Thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 9 tháng đầu năm 2022

Thế Công |

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 5/11, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Thanh tra.

Thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 9 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực Thanh tra.

Nhiều cuộc thanh tra với sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin về việc chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào kể từ khi nhậm chức đến nay, kết quả ra sao?

Trả lời câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 9 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 2.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) tham gia chất vấn

Thứ nhất là căn cứ vào chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra tiến hành thanh tra một nội dung nào đó thì Tổng Thanh tra sẽ chỉ đạo Phó Tổng Thanh tra phụ trách các cơ quan, đơn vị tổ chức nắm thông tin tình hình, đề xuất nội dung phạm vi thời kỳ và đối tượng cần Thanh tra.

Thứ hai là Tổng Thanh tra Chính phủ cho chủ trương để Phó Tổng Thanh tra ký ban hành quyết định thanh tra kế hoạch tiến hành thanh tra.

Thứ ba là Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Phó Tổng Thanh tra phụ trách chỉ đạo Thủ trưởng Cục vụ và đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật và chỉ đạo giám sát đoàn thanh tra.

Thứ tư là Tổng Thanh tra chỉ đạo Phó Tổng xem xét báo cáo kết quả thanh tra, chỉ đạo thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về dự thảo kết luận thanh tra và sau đó thì chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh kết luận.

Thứ năm là Tổng Thanh tra cho chủ trương để Phó Tổng phụ trách ký ban hành kết luận thanh tra, tổ chức công khai kết luận theo quy định pháp luật và báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra.

Thứ sáu là Tổng Thanh tra chỉ đạo, Phó Tổng và các đơn vị Cục Vụ tiến hành theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý sau thanh tra.

"Trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra các vụ việc có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét" - ông Đoàn Hồng Phong nêu rõ.

Thu hồi 1.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 9 tháng đầu năm

Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta quyết liệt, đạt nhiều hiệu quả quan trọng, toàn diện.

Thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 9 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 3.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông)

Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát còn thấp, tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Vấn đề thứ hai mà đại biểu đề cập đó là, trong thời gian qua, còn xảy ra tình trạng cùng một đơn vị, địa phương nhưng trong một thời gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm toán. Nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp trong phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp này trong thời gian sắp tới?

Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, Ngành thanh tra đã tiến hành là đôn đốc, thanh tra 5586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng.

Thu hồi hơn 1.000 tỷ đồng tài sản tham nhũng trong 9 tháng đầu năm 2022 - Ảnh 4.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn.

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.

Về xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán như đại biểu Dương Khắc Mai đã đề cập, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để mà từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đã phối hợp với nhau ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra.

Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng là quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại