Trước đây, người ta vẫn nghĩ các hạt tích điện từ gió Mặt Trời được chia đều cho 2 cực của Trái Đất , gây ra "ánh sáng phương Bắc" và "ánh sáng phương Nam", chính là hiện tượng cực quang, khi các hạt tích điện này va chạm với từ trường Trái Đất.
Nhưng nhóm khoa học gia từ Đại học Alberta (Canada) đã phát hiện ra một hiện tượng kỳ lạ: dường như các hạt tích điện đang đổ xô về cực Bắc nhiều hơn hẳn cực Nam, tạo nên cực quang rực rỡ gấp nhiều lần so với phía bên kia của địa cầu.
Cực quang phương Bắc - Ảnh: ESO
Theo Universer Today, nghiên cứu mới nhất của họ đã xác định được thứ đã dẫn đến hiện tượng dị thường nói trên: Sóng Afvén.
Sử dụng "chòm vệ tinh" Swarm, bộ 3 vệ tinh quan sát từ trường Trái Đất hoạt động từ năm 2013, tiến sĩ Ivan Pakhotin và các cộng sự ở Đại học Alberta đã phát hiện ra rằng do Nam cực của Trái Đất nằm xa trục quay thực của hành tinh hơn cực Bắc, nên sóng Afvén, vốn là một sóng điện từ, đã có mức tương tác khác nhau với gió mặt Trời.
Sự bất đối xứng này khiến cực Bắc có một sức hút mạnh mẽ, gom các hạt tích điện về phía mình và gây ra cực quang mạnh mẽ đến dị thường.
Theo Science Alert, điều này sẽ có tác động lớn đến khí hậu thế giới. Như khoa học đã chứng minh, Trái Đất đang không ngừng thay đổi về từ trường, Bắc Cực và Nam Cực từ tính đang di chuyển khỏi vị trí của Bắc Cực và Nam Cực địa lý ngày càng nhanh, thậm chí sẵn sàng cho một cú đảo ngược.
Do đó, cực quang có thể tiếp tục thay đổi và việc nghiên cứu về nó sẽ giúp trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến môi trường hành tinh trong tương lai, cũng như các tác động của cú đảo ngược cực từ.