Thành phố Jakarta của Indonesia.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của công ty tư vấn rủi ro kinh doanh Verisk Maplecroft có trụ sở tại Vương quốc Anh, trên toàn thế giới, có hơn 400 thành phố lớn với dân số khoảng 1,5 tỷ người đang phải đối mặt với "các rủi ro cao hoặc cực đoan" về hiểm họa môi trường.
Trong số đó, ba thành phố lớn của Indonesia là Jakarta, Surabaya và Bandung nằm trong top 10. Riêng thủ đô Jakarta của Indonesia, trung tâm tài chính và thành phố đông dân nhất của quốc gia vạn đảo đứng vị trí thứ nhất về hiểm họa môi trường trên toàn cầu do sự kết hợp của nhiều vấn đề khác nhau.
Thứ nhất, Jakarta cũng đang đối mặt với mối đe dọa vĩnh viễn từ lũ lụt và hoạt động địa chấn. Thành phố với khoảng 10 triệu dân này thường xuyên trải qua tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt. Năm 2020, hơn 34.000 cư dân Jakarta phải rời bỏ nhà cửa do lũ lụt, gây thiệt hại lên tới 1.000 tỷ Rupiah.
Đây cũng là một trong những thành phố có tốc độ chìm xuống biển nhanh nhất trên thế giới. Báo cáo trên cũng xác nhận rằng thành phố Jakarta có nguy chìm hoàn toàn vào năm 2050.
Năm 2019, Tổng thống Joko Widodo đã lên kế hoạch di dời thủ đô Indonesia từ Jakarta, trên đảo Java, đến đảo Kalimantan. Tuy nhiên, dự án bị hoãn lại do chính phủ tập trung xử lý đại dịch Covid-19./.