Được trả hơn 10 tỷ đồng nhưng không bán nhà
Cách đây ít ngày, câu chuyện bà Nguyễn Thị Kim Phượng (84 tuổi), ở nhà số 63A, Tô Hiến Thành, Hai Bà Trưng, Hà Nội đi nhặt rác, xin đồ từ thiện dù đang sống tại một căn biệt thự Pháp cổ đã khiến dư luận chú ý, tò mò.
Mới đây, phóng sự của VTC Now cho biết, hiện tại bà Phượng vẫn đang tiếp tục nhận đồ ăn từ thiện mỗi ngày.
Người phụ nữ ngoài 80 tuổi tâm sự, đồ ăn của bà đều là của các nhóm từ thiện cho: “Vài tuần trước, có nhóm sinh viên tình nguyện đến nhà, biết hoàn cảnh của tôi nên hàng ngày các cháu đưa cơm đến cho tôi ăn, đỡ phải đi lại. Nhưng đấy là trước thôi, chứ mấy hôm nay thì không có.
Tôi già rồi, không có đầu óc để kinh doanh, buôn bán gì. Tuổi này đáng lẽ được nghỉ nhưng mà phải làm thế này thì mới có ăn. Không làm như thế thì nhịn đói, chứ chẳng phải tôi không biết giữ sĩ diện".
Bà Phượng nói, bà là con nhà tử tế, có ăn học đàng hoàng, bản thân từng làm ở vị trí sửa lỗi chính tả ở báo Hà Nội Mới.
Căn biệt thự mà bà Phượng đang ở có từ thời Pháp thuộc, sau ngày giải phóng thì chia cho những cán bộ có công, mỗi người một tầng. Căn biệt thự sau này có nhiều chủ sở hữu khác nhau, mẹ của bà Phượng là người đầu tiên mua toàn bộ tầng 1. Đến hiện tại, có 3 hộ gia đình đang ở trong căn biệt thự này.
Lý giải cho việc ngủ ở nhà vệ sinh tầng 1, còn nhà thì khóa chặt, bà Phượng cho biết vì từng bị trộm đột nhập, lấy hết đồ đạc nên bà phải khóa cửa lại.
Bà Phượng kể thêm, hộ gia đình ở tầng trên từng ngỏ ý muốn mua lại tầng 1 của bà với giá 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức giá mà bà Phượng mong muốn là 18 tỷ đồng, do đó việc mua bán không thành.
Ngoài việc chưa thỏa thuận được giá cả, còn một lý do khác khiến bà Phượng chưa bán nhà là bởi một phần đất (khoảng 2m2) của bà có tranh chấp với gia đình hàng xóm.
Hàng xóm thuê bảo vệ để ngăn bà Phượng mang rác về nhà
Cũng trên VTC Now, ông Giang Văn Hải (Bí thư phường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, chính quyền rất quan tâm đến bà Phượng, bởi quan điểm của Đảng ủy, UBND phường là không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là trong dịp Tết này.
Ông Hải chia sẻ, phường và các hộ gia đình cũng nhất trí nếu bà Phượng chịu dọn hết rác đi thì sẽ hỗ trợ bà dọn dẹp, quét vôi, mua sắm tủ, bàn ghế, tivi,... nhưng bà không đồng ý.
“Bà ấy cứ mang rác về nhà, môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Gia đình ông Khôi ở tầng 2 cũng sợ bà ấy chất rác trong nhà như vậy, nhỡ xảy ra hỏa hoạn thì rất nguy hiểm nên có thuê bảo vệ về ngồi ở cửa nhà số 63A để ngăn không cho bà Phượng mang rác về. Được 3 tháng rất là sạch sẽ, tưởng đã ổn rồi nhưng khi không thuê bảo vệ nữa thì đâu lại vào đấy”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Bá Thành (tổ dân phố số 2, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mỗi lần dọn vệ sinh cho nhà bà Phượng là phải huy động bảo vệ dân phố, các tổ đội của khu dân cư. Khi dọn dẹp rất vất vả, nhiều rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc và phải có người giữ bà Phượng thì mới dọn dẹp sạch sẽ được.
Về vấn đề tranh chấp đất như lời bà Phượng nói, những người hàng xóm cho biết vì bà mang rác về chất đầy kho rộng khoảng 2m2 ở tầng 1, gây ô nhiễm nên mọi người phải hàn cửa của nhà kho đó lại.