Thu hút nhân tài không giống như chờ trúng số Vietlott 300 tỉ đồng

Bùi Hải |

Nhiều người đã nói việc GS Thành phải ra đi giống như một trò chơi, có gì phải ồn ào. Game over – trò chơi kết thúc. Kẻ thua thì phải rời sàn đấu. Chấm hết.

"Quá điên rồ" nhưng vẫn chọn

Theo một số người, ông Thành về Việt Nam vì nhận được chức vụ và đãi ngộ tốt, đừng tô vẽ như một sự cống hiến, hy sinh.

Chấp nhận cuộc chơi thì phải chấp nhận luật chơi. Không tìm hiểu kỹ luật chơi (phải có kinh nghiệm 5 năm quản lý khoa/ phòng), thì việc bị văng ra là chuyện bình thường, sao phải than vãn.

Một số người khác nói rằng, không làm hiệu trưởng thì vẫn có thể ở lại Việt Nam đóng góp. Sự ra đi vội vã của ông Thành, chỉ chứng tỏ GS này chưa thật sự nhiệt tâm với đất nước.

Trước khi phán xét, hãy xem GS Thành đã nói những gì vào cái ngày ông quyết định bước chân vào ổ kiến lửa, cách đây hơn 1 năm.

GS Trương Nguyện Thành rất nhớ cái ngày mà ông chính thức chấp thuận chức Phó hiệu trưởng điều hành ĐH Hoa Sen, vì nó trùng với ngày nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ của Donald Trump, 19/1/2017.

Ngày 20/1/2017, GS Thành đã viết trên facebook của mình: "Bỏ tiền, sức khỏe và cuộc sống ổn định để mua thử thách: Phải chăng đó là một quyết định điên rồ?

Lựa chọn 1: Tiếp tục con đường đang đi, công việc tốt với lương hậu, thêm không có tuổi về hưu, cuộc sống ổn định (mới mua cộngđược căn nhà đẹp như thơ có con suối thiên nhiên chảy quanh năm sau nhà), môi trường sống tốt cho sức khỏe.

Lựa chọn 2: Rẽ phải, công việc không ổn định, có rất nhiều thử thách, môi trường làm việc không thân thiện (một ổ kiến lửa), môi trường sống không tốt cho sức khỏe, lương lại giảm mất khoảng một nửa.

Có lẽ 99.99% các bạn sẽ nói "Thế mà bảo là lựa chọn sao? Không có gì phải suy nghĩ cả. Tiếp tục đi thẳng".

Tuy nhiên GS Thành đã không chọn đi thẳng ung dung, mà chọn rẽ phải về Việt Nam, bước chân vào ổ kiến lửa Hoa Sen - một lựa chọn mà chính ông phải thốt lên "quá điên rồ".

Khi ấy, Hoa Sen như một bãi chiến trường với cuộc chiến tranh giành quyền lực hơn hai năm. Ngày 18/1/2017 – một ngày trước khi nhận lời về Hoa Sen, lần đầu tiên GS Thành bước vào khuôn viên ĐH này.

Đón chào ông là các biểu ngữ chống đối của sinh viên dán đầy cổng trường và hành lang giảng đường.

Khi ấy, ông đã tự đặt câu hỏi: "Tại sao tôi lại bỏ tiền, sức khỏe và sự ổn định cuộc sống để mua lấy thử thách như thế??? Tôi không còn trẻ, U60 và chính xác là 56 rồi!

Tôi thường khuyên SV thử thách là cơ hội. Thế cơ hội gì cho tôi ở đây? Tiền ư? Thưa không. Sự thật tôi đang lỗ về thu nhập đấy!!!

Danh tiếng ư? Cũng thưa không. Tôi có đủ danh tiếng rồi và làm lãnh đạo ĐH Hoa Sen có thể là nguy cơ làm mất đi danh tiếng mà tôi đã gây dựng bao lâu nay!

Quyền lực ư? Cũng thưa không vì ở vai trò Phó Hiệu Trưởng thì tôi cũng không có quyền quyết nhiều thứ. Quyền lực giống như tiền, nó có một ma lực rất khủng khiếp.

Nó có thể biến đổi con người nếu người đó không đủ bản lĩnh và có tâm khi cầm lấy nó.

Một cơ hội nhỏ bé cho cá nhân đó là chứng minh rằng mình vẫn còn năng lực và bản lĩnh để điều hành một trường Đại học.

Nhưng thật sự tôi không cần phải làm điều đó vì tôi thừa biết khả năng của chính mình qua việc đi xe đạp 400 km vừa qua và hít đất 200 cái hàng ngày.

Nói một cách khác, tôi không có một cái lợi hay cơ hội gì cho cá nhân về tiền, danh tiếng, quyền lực, hay thể hiện bản thân".

Cống hiến hay danh lợi?

Đúng là GS Thành đã cân nhắc, đã đánh giá cơ hội của mình về Hoa Sen, nhưng ông không đặt quyền lợi của bản thân mình trước tiên lên bàn cân.

Ông khẳng định: "Thế thì cơ hội gì ở đây?

1. Cơ hội thay đổi cuộc sống của bao thế hệ trẻ sẽ được đào tạo tại Đại học Hoa Sen cũng như giảng viên và nhân viên ở trường.

2. Cơ hội thổi một luồng gió mới vào nền giáo dục đại học ở Việt Nam mà bao năm nay không biết bao người trí thức phê phán. Tôi không thích phê phán - Tôi làm.

3. Cơ hội đưa ý tưởng ‘hợp tác để cạnh tranh’ (coopetition) với các trường Đai học khác. Có được như thế thì giáo dục đại học ở Việt Nam mới tiến bộ.

Những cơ hội đó có đáng cái giá hơn tiền, sức khỏe, và ổn định cuộc sống của tôi không? Thưa có".

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên GS Thành quyết định đánh đổi những thứ ngon lành, ổn định để bước chân vào ổ kiến lửa.

"Đúng mười năm trước, 2007, tôi cũng có một quyết định tương tự.

Đánh đổi cơ hội nâng tầm danh tiếng về khoa học của tôi lên một tầng nữa để về xây dựng Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính toán theo lời mời của Phó Chủ tịch TP lúc bấy giờ, anh Nguyễn Thiện Nhân.

Lúc ấy khoa học tính toán ở VN rất sơ khai và hoàn toàn mới. Giờ đây số lượng bài báo khoa học về ngành này ở VN chỉ sau ngành Y và Toán".

Nếu ai đã đọc những dòng tâm sự này của ông hơn 1 năm trước, chắc hôm nay họ sẽ không phải đặt câu hỏi: GS Thành về Việt Nam vì muốn cống hiến hay vì danh lợi.

Chiếc ghế và nhân tài

"Thật sự tôi có điên rồ không? Nhìn từ bề ngoài thì ai cũng có thể bảo tôi quá điên rồ nhưng tâm của tôi mách bảo "bạn đã có một lựa chọn đúng đắn – Hãy rẽ phải"– GS Thành đã viết như vậy khi từ bỏ Mỹ về Việt Nam.

Sau một năm, ông quyết định đã rẽ trái, về Mỹ. Lần rẽ này, tôi tin ông cũng không điên rồ, mà đã suy nhiều.

Tất nhiên, với sự lựa chọn đó, GS Thành không thể tránh những ý kiến mổ xẻ ông từ phía khác.

Một trí thức đã rất tâm huyết khi đặt vấn đề: "Nếu chỉ vì không được duyệt làm hiệu trưởng mà ông quyết định về Mỹ thì tôi lấy làm tiếc cho giấc mơ của ông và hàng ngàn các em sinh viên Đh Hoa Sen đã mất cơ hội tiếp cận tư duy giáo dục hiện đại, chưa kể việc nếu mô hình này thành công sẽ là tấm gương cho các trường tư thục khác noi theo.

Chính ông đã gieo niềm hy vọng cho hàng ngàn con người vì vậy ông phải có nghĩa vụ thực hiện nó đến cùng, dù chưa biết kết quả thế nào. Ông quay về Mỹ chỉ sau 1 năm làm việc ở VN.

Tôi thiết nghĩ ông chưa đủ kiên nhẫn để thực hiện sứ mạng cao cả này. Còn nếu có những lý do sâu xa mà báo chí không đưa tin thì tôi thành thật xin lỗi đã nghĩ sai về ông".

