Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014 đã có quy định về việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Năm 2016, việc thông tuyến được thực hiện tại tuyến huyện và từ năm 2021 áp dụng đối với tuyến tỉnh.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Tất cả người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh thì đều được Quỹ BHYT chi trả.
Trước đây, nếu muốn khám ở tuyến tỉnh thì người có thẻ BHYT phải đăng ký tại cơ sở tuyến tỉnh hoặc là chuyển tuyến huyện lên, còn nếu có thẻ BHYT tuyến xã thì sẽ chuyển lên tuyến huyện rồi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh. Nay những người này có thể đến thẳng tuyến tỉnh trong trường hợp cần thiết nhập viện điều trị thì sẽ được hưởng quy định gọi là thông tuyến tỉnh từ 1/1/2021".
Chính sách thông tuyến đã và đang góp phần đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia bảo hiểm y tế, bởi trên thực tế, nhiều trường hợp mua thẻ bảo hiểm y tế ở một nơi nhưng vì lý do học tập hay công việc mà phải đến một nơi khác sinh sống, đến khi bị ốm đau, bệnh tật cần điều trị tại cơ sở y tế gần nhất sẽ không được đảm bảo quyền lợi khi chưa thông tuyến.
Ông Phạm Quốc Khánh ở phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội cho rằng: “Thông tuyến rất thuận lợi cho bệnh nhân đi khám. Tôi có đi du lịch đến tỉnh này tỉnh kia cũng không lo. Thông tuyến sẽ tạo thuận lợi, mình ở chỗ nào cũng khám bệnh được, cái đó rất tiện lợi nếu người đi du lịch, công tác, thuận lợi cho người khám bệnh".
So với quy định trước, chính sách thông tuyến mới có lợi hơn cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Trước năm 2021, người tự đi khám bệnh vượt tuyến và nằm điều trị nội trú ở các bệnh viện cấp tỉnh chỉ được thanh toán 60%. Kể từ 1/1/2021 được thanh toán 100%.
Với bà Phạm Thị Bảng nhà ở tỉnh Nam Định, ra Hà Nội làm ăn thì việc thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không chỉ giúp quyền lợi được nâng lên khi đi khám chữa bệnh trái tuyến mà còn không phải về quê đến nơi đăng kí khám chữa bệnh ban đầu là trạm y tế xã để xin giấy chuyển lên bệnh viện tuyến huyện: “Trước đây mỗi lần đi khám phải qua huyện rồi mới đi lên tỉnh. Phức tạp quá, có lần đành phải chữa tư. Hiện nay thông tuyến, nhà tôi ở Hà Nội đi điều trị luôn tại bệnh viện thành phố rất tiện lợi".
Tuy nhiên, phạm vi thông tuyến khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh hẹp hơn so với thông tuyến huyện. Năm 2016, việc thông tuyến huyện được thực hiện toàn diện. Người dân khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trong cả nước đều được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả như đúng tuyến, kể cả chi phí khám bệnh, điều trị ngoại trú và nội trú.
Trong khi lần này thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh, thành phố trong cả nước chỉ dừng ở lĩnh vực điều trị nội trú. Còn nếu chỉ khám bệnh trái tuyến hoặc chỉ phải điều trị ngoại trú tại bệnh viện tỉnh, thành phố thì vẫn tự chi trả như hiện nay.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm: “Hệ thống y tế phải đảm bảo được là tuyến xã, tuyến huyện chăm sóc sức khỏe, khám ban đầu, khám tổng quát còn tuyến tỉnh, tuyến trung ương là khám chuyên sâu.
Đối với khám chữa bệnh ngoại trú, nếu chúng ta cũng lại thông tuyến tỉnh thì rõ ràng người bệnh sẽ đổ dồn lên tất cả tuyến tỉnh, kể cả những trường hợp bệnh rất nhẹ, có thể chăm sóc khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã hay là các bệnh viện huyện rõ ràng là một bất cập. Chính vì vậy, Luật chỉ quy định những trường hợp điều trị nội trú là những trường hợp cũng nặng hơn những trường hợp cần chăm sóc nhiều hơn".
Rõ ràng, dù thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến tỉnh không toàn diện như thông tuyến huyện, nhưng người dân đã thuận lợi hơn và được đảm bảo quyền lợi cao hơn. Tuy nhiên, việc người có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám, chữa bệnh trái tuyến vẫn được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí nội trú có thể sẽ dẫn đến tình trạng: bệnh nhân đổ về tuyến tỉnh và có thể là việc điều trị nội trú sẽ được chỉ định rộng rãi hơn.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đã đề nghị Bộ Y tế xây dựng tiêu chí để một người nào đó phải nằm viện điều trị. Cơ quan này cũng sẽ giám sát số lượng bệnh nhân của các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố tăng lên thế nào sau khi thông tuyến, xem có phù hợp với số giường bệnh hiện có và các điều kiện cơ sở vật chất khác hay không. Từ đó sẽ có những giải pháp kiểm soát, điều chỉnh và xử lý./.