Chuyến bay combo thời đại dịch
Ngày 4/4, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, đề nghị truy tố 54 bị can về các tội “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đây là vụ án bắt đầu từ chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại nước ngoài khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020.
Trong số 20 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ” có 13 người là cựu cán bộ của Bộ Ngoại giao, trong đó hai người từng giữ chức vụ Thứ trưởng là ông Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam. Trong tổng số tiền hơn 77 tỷ đồng mà nhóm cán bộ này đã nhận hối lộ, cơ quan điều tra xác định, ông Tô Anh Dũng nhận hơn 21,5 tỷ đồng; ông Vũ Hồng Nam nhận hơn 1,8 tỷ đồng; Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận hơn 25 tỷ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, nhận hơn 12,2 tỷ đồng...
Theo kết luận, ông Tô Anh Dũng là thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có nhiệm vụ phê duyệt tổ chức kế hoạch chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự để gửi thành viên trong tổ công tác của 5 bộ xin ý kiến. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách chuyến bay combo của chiến dịch “chuyến bay giải cứu”. Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, khi người Việt có nhu cầu về nước trên các “chuyến bay giải cứu” theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí cách ly được gọi là “chuyến bay combo”. Chi phí cho những chuyến bay này rất đắt đỏ, ngoài vé máy bay đắt gấp 3-5 lần so với bình thường, khách hàng còn phải trả thêm các chi phí cách ly 15 ngày, xe đưa đón từ sân bay tới khách sạn cách ly, tiền ăn uống 3 bữa/ngày, chi phí xét nghiệm…Tùy thời gian và địa điểm đón công dân, chi phí chuyến bay combo này dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/khách.
Từ việc tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay combo, ông Tô Anh Dũng đã được họ biếu xén số tiền nêu trên.
Bên cạnh nhóm cán bộ của Bộ Ngoại giao, các quan chức khác như: Ông Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng; ông Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 6 tỷ đồng; ông Nguyễn Quang Linh, nguyên trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, cũng nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng; ông Phạm Trung Kiên, nguyên cán bộ của Bộ Y tế nhận hối lộ 180 lần với số tiền 42,6 tỷ đồng .
Vẫn theo kết luận điều tra, có 23 bị can bị cáo buộc có hành vi “Đưa hối lộ”. Họ là lãnh đạo các công ty du lịch, lữ hành tư nhân và cổ phần và một nữ chuyên viên Phòng Nhà khách Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương.
Hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam
Bị can Lê Thị Ngọc Anh (chuyên viên Phòng Nhà khách Vụ Lễ tân, Ban Đối ngoại Trung ương) bị cáo buộc là người đưa hối lộ cho ông Chử Xuân Dũng. Cụ thể, thông qua chị dâu ông Chử Xuân Dũng, Ngọc Anh liên hệ và gặp ông Dũng tại phòng làm việc của ông này ở trụ sở UBND TP Hà Nội để nhờ giúp đỡ duyệt chủ trương cho các doanh nghiệp của Ngọc Anh nhập cảnh về nước được cách ly y tế trên địa bàn TP.
Ông Chử Xuân Dũng đồng ý và hướng dẫn Ngọc Anh về làm hồ sơ gửi lên UBND TP Hà Nội theo quy trình. Về chi phí xin chủ trương, bị can Ngọc Anh tự tính toán, đưa tiền.
Ngoài ra, ông Chử Xuân Dũng ký 7 công văn giúp Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Thái Hòa) và Công ty TNHH Du lịch Quốc tế do Phạm Thị Bích Hằng (làm giám đốc) đưa khách từ nước ngoài về cách ly tại Hà Nội. Cơ quan điều tra xác định, ông Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ số tiền hơn 2 tỷ đồng từ bị can Trần Minh Tuấn và Lê Thị Ngọc Anh. Quá trình điều tra, ông Chử Xuân Dũng nhận thức được hành vi, và gia đình ông Chử Xuân Dũng nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng hưởng lợi bất chính.
Tương tự, ông Nguyễn Quang Linh bị cáo buộc đã lợi dụng vị trí công tác của mình là trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng thường trực chính phủ để nhận hối lộ và giúp một số công ty được phê duyệt chuyến bay tham gia “chuyến bay giải cứu”.
Thu giữ nhiều tiền, vàng của hai cựu sỹ quan công an
Đối với nhóm tội “Môi giới hối lộ”, cơ quan điều tra đề nghị truy tố 4 bị can, là: Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Phòng trị sự, Tạp chí Thanh tra, thuộc Thanh tra Chính phủ; Bùi Huy Hoàng, Chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Trần Quốc Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến thương mại và Du lịch và Nguyễn Anh Tuấn, cựu Thiếu tướng, nguyên Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Khi vụ án “chuyến bay giải cứu” bị phanh phui, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, đang là Tổng giám đốc và Phó Tổng giám đốc của Công ty Bầu Trời Xanh (Blue Sky), đã gặp ông Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, nhờ giúp đỡ. Sau đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đã liên hệ và được bị can Hoàng Văn Hưng, thời điểm đó là Trưởng phòng Điều tra Cục An ninh điều tra - Bộ Công an nhận lời làm trung gian giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự. Cơ quan điều tra kết luận, ông Hưng đã trao đổi thông tin với ông Nguyễn Anh Tuấn và gặp gỡ Hằng (đối tượng bị điều tra) bên ngoài trụ sở; và hướng dẫn Hằng và Sơn cách khai báo khi làm việc với điều tra viên. Sau đó, ông Hưng bị chuyển công tác sang Trưởng phòng Chính trị Hậu cần Cục An ninh điều tra, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm thông tin điều tra và cung cấp cho Hằng và Sơn.
Theo đó, trong năm 2022, Hằng đã chuyển cho Nguyễn Anh Tuấn hơn 2,6 triệu USD và ông Tuấn khai đã chuyển hơn 2,2 triệu USD cho Hoàng Văn Hưng, tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ xác định được số tiền ông Tuấn chuyển cho ông Hưng là 800.000 USD. Theo đó, cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Hưng về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; còn ông Tuấn bị đề nghị truy tố tội “Môi giới hối lộ”.
Quá trình điều tra, ông Nguyễn Anh Tuấn đã giúp cơ quan điều tra làm rõ nhiều tình tiết của vụ án, đã nộp 460.000 USD khắc phục hậu quả.