Mới đây, đại diện một doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL cho rằng, có 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo. Theo GS, ý kiến này như thế nào?
- Hiện không thể nói 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật được bởi chưa có nguyên cứu nào cụ thể để đưa ra số liệu chính xác như vây. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn phát hiện hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong gạo.
GS Võ Tòng Xuân.
Sao tôi nói là có bởi nếu đi ra đồng ruộng thì sẽ thấy vẫn còn tình trạng nông dân lạm dụng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (trừ các cánh đồng lớn có liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu).
Thông tin có 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo có ảnh hưởng gì đến uy tín của thương hiệu gạo Việt và có tác động gì xấu đến xuất khẩu không, thưa GS?
- Ở đây chúng ta đang nói gạo ăn trong nước, còn gạo xuất khẩu thì đã kiểm tra kỹ về chất lượng, nhất là gạo xuất khẩu sang các thị trường khó tính nên không có chuyện vi phạm an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, khi đưa ra một nhận định có tác động đến một ngành sản xuất thì cần có những căn cứ khoa học.
Theo giáo sư, đâu là nguyên nhân khiến tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong gạo vẫn còn ở một số nơi?
- Hàng chục năm qua, người dân làm lúa liên tục, quen sử dụng phân bón hóa học làm đất trồng lúa bị "chai cứng", hết chất dinh dưỡng, không còn vi sinh vật có lợi sinh sống...
Nên nếu người dân không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật thì cây lúa sẽ bị sâu bệnh, không có năng suất.
Thời gian qua, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không sử dụng phân bón hóa học, thay vào đó là phân vi sinh và phân hữu cơ. Tỉ lệ người dân làm theo khuyến cáo đang tăng lên.
Theo giáo sư, để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp cần có giải pháp gì trong thời gian tới?
- Hiện nay, cả thế giới đang làm là cải thiện độ phì nhiêu của đất lúa thông qua việc sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ. Hai loại này giúp khôi phục lại tình trạng nguyên thủy của đất, trả về đất các chất vi lượng, các loại vi sinh vật, trung hòa các dưỡng chất trong đất, từ đó làm rễ lúa phát triển tốt, có sức kháng sâu bệnh cao, nếu có sâu bệnh thì cũng rất ít, người dân khỏi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ở ĐBSCL đã có rất nhiều công ty, đơn vị ký kết với nông dân làm theo cách này thông qua hợp tác xã. Theo đó, sản phẩm gạo thu được rất ngon, an toàn, giá thành sản xuất thấp hơn do không sâu bệnh (hoặc rất ít) nhưng bán được giá cao (vì không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật) do xuất khẩu được.
Ngành chức năng các địa phương cần nhân rộng cách làm trên, tuyên truyền sao cho người dân hiểu lợi ích của việc bón phân vi sinh, phân hữu cơ cho đất lúa, để tập làm theo, bước đầu làm diện tích ít để cho gia đình ăn, sau đó mở rộng hết diện tích để phục vụ cộng đồng.
Xin cảm ơn giáo sư!