Bài viết cho rằng, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ đề ra lộ trình để phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong tương lai, tiếp thêm sức sống cho quan hệ song phương thông qua việc tăng cường tin cậy về chính trị và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi.
Bài báo dẫn lời GS. Shen Yi, công tác tại Đại học Phúc Đán, cho rằng, đối với nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, chuyến thăm bắt đầu hoặc kết thúc một năm thường mang ý nghĩa chiến lược.
Đoàn xe hộ tống Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lăn bánh trên đường phố Hà Nội
“Việc chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến thăm của ông Tập vào cuối năm 2023 truyền tải một thông điệp rõ ràng: Trung Quốc coi trọng các nước láng giềng và những nước đáp lại thiện chí đối với nguyên tắc của Trung Quốc về sự thân thiện, chân thành, cùng có lợi và bao trùm trong quan hệ với các nước láng giềng”, GS. Shen nói.
Bài viết điểm lại chuyến thăm của ông Tập đến Việt Nam vào tháng 11/2015, trên cương vị nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai năm sau, ông Tập thăm Việt Nam vào tháng 11, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau Đại hội Đảng lần thứ XIX mang tính bước ngoặt.
Ngày 31/10/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đón chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm, là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ nước ngoài tới Trung Quốc ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng lần thứ XX.
Chuyên cơ chở Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hạ cánh xuống Sân bay Nội Bài
Bài viết dẫn nhận xét của nhà nghiên cứu Hoàng Việt, giảng viên cao cấp tại Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh: “Quan hệ Việt – Trung có nhiều điểm thuận lợi mà khó nước nào có được”.
Ông Việt cho biết, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có biên giới đường bộ và đường biển nên trao đổi thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân giữa hai nước diễn ra dễ dàng hơn so với các nước có khoảng cách địa lý.
Quan trọng hơn, ông Việt cho rằng, hai bên có kênh trao đổi ổn định, mạnh mẽ và hiệu quả giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trao đổi văn hóa như du lịch, các chương trình du học giữa nhân dân hai nước.
Ngày 11/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước xã hội chủ nghĩa đang trên con đường cải cách và chuyển đổi phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Tăng cường đoàn kết, hữu nghị và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước có lợi cho cả hai bên, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và hơn thế nữa”.
Bà Mao nói thêm rