Thu hồi giấy tờ
Ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng UBND huyện Nho Quan, Ninh Bình cho biết, chính quyền địa phương xác định 48 giáo viên đã gian lận bằng cấp.
Tuy nhiên, UBND huyện sẽ tập trung giải quyết theo hướng xem xét công lao của các cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục mầm non.
“Chúng tôi đã đề nghị và hướng dẫn các cô giáo đăng ký lại giấy tờ, hộ tịch và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong huyện hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cô thực hiện kê khai lại.
Đến nay, đã có 27 trường hợp kê khai lại tên, hộ tịch” - ông Trường nói.
“Đối với bảo hiểm xã hội, sau khi chuyển đổi tên, UBND huyện sẽ có những văn bản hướng dẫn để hoàn chỉnh hồ sơ. Tuy nhiên đối với thẻ đảng viên, UBND huyện Nho Quan chưa có phương án giải quyết vấn đề này”.
Ông Nguyễn Xuân Trường -
Chánh văn phòng UBND huyện Nho Quan (Ninh Bình)
Cụ thể, đã có giáo viên nghỉ chế độ và hoàn thành thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội; 21 cô tự nguyện làm đơn và mong muốn tiếp tục được làm nhân viên tại các trường mầm non; 5 cô đã đăng ký lại nhưng chưa có đơn đề nghị được tiếp tục công tác.
Lương của các cô được hưởng theo hợp đồng vùng miền với mức 2,4 triệu/tháng, được đóng bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế có sự hỗ trợ của địa phương.
Ngoài ra, các cô giáo sẽ được hưởng thêm chế độ cô nuôi do phụ huynh học sinh đóng góp tuỳ theo trường. Tổng thu nhập khoảng 3 triệu/người/tháng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 21 cô chưa kê khai lại. Ông Trường cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện Nho Quan sẽ tiếp tục rà soát, nếu phát hiện những trường hợp tương tự sẽ xử lý theo phương án trên.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục trao đổi với các giáo viên để có những nhận thức đúng đắn hơn về các loại giấy tờ liên quan.
Xử lý sai phạm
Trả lời phóng viên Tiền Phong về việc các giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ đảng viên… của các cô giáo đã mang tên người khác sẽ xử lý thế nào, ông Bùi Công Hoan (Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình) nói: Sai đến đâu sửa tới đó, người nào làm sai người đó phải chịu trách nhiệm.
Ông Hoan cho rằng, trách nhiệm xử lý, giải quyết sự việc trên thuộc thẩm quyền của UBND huyện Nho Quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng UBND huyện Nho Quan nói: “Việc thay tên đổi họ của các giáo viên đã diễn ra từ rất lâu, nhưng mới đây hồ sơ từ cơ quan điều tra gửi về UBND huyện chúng tôi mới nắm bắt được.
Người công tác lâu nhất tại trường mầm non từ năm 1979. Chính vì thế, UBND huyện Nho Quan tập trung vận động các cô giáo nhận thức về hành vi của mình để đăng ký lại các giấy tờ liên quan, sau đó ký lại hợp đồng lao động.
Khi giải quyết xong việc của 48 giáo viên, chúng tôi sẽ xem xét đến những người có liên quan trong việc ký các loại giấy tờ giả”.