Không ai ngoài GS Thành có thể trả lời thấu đáo những câu hỏi ấy.

Cá nhân mình, tôi tin rằng GS Thành về Mỹ không phải vì thất vọng với chiếc ghế mà thất vọng vì nếu ở lại ông sẽ không còn vai trò quyết định trên con đường mình đã mở ở Hoa Sen.

Có một chi tiết hay được GS Thành nhắc đến, đó là trong 10 năm ông làm đồng viện trưởng Viện Khoa Học và Công Nghệ Tính toán, ông "không có quyền quyết điều gì".

Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng hết sức, để góp phần đem lại thành công đáng kể cho Viện.

Trong lời từ biệt rất chừng mực của mình với các đồng nghiệp ở Hoa Sen, GS Thành lưu ý: Hiệu trưởng mới sẽ có con đường riêng của họ và hiệu phó sẽ phải thực thi con đường ấy.

GS Thành không muốn cản trở/va đập với con đường riêng ấy. Ông ra đi. Tôi cho đó là lựa văn minh.

Với những người tài tử tế, chiếc ghế không bao giờ là đích đến của họ. Nhưng trong những điều kiện cụ thể, họ cần có chiếc ghế với ý nghĩa như là như là mảnh đất để dụng võ.

Thiếu quyền quyết, tâm huyết và chất xám sẽ bị lãng phí.

Võ sư bị trói tay chân thì công lực 10 phần mất 9. Người mù vẫn võ công cái thế, vẫn "nhìn" được đường kiếm đối thủ như Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn chỉ có trong tưởng tượng của tiểu thuyết gia kiếm hiệp Kim Dung, không xuất hiện trong đời thực.

Chiếc vé số Vietlott 300 tỉ và trọng dụng nhân tài

Xét về lý, không ai có lỗi trong vụ này.

Bộ Giáo dục có thể nói rằng: Chúng tôi là cơ quan quản lý giáo dục, không thể làm trái luật giáo dục. Người khác có thể nói rằng: Tại sao trước khi nhận lời, GS Thành và ĐH Hoa Sen không đọc kỹ những quy định của luật.

Thu hút nhân tài không giống như chờ trúng số Vietlott 300 tỉ đồng - Ảnh 2.

GS Thành cũng chẳng có lỗi gì khi rời Việt Nam. Ông có quyền lựa chọn lối rẽ tiếp theo cho cuộc đời mình, sau khi đã đóng góp nhất định cho đất nước.

Một đất nước sẽ lục đục nếu suốt ngày đi bắt lỗi nhau. Nhưng một đất nước sẽ không thể ngóc đầu nếu không ai thấy mình có lỗi.

Cuộc sống, nếu chỉ vận động theo cái lý đơn thuần, ai sẽ xả thân, ai sẽ hy sinh, ai sẽ đốt cháy mình cho cộng đồng?

Cơ chế lỗi thời ở lĩnh vực nào cũng cần sửa, huống hồ một lĩnh vực cốt yếu như trọng dụng nhân tài.

Phải nhìn sự việc của cá nhân GS Thành như một thái độ ứng xử đối với người tài nói chung.

Rất có thể rồi đây ĐH Hoa Sen sẽ tìm được một hiệu trưởng giỏi. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng ta sẽ không tiếc nuối những người có "giấc mơ đóng góp cho giáo dục đại học Việt Nam".

Để nước Việt phồn thịnh, không chỉ cần sự góp sức của một vài người GS Thành. Cần xóa bỏ rào cản để hàng vạn trí thức Việt khắp năm châu có thể chung vai gánh vác đất nước.

Cần đảm bảo với người tài rằng: Nếu họ có tâm, có tầm, họ chắc chắn sẽ được trao vị trí và trọng trách xứng đáng, không giới hạn quota.

Không một nhân tài tử tế nào chấp nhận việc xem vị trí, trọng trách, cơ hội của họ chỉ như một tấm vé Vietlott 300 tỉ đầy may rủi, rơi vào ai thì người ấy được, trong khi hàng triệu người còn lại ngậm ngùi xa xót.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại