấp dẫn khủng khiếp của chính hành tinh lẫn các mặt trăng của nó.
Chúng đã tạo nên một lực thủy triều, kéo giãn một phần tiểu hành tinh hay sao chổi đó ra khỏi phần còn lại một cách cực nhanh mà mạnh. Do đó, vật thể bị xé đôi một cách tàn khốc.
Tuy vậy, các cú xé tiểu hành tinh này cũng gây ra một vấn đề: Đó là tạo nên nhiều NEA hơn. Nhưng các nhà khoa học cho rằng không nên lo lắng.
Được tạo nên bởi các mảnh tiểu hành tinh đã bị xét nát, các mảnh vỡ này đa số có đường kính dưới 1 km, không đủ gây mối đe dọa tuyệt chủng.
Dù vậy chúng cũng có khả năng gây ra các sự kiện như thiên thạch Chelyabinsk nổ tung trên bầu trời nước Nga năm 2013 làm nhiều cửa kính vỡ tung ở TP Chelyabinsk, dẫn đến nhiều người bị thương.
Và không loại trừ khả năng xuất hiện một kẻ tấn công ngoại cỡ như Chicxulub mà hệ thống phòng thủ tích hợp tự nhiên này không thể giải quyết.
Đó cũng là lý do các cơ quan vũ trụ khắp thế giới vẫn không ngừng nghiên cứu và phát triển các sứ mệnh phòng thủ hành tinh, ví dụ như tàu vũ trụ "cảm tử" DART của NASA đã thử lao vào và làm chệch hướng một tiểu hành tinh trong thử nghiệm năm 2022.