Thủ đoạn buôn bán người và nội tạng ngày càng tinh vi

Vân Sơn - Hoàng Thuận |

Lợi dụng không gian mạng và công nghệ, tội phạm buôn bán người, mua bán nội tạng và mang thai hộ tội phạm này hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Trung tá Nguyễn Bảo Khâm, Phòng cảnh sát hình sự công an TPHCM cho biết như trên tại hội nghị trực tuyến cảnh báo các hoạt động của tội phạm buôn bán người, mua bán nội tạng và mang thai hộ vào chiều 19/4 ở TPHCM. Hội nghị do Sở Y tế và Công an TPHCM phối hợp tổ chức. Đại diện Công an TPHCM cho biết đang củng cố hồ sơ để đưa ra truy tố, xét xử một đường dây mua bán thận trên địa bàn thành phố. Theo đó, các đối tượng đã bị khởi tố và bắt tạm giam gồm Bùi Tiến Lực, Nguyễn Thanh Phong, Trần Thanh Hòa và Phan Thanh Hải về tội mua bán bộ phận cơ thể người. Các đối tượng này đều bán thận trước đó và nắm được quy trình nên đã thành lập đường dây, lôi kéo nhiều người bán thận để tạo thành ngân hàng thận bán cho người cần ghép.

Thủ đoạn buôn bán người và nội tạng ngày càng tinh vi- Ảnh 1.

Công an và Sở Y tế TPHCM dự kiến sẽ xây dựng cơ chế phối hợp để ngăn chặn hoạt động buôn bán người, mua bán tạng và mang thai hộ trái phép. Ảnh: Vân Sơn

Bước đầu, cơ quan Công an xác định nhóm tội phạm trên đã thực hiện 28 giao dịch mua bán tạng thận, mỗi trường hợp cần mua thận có giá từ 400 triệu đồng đến hơn 1,1 tỷ đồng và người bán thận nhận từ 260 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Các đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 12 tỷ đồng. Nguồn thận được mua bán trái phép đã được thực hiện kỹ thuật ghép cho người mua chủ yếu diễn ra tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM.

Bên cạnh hoạt động mua bán tạng, phía công an thành phố cũng cho biết, nhiều đường dây buôn người qua biên giới, mua bán trẻ sơ sinh, tráo đổi người mang thai hộ đang âm thầm diễn ra trong cộng đồng bằng hình thức sử dụng công nghệ, tổ chức các nhóm kín trên mạng xã hội. Năm 2023, Công an quận 1 đã điều tra một đường dây buôn bán trẻ sơ sinh tập trung quanh Bệnh viện Từ Dũ. Các đối tượng tham gia là những người chạy xe ôm, bán vé số quanh bệnh viện. “Khi biết nhu cầu tại khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ có nhiều người mong muốn có con nhưng không được nên các đối tượng đã tiếp cận và kết nối với những người sau khi sinh không muốn nuôi đứa trẻ. Các đối tượng thường vẽ ra những câu chuyện về người hiếm muộn rất giàu có, đứa trẻ làm con nuôi sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng. Người phụ nữ có con thường được hỗ trợ tiền sữa, tiền viện phí nên đồng ý cho con. Tuy nhiên, trên thực tế, đứa trẻ đã bị bán cho các đường dây chăn dắt, những cháu bé vô tội mới vài ngày tuổi đã bị bế ra đường đi bán vé số, tối đến thì chúng pha sữa đặc có đường (rẻ tiền) cho uống” - Trung tá Bảo Khâm nói.

Bên cạnh đó, sau khi luật mang thai hộ chính thức có hiệu lực tại bệnh viện sản đang xảy ra tình trạng thuê người mang thai. Đại diện Bệnh viện Từ Dũ cho biết, tại đây đã phát hiện nhiều trường hợp tráo đổi người mang thai hộ trong quá trình chuyển phôi. Tại Bệnh viện Hùng Vương cũng xảy ra tình trạng tương tự, các bác sĩ đã phát hiện một số trường hợp giả hồ sơ và tráo đổi người mang thai hộ nên đã mời công an vào cuộc.

Các bệnh viện cho hay, việc xác định những người thực hiện những dịch vụ hiến ghép tạng, mang thai hộ đang gặp nhiều khó khăn. Theo BS.Lê Thái Bình Khang, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người ghép tạng luôn giới thiệu thêm một người hiến tạng, người hiến và người ghép luôn đăng ký trên tinh thần tự nguyện và có các hồ sơ chứng minh huyết thống. Tuy nhiên, “hồ sơ của họ có bị làm giả hay không thì bệnh viện rất khó xác minh nên có thể rơi vào tình cảnh tiếp tay cho hoạt động mua bán tạng”, BS.Khang nói.

Thủ đoạn buôn bán người và nội tạng ngày càng tinh vi- Ảnh 2.

Nếu không ngăn chặn được hồ sơ giả, các bệnh viện sẽ vô tình tiếp tay cho hoạt động phạm pháp trong ghép tạng và mang thai hộảnh: Vân Sơn

Theo Trung tá Khâm, hầu hết các vụ việc mua bán tạng, mang thai hộ trái phép được phát hiện trong thời gian qua, các đối tượng đều sử dụng hồ sơ giả để hợp thức hóa theo luật. Hầu hết các vụ việc được phát hiện đều thu thập được con dấu giả với mộc tròn, mộc vuông và chức vụ của các lãnh đạo các sở ngành. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường khó có thể phát hiện dấu mộc bị làm giả. Các loại giấy tờ giả chỉ có phòng kỹ thuật hình sự mới có thể giám định.

Tại hội nghị thực hiện kế hoạch 1934/KH-BCĐ của BCĐ 138/TP diễn ra sáng 19/4, Thiếu tướng Mai Hoàng - Phó giám đốc Công an TPHCM cho biết, năm 2023 và quý I/2024, Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý 326 vụ, 419 đối tượng liên quan đến "tín dụng đen". Bên cạnh thủ đoạn truyền thống như treo biển, phát, dán tờ rơi quảng cáo để cho vay, các đối tượng thành lập công ty tài chính, tư vấn pháp luật, mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng để thu hồi nợ, cưỡng đoạt tài sản thông qua thủ đoạn vu khống, khủng bố; hoạt động cho vay trên không gian mạng núp bóng vay tín dụng tiêu dùng, cầm cố thu lãi suất trên rất cao.

"Khi biết nhu cầu tại khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ có nhiều người mong muốn có con nhưng không được nên các đối tượng đã tiếp cận và kết nối với những người sau khi sinh không muốn nuôi đứa trẻ. Các đối tượng thường vẽ ra những câu chuyện về người hiếm muộn rất giàu có, đứa trẻ làm con nuôi sẽ được hưởng cuộc sống sung sướng. Người phụ nữ có con thường được hỗ trợ tiền sữa, tiền viện phí nên đồng ý cho con. Tuy nhiên, trên thực tế, đứa trẻ đã bị bán cho các đường dây chăn dắt, những cháu bé vô tội mới vài ngày tuổi đã bị bế ra đường đi bán vé số, tối đến thì chúng pha sữa đặc có đường (rẻ tiền) cho uống" - Trung tá Bảo Khâm nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại