Ngăn chặn hành động không chính xác
Hãng TASS dẫn lời ông Sergey Ryabkov cho biết, việc đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat vào trực chiến đấu sẽ không làm thay đổi chiến lược với Mỹ, vì việc tên lửa mới ra đời đã phù hợp với Hiệp ước New START ngay cả trước khi thỏa thuận bị đình chỉ.
"Việc đưa hệ thống này vào nhiệm vụ chiến đấu không làm thay đổi phương trình chiến lược. Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga có khả năng thích ứng.
Thành phần lực lượng hạt nhân của Nga được điều chỉnh phù hợp với các chương trình hiện đại hóa không chỉ thông qua việc đưa vào các hệ thống mới mà còn thông qua việc ngừng hoạt động dần dần các hệ thống cũ hơn", Ryabkov giải thích.
Ông nói thêm rằng sẽ không có "những biến động mạnh về số lượng", có nghĩa là Nga đang sử dụng cách tiếp cận từng bước để phát triển lực lượng hạt nhân chiến lược của mình.
Sarmat được coi là vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay vì nó có thể tấn công bất cứ đâu và gần như không thể bị đánh chặn.
ICBM Sarmat hiện đang thay thế tên lửa Voevoda (nghĩa đen - Warlord), và như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói, loại vũ khí hạt nhân này sẽ khiến kẻ thù của Moscow "suy nghĩ kỹ" trước khi làm điều gì đó ngu ngốc.
New START (Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược) áp đặt các hạn chế đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Theo thỏa thuận, Moscow và Washington mỗi nước có thể có 700 tên lửa, 800 bệ phóng và 1.550 đầu đạn được triển khai.
Các quan chức Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Moscow với tư cách là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm sẽ không bao giờ là nước đầu tiên nối lại thử nghiệm hạt nhân, nhưng sẽ sẵn sàng cho các phản ứng tương ứng.
Mỹ nói gì về Sarmat?
Nói về sức mạnh của ICBM Sarmat, tạp chí Military Watch Magazine của Mỹ thừa nhận, khi tên lửa chiến lược mới này đi vào hoạt động, lực lượng tên lửa chiến lược Nga sở hữu kho ICBM lớn và tối tân hàng đầu thế giới.
Theo báo Mỹ, việc Nga đưa Sarmat vào trực chiến làm tăng thêm khoảng cách về tiềm năng quân sự của Liên bang Nga và Mỹ.
"Kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Mỹ cho đến nay là kho vũ khí lâu đời nhất và kém tiên tiến nhất trên thế giới. Nó bao gồm các tên lửa Minuteman III, được sản xuất từ những năm 1970 và hầu như không trải qua quá trình hiện đại hóa", bài báo viết.
Bài báo nhấn mạnh, trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rằng trên thế giới không có loại tương tự Sarmat. Tổ hợp mới có những đặc tính kỹ thuật, chiến thuật vượt trội và có thể chống lại mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
"Hệ thống tên lửa Sarmat có khả năng phá hủy một khu vực rộng lớn hơn cả Pháp hoặc bang Texas của Mỹ", báo viết và cho biết thêm rằng, Moscow quyết định cho Sarmat trực chiến vì sự can dự liên tục của NATO vào cuộc xung đột Ukraine hiện nay.
Hiện nay, Minuteman III là thành phần cấu thành bộ 3 hạt nhân của Mỹ bao gồm: Tên lửa ICBM, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSBN) và máy bay ném bom chiến lược.
LGM-30 Minuteman là ICBM khai hoả từ hầm phóng cố định duy nhất đang ở trong biên chế quân đội Mỹ. Tên lửa này do Boeing sản xuất và mang được nhiều đầu đạn phân hướng, dẫn đường độc lập.
Minuteman III vẫn là trụ cột không thể thay thế của trong bộ 3 răn đe hạt nhân của quân đội Mỹ trong suốt 50 năm qua. Phiên bản Minuteman I xuất hiện vào năm 1962, chỉ mang được 1 đầu đạn thông thường.
Đến năm 1965, phiên bản nâng Minuteman II đã có thể mang nhiều loại đầu đạn đơn, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân. Năm 1970, Minuteman III ra đời, ngoài những nâng cấp về tầm bắn và độ chính xác, nó cũng có thể phóng từ xe cơ động.
Minuteman III là loại tên lửa 3 tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, trọng lượng 35,3 tấn, chiều dài 18,26m, đường kính thân 1,67m. Nó có thể đạt tầm bắn 13.000km với tốc độ 7km/s.
Đầu đạn của Minuteman III bao gồm nhiều đầu đạn nhỏ, dẫn đường độc lập với sức công phá của mỗi đầu đạn hạt nhân khoảng 170 kiloton tới 500 kiloton. Hiện quân đội Mỹ có khoảng trên 1.000 đầu đạn hạt nhân chuyên sử dụng cho loại tên lửa này.
Clip bên trong nhà máy sản xuất tên lửa Sarmat.