Trên các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam như Facebook, TikTok... và mới đây nhất là Threads, không khó để người dùng tiếp cận các nội dung độc hại, nhảm nhí này bởi chúng xuất hiện tràn lan trên các fanpage, hội nhóm, tài khoản cá nhân...
Hơn 1 năm kể từ khi ra mắt, ứng dụng Threads (một trong số những mạng xã hội của tập đoàn Meta), nhờ “lực đẩy” từ Facebook và Instagram (những ứng dụng vốn đã quá quen thuộc với người dùng toàn cầu) trở thành ứng dụng được tải xuống nhanh nhất từ trước đến nay. Hiện Threads cán mốc 175 triệu người dùng.
Lợi thế của Threads đến từ việc dễ mở tài khoản và có thể liên kết với nền tảng chia sẻ ảnh Instagram và có thể đăng bài, bình luận ẩn danh.
Với tính năng đăng bài, bình luận ẩn danh, người dùng mạng xã hội có thể vô tư bàn chuyện giới tính, tình dục hay khoe thân một cách thoải mái, thậm chí thả cửa bàn tán, bôi nhọ người này, người kia vô căn cứ… trong số này có không ít người trẻ, bao gồm cả Gen Z.
Cụ thể như sự rò rỉ clip nam sinh một trường THPT trên địa bàn Hà Nội và nữ giáo viên sinh năm 2001 có hành động không đúng mực hay như phát ngôn chưa chuẩn mực của Negav trong một chương trình giải trí… ngay lập tức có hàng loạt các thông tin bôi nhọ vô căn cứ trên Threads. Kèm theo đó là những bình luận hùa theo bất chấp khiến sự việc bị đẩy đi rất xa…
Đầy rẫy thông tin nhảm nhí, thô tục, bôi nhọ người khác trên Threads
Chị Nguyễn Ái Xuân, quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Vì là ứng dụng liên thông và cũng là mạng xã hội hiếm hoi hiện nay không bị làm phiền bởi quảng cáo nên tôi cũng thử dùng xem sao. Nhưng sau khi bị “dội bom” bởi đống thông tin nhảm nhí, tôi cũng đã xóa ứng dụng này”.
Tuy nhiên, đối với những người dùng có đủ nhận thức và lứa tuổi phù hợp mới có nhận định được nội dung mạng xã hội, trong khi với trẻ vị thành niên, trẻ em, những nội dung xấu độc này rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực.
Theo một người am hiểu về mạng xã hội, các nội dung trên những nền tảng trực tuyến có khả năng tiếp cận không giới hạn người dùng, do đó khi trẻ em, trẻ vị thành niên có sử dụng mạng xã hội vô tình tiếp cận những thông tin độc hại như vậy sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro, có thể dẫn tới lệch lạc về tư tưởng.
“Những thông tin hạ thấp, coi thường nữ giới, sử dụng trang phục hở hang, hay miêu tả lại những cảnh rình rò, trộm cắp đồ lót... chắc chắn để lại hậu quả về tư tưởng đối với lứa tuổi nhỏ mới bắt đầu tiếp cận internet”, chuyên gia này nhận định.
Đáng chú ý, người dùng dường như đang “bất lực” trong việc báo cáo những sai phạm về nội dung này lên phía quản trị của mạng xã hội. Vấn đề nhức nhối này cũng đã bị đem ra bàn luận nhiều lần nhưng thường không mang lại kết quả có lợi cho người dùng các nền tảng này.
Thực tế là không ít những người đã từng bỗng dưng trở thành nạn nhân cho hàng loạt các thông tin vô căn cứ khi đối tượng xấu tung tin thất thiệt và cộng đồng mạng thì bình luận theo đám đông khi không cần biết thực hư thông tin ra sao.
Định danh tài khoản mạng xã hội để giảm tình trạng xúc phạm trên mạng
Theo các chuyên gia, lợi dụng việc ẩn danh trên mạng xã hội, người dùng “vô tư” thực hiện các hành vi xấu, thậm chí cả “phạm tội” nhục mạ nhân phẩm người khác… vì không sợ hậu quả, không sợ trách nhiệm. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc định danh tài khoản mạng xã hội (loại bỏ cơ chế ẩn danh) sẽ là công cụ hữu hiệu đưa người dùng thực hiện trách nhiệm của chính mình.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đề xuất tài khoản cần xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội.
Chuyên gia Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC cho rằng, mạng xã hội cũng là một loại công cụ giao tiếp tất yếu khi xã hội phát triển. Do vậy việc chúng ta giao tiếp trên mạng xã hội cũng phải được thực hiện tương tự như khi giao tiếp ở ngoài đời thực, nghĩa là mình cần phải biết mình đang giao tiếp với ai.
“Tôi cho rằng việc xác thực, định danh tài khoản mạng xã hội là rất cần thiết. Xác thực, định danh tài khoản mạng xã hội sẽ giúp bảo vệ tất cả mọi người khi tham gia hoạt động trên môi trường Internet”, ông Trương Đức Lượng nêu quan điểm.
Ông Trương Đức Lượng cũng nhấn mạnh, mọi công cụ, quy định sẽ chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ và quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người dùng mạng xã hội.
“Hiện nay các mạng xã hội đều có nhiều chế độ thiết lập, nên người dùng cần hiểu để thiết lập những chế độ phù hợp và an toàn cho mình. Người sử dụng cũng cần tuân thủ quy tắc giao tiếp văn minh trên mạng xã hội”, ông Lượng cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội xuất phát từ thực tế là hiện nay, nhiều nội dung được coi là vi phạm pháp luật đang xuất hiện khá là tràn lan trên môi trường internet.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người dùng có tâm lý, mạng xã hội không được định danh, nếu có các hành vi vi phạm thì sẽ không ai biết, sẽ khó bị xử lý, dẫn đến thiếu chuẩn mực trong phát ngôn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Đồng cũng cho rằng bởi vì mạng xã hội là một trải nghiệm rất rộng, mặc dù cũng có những yêu cầu, quy định về mặt bảo vệ dữ liệu cá nhân của các nền tảng như vậy. Tuy nhiên khả năng về mặt điều tra, năng lực thực thi pháp luật đối với hàng trăm nghìn, hàng triệu mạng xã hội, nhóm xã hội khác nhau là thách thức lớn.
“Tôi đề xuất rằng chỉ nên xác thực, chỉ nên yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cho các nền tảng mạng xã hội lớn, có quy mô ảnh hưởng lớn, không nên là bắt buộc tất cả mọi nền tảng mạng xã hội. Như vậy, chuyện yêu cầu cung cấp thông tin sẽ giúp cho việc khi lợi ích bị xâm phạm sẽ có hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động liên quan đến tư pháp”, ông Đồng nêu ý kiến.
Thực hiện định danh tài khoản mạng xã hội là một hành trình đầy trở ngại, rất nhiều khó khăn và thách thức – nhưng rất cần phải làm. Việc định danh tài khoản mạng xã hội được thực thi được xem là mấu chốt tạo ra môi trường mạng văn minh, một trong những yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển của đất nước.