Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp Ảnh: Nguyễn Nam
Ngày 9-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 51 và biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM (Nghị quyết).
Sáp nhập 3 quận để lập TP Thủ Đức
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021. Theo đó, TP HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
Thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết năm 2019, quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước (xét về quy mô, chỉ sau GRDP của Hà Nội, lớn hơn GRDP của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai). Giai đoạn 2016-2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỉ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, từ thực tiễn phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; yêu cầu cần tập trung quản lý nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quận, tạo điều kiện để kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Việc tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp.
Khi thành lập TP Thủ Đức thì TP HCM có thể đóng góp nhiều hơn cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một TP lớn trong khu vực và quốc tế - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.
Ủy quyền đến mức cao nhất cho chủ tịch TP Thủ Đức
Bày tỏ sự ủng hộ mô hình đổi mới "TP trong TP", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng việc đổi mới mô hình quản lý đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân; nâng tầm TP và tạo điều kiện khai thác hết tiềm năng, lợi thế của TP HCM.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình, TP Thủ Đức là trung tâm công nghệ sáng tạo, là cửa ngõ phía Đông để kết nối với khu vực trung tâm kinh tế miền Đông Nam Bộ, quy mô, tiềm năng rất lớn. Ông Phan Thanh Bình đề nghị chính quyền đô thị của TP Thủ Đức cần được giao quyền tương xứng.
Làm rõ thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho hay quá trình xây dựng đề án chính quyền đô thị TP HCM được TP chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều năm, khảo sát, đánh giá nhiều chiều. TP đã tổ chức lấy ý kiến của cử tri tại 51 phường thuộc 8 quận liên quan trực tiếp đến việc sắp xếp trong đề án.
Hầu hết cử tri đều đồng thuận với chủ trương của TP, kể cả đặt tên cho đơn vị hành chính mới là TP Thủ Đức. TP Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Việc thành lập TP Thủ Đức là mô hình TP trong TP trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước, khu vực này kỳ vọng sẽ thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật - xã hội hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và là đòn bẩy góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Về nguồn nhân lực, sau sắp xếp sẽ có hơn 644 cán bộ dôi dư (trong đó cấp huyện là 399 người và cấp xã là 235 người) và TP HCM đã có phương án để giải quyết theo lộ trình 5 năm. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết đến năm 2022 sẽ hoàn thành. TP cũng có kế hoạch đào tạo cán bộ để ít nhất sẽ đạt chuẩn quốc tế ở các ngành nghề như: y tế, du lịch, tài chính ngân hàng, quản lý đô thị…
TP chỉ đạo cho các đơn vị, cơ quan nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công chức, viên chức để tạo sự đồng thuận, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các trường hợp sắp xếp dôi dư. Sau khi QH thông qua nghị quyết về mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM, TP đang lên kế hoạch đầu tư để phát triển 8 trung tâm trọng điểm của TP Thủ Đức.
Về chính sách đối với TP Thủ Đức, TP HCM sẽ chủ động xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức, trình UBTVQH, QH xem xét, quyết định.
Trước mắt, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, TP sẽ chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý điều hành…
"Chúng tôi đã triển khai đề án ủy quyền 85 đầu việc cho chủ tịch UBND các quận, huyện. Sắp tới, khi TP Thủ Đức được thành lập, trên cơ sở Nghị quyết 54, chúng tôi sẽ ủy quyền đến mức cao nhất cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trong khuôn khổ Nghị quyết 54" - Chủ tịch UBND TP HCM nói.
Thành lập TP Phú Quốc
Cùng ngày, UBTVQH đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc thành lập TP Phú Quốc và các phường thuộc TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; các phường thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Theo đó, TP Phú Quốc thành lập trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2021.