Cầu Cần Giờ khởi công năm 2025, hoàn thành năm 2028. Khi đó, cầu này sẽ soán ngôi cầu Phú Mỹ (nối Tp.Thủ Đức và Quận 7) hay cầu Bình Khánh, trở thành cầu dây văng có quy mô lớn nhất Tp.HCM.
Trước đó, cầu Phú Mỹ được đầu tư 2.077 tỉ đồng, khởi công tháng 2.2005, thông xe năm 2009, là cầu dây văng có quy mô lớn nhất Tp.HCM với chiều dài hơn 2 km, tĩnh không thông thuyền cao 45 m.
Mới đây, Văn phòng UBND Tp.HCM thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch triển khai dự án vành đai 4 Tp.HCM, cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đạt được mục tiêu phấn đấu khởi công xây dựng 3 dự Sán giao thông trọng điểm nêu trên vào dịp 30/4/2025, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi giao Sở Giao thông vận tải tổng hợp tham mưu UBND TP báo cáo Ban Cán sự đảng UBND TP trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho chủ trương về việc vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội để thực hiện các thủ tục có liên quan, trình UBND TP.
Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát kỹ phương án thiết kế để đảm bảo chuẩn xác về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, lộ giới, phương án kết nối giao thông 2 bên đầu cầu, để tránh việc thay đổi, điều chỉnh trong quá trình thực hiện, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết để thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với 2 dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ và Vành đai 4, làm cơ sở theo dõi, đảm bảo thời gian yêu cầu, trình UBND TP.
Giao UBND huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức, Quận 7, huyện Củ Chi xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết để thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 liên quan đến 3 dự án nêu trên, làm cơ sở theo dõi, đảm bảo thời gian yêu cầu, gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tổng hợp báo cáo, trình UBND Tp.HCM.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát danh mục các dự án tổ chức thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất trình HĐND TP làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án; phối hợp với UBND Tp.Thủ Đức, Quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi lập kế hoạch sử dụng đất để triển khai thực hiện các dự án.
Cầu Cần Giờ có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.228 tỷ đồng.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM cho biết, dự án cầu Cần Giờ sẽ được UBND Tp.HCM trình HĐND Tp.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 13, HĐND Thành phố khoá X (từ ngày 6 - 9.12).
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2028; thời gian thu phí BOT là 23 năm 6 tháng (từ năm 2028 đến năm 2051).
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, điểm đầu cầu Cần Giờ tại đường 15B (huyện Nhà Bè), cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía Bắc. Sau đó cầu cắt qua đường Nguyễn Bình rồi vượt sông Soài Rạp. Khi sang huyện Cần Giờ, cầu sẽ nối đến đường Rừng Sác tại vị trí cách phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía Nam.
Dự án cầu Cần Giờ có tổng chiều dài 7,3 km (trong đó cầu Cần Giờ dài gần 3 km, phần đường dẫn dài hơn 4,3 km), quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), vận tốc 60 km/h.