Thú cưng của 'hoàng thượng'

Thái Lộc |

Người xưa trong chốn hoàng cung nuôi rất nhiều loài chim quý. Ở các lăng vua còn được chăn thả hươu nai và các loài thú săn bắt được.

Thú cưng của hoàng thượng - Ảnh 1.

Con chim diệc hoang dã bay về trú đông ở vườn ngự Cơ Hạ trong hoàng cung Huế - Ảnh: NGUYỄN PHÚC BẢO MINH

Phi tần nuôi chim

Từ giai đoạn mới lập triều trở về sau, đằng sau những bức tường thành hoàng cung nhà Nguyễn, từ nơi ở cho đến các khu vườn thượng uyển, vật nuôi phổ biến nhất vẫn là chim.

Không chỉ bắt từ tự nhiên quanh đất kinh đô, được cung tiến từ các địa phương trong vương quốc, các loài chim quý còn được nhập về từ nước ngoài thông qua triều thần đi sứ hoặc các nhà buôn ngoại quốc dâng tặng. Đó là các loại chim khướu, yểng, anh vũ (két, vẹt), chào mào, công, trĩ sao...

Dực Tông Anh hoàng đế (Tự Đức) là người rất mê đi săn. Các sử quan nhà Nguyễn ghi: "(vua) ở trong cung không ham gì khác chỉ thỉnh thoảng đi săn, hoặc 3-5 ngày đi một lần, các quan thường can ngăn luôn.

Vua cũng tự nhận lỗi, nhưng lo nghĩ ốm yếu, phiền uất không đi săn, như thế không được thư thái, cho nên mượn việc đi săn để giải trí...". Việc thường xuyên tổ chức săn bắn khiến người mẹ là Hoàng thái hậu Từ Dụ nhiều lần khuyên răn, quở trách.

Trong sách Từ huấn lục do nhà vua ghi chép lời dạy của người mẹ, nhà vua kể: "Ta nhân buồn phiền nhiều lần đi bắn chim. Mẹ ta liền dạy rằng: sao có thể nhiều lần đi bắn chim, đi nhiều thì quen, ta muốn con tiết chế, có được chăng?".

Thú cưng của hoàng thượng - Ảnh 2.

Lăng Tự Đức nhìn từ trên cao - Ảnh: NGỌC BÌNH

Thói quen nuôi chim trong cung phổ biến đến mức năm 1845 sứ thần nước Anh mang quà tặng của quốc vương dâng lên triều đình Thiệu Trị để tạ ơn cứu thuyền bị nạn bao gồm: một cặp đèn, chiếc đồng hồ và cái lồng chim máy mạ vàng.

Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), khi mở rộng vườn ngự Hậu hồ, sách Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực ghi rõ: "Lấy các cây tố lan, mộc tê, hải đường ở Hà Nội về trồng. Lại tìm các đồ gạch ngói, phiến đá cổ tựa như bốn bức tường tháp Báo Thiên thời Lý. Làm lồng sắt, phía trên giăng lưới rồi mua các loài gia cầm quý như chim đầu trắng về nuôi".

Thời Thiệu Trị, nhà vua cho trồng những loài cây cho trái và một số loại cây có hạt mà chim rất thích ăn trong khu vườn ngự Thiệu Phương. Nhà vua từng đưa vào thơ của mình tâm trạng thích thú khi thấy chim sà xuống ăn quả hạt trong vườn.

Ngay cả các bà phi tần trong cung cũng nuôi chim tại nơi ở của mình. Tác giả Ưng Trình, trong sách viết về ông nội Tùng Thiện Vương, cho biết bà cố nội là Thục tân Nguyễn Thị Bảo khi sống trong chốn cung xưa, ngoài chăm vườn cảnh còn thường chăm chim. Rằng: "Buổi sớm cũng như buổi chiều, trang điểm rồi thì thân hành cho chim ăn.

Chim thấy bà chủ đập cánh bay nhảy kêu vang lên cả viện Đoan Trang; người trong cung ai nghe cũng biết bà Thục tân đã thức dậy. Hết việc ấy đến việc khác, cho chim ăn rồi lại tưới hoa... Trước viện Đoan Trang có một con chim anh vũ, hễ thấy vua Minh Mạng ngự đến thì nó kêu lên "Vạn tuế! Vạn tuế!" như có ý báo tin cho bà chủ biết để ra đón rước khách vào".

Thú cưng của hoàng thượng - Ảnh 3.

Đảo Tịnh Khiêm - nơi nuôi nhiều loài cầm thú - Ảnh: NGỌC BÌNH

Vua không cho nuôi chó mèo

Nhà nghiên cứu văn hóa Vĩnh Cao thuộc dòng tộc nhà Nguyễn cho biết: "Không có văn bản cấm hẳn hoi, nhưng vì vua không cho nuôi nên các quý bà trong cung không nuôi con chó, con mèo mô hết!". Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, việc không cho nuôi chó mèo trong cung cũng là điều dễ hiểu.

Trong đó, con chó thường gắn liền với hình ảnh không đẹp, chó sủa ồn ào, dễ cắn người và mang mầm bệnh dại lúc ấy chưa kiểm soát được. Đối với mèo, người xưa thường kiêng cữ bởi tiếng kêu của mèo trong mùa giao phối. Mèo hay chạy nhảy, dễ làm hư hại đồ đạc quý giá được bày biện trong các miếu thờ, điện ở.

Thực ra sử liệu nhà Nguyễn cũng từng nhắc đến chó mèo nuôi ở trong cung thủa sơ triều, khi các quy chế trong cung còn lỏng lẻo, nơi ở còn tạm thời, cuộc sống trong triều vẫn còn đậm kiểu dân gian.

Đại Nam nhất thống chí dẫn lại chuyện kể trong Minh Mạng thánh chế rằng: "Buổi đầu trung hưng, Gia Định có dâng vài con anh vũ, nuôi ở trong cung, trong đó có một con rất khôn, ban đêm ở trong lồng, chuột đến cắn thì nó giả làm tiếng mèo, đến khi có mèo đến thì nó lại giả làm tiếng người nạt nộ, mèo sợ không dám đến gần.

Lại khi thấy chó ngủ nó lén bay xuống cắn mổ, chó thức dậy hoảng kinh bỏ chạy, nó nhảy lên bàn giở trò cười ngặt nghẽo".

Thú cưng của hoàng thượng - Ảnh 4.

Sư tử - vật nuôi của triều đình thời Thiệu Trị dùng để đấu với voi. Tranh do Bộ Công triều Nguyễn vẽ, in trong sách Ngự đề đồ hội thi tập. Ảnh: NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG chụp lại

Từng nghiên cứu kỹ về cây trồng, vật nuôi trong các khu vườn ngự phục vụ công tác phục hồi, TS Lê Công Sơn, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết trong cung không phổ biến việc nuôi thú.

Chỉ có khu vườn ngự Cơ Hạ có nuôi một vài loài thú nhỏ như sóc, thỏ và tuyệt nhiên không thấy có nuôi các loài thú lớn. Dấu vết và tài liệu đề cập các loại thú cưng ở trong cung hầu như chưa được tìm thấy.

Các khu vườn ngự và ao hồ trong hoàng cung lẫn các lăng vua cũng nuôi rất nhiều cá, phần lớn là cá tự nhiên. Tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), có tên lính canh bắt cá ở lạch nước vườn ngự Thường Mậu trong cung bị phát hiện, bắt giữ giao Bộ Hình định tội.

Nhà vua bảo bộ: "Bọn ấy ngu muội không biết gì vượt vào chỗ cấm, vốn nên trị tội. Nhưng vì bắt cá là việc nhỏ mọn mà bắt tội thì... lòng trẫm thấy có chỗ không nỡ. Vậy hãy theo lỗi nhẹ xử ngay, đừng để dằng dai là được".

Đến thời Tự Đức, khi xây lăng, chặn dòng làm hồ Lưu Khiêm, nhà vua cho biết: "Công trình hồ ấy chưa hoàn thành nhưng có rất nhiều cá mà không cần phải đem vào để nuôi, vì lẽ đó là nơi thuận lợi nên chúng bơi đến"...

Thú cưng của hoàng thượng - Ảnh 5.

Đảo Tịnh Khiêm giữa hồ Lưu Khiêm ở lăng Tự Đức là nơi nhà vua cho thả nhiều loài cầm thú quý hiếm. Ảnh: THÁI LỘC

Xây nhà hươu nai

Các vua nhà Nguyễn cũng cho nuôi các loài thú to lớn hay hoang dã ở các lăng tẩm vừa để dự trữ, làm món ăn hay làm thuốc chữa bệnh. Đầu thời Thiệu Trị, khi xây Hiếu lăng (Minh Mạng), nhà vua cho làm Tuần Lộc hiên để chăn thả hươu nai.

Đến thời Tự Đức, vua dồn nhiều tài lực, vật lực để xây lăng, tạo lập một không gian rộng lớn đặc biệt nên thơ hợp với cá tính của ông, nơi ông vừa có thể ở, thưởng ngoạn và thư giãn trước khi thăng hà.

Thăm lăng Tự Đức, hầu hết du khách đều xuýt xoa trước khung cảnh lãng mạn của hồ Lưu Khiêm bao quanh một hòn đảo và xa kia là hai nhà thủy tạ nằm trên mặt nước... Hòn đảo thơ mộng ấy vua đặt tên Tịnh Khiêm, là nơi thả nuôi nhiều loài muông thú như chim công, chim trĩ, thỏ... theo ý tưởng của nhà vua được ghi rõ trong văn bia Khiêm Cung ký.

Thú cưng của hoàng thượng - Ảnh 6.

Cặp voi chiến có cặp ngà tuyệt đẹp đứng trên cầu Trung Đạo, sau Ngọ Môn của Hoàng thành Huế - Ảnh tư liệu

Thú vị hơn, nhà vua cũng viết kỹ việc "quy hoạch" khu lăng được "chia từng loại, làm giàn đậu, làm giàn hoa, làm chỗ trồng cây có quả, làm vườn rau, làm động hươu...". Ghé lăng Tự Đức để tìm "động hươu", người bảo vệ chỉ đường đến "chuồng nai" men theo tường thành phía nam.

Đó là khu đất bằng phẳng rộng chừng 2.000m2 có tường cao bao quanh bốn phía, lối vào là một cổng vòm nhỏ. Nằm chính giữa là một khu nhà xây bằng gạch vồ phủ xanh cỏ bụi, bên trong các lối thông nhau, có khoảng 10 cổng vòm mở ra bốn phía.

Theo TS Lê Công Sơn, đó chính là nhà nuôi nai. Tiếp giáp và nằm ngay phía bắc của "chuồng nai" này là một khu vườn có tường bao bốn phía và diện tích tương tự với một cổng vuông dẫn vào. Có khả năng đây là nơi nuôi nhốt các loài thú lớn hoặc một số con vật hoang dã là thành quả những lần đi săn của nhà vua...

Nhiều bạn trẻ thời nay thường âu yếm gọi mèo cưng của mình là "hoàng thượng". Vậy mà xưa kia, mèo lại là một con vật bị cấm nuôi trong hoàng cung…

"Trẫm cho chồng chất đá núi, rợp hoa và cây, làm bậc đá, làm động, làm rừng, làm hang, chim bay, thú chạy tụ họp, nuôi nấng ở đấy, mà chim công kêu, thỏ trắng núp, cẩm kê đậu, đều có đủ chỗ ở" - Dực Tông Anh hoàng đế (Tự Đức) viết về đảo Tịnh Khiêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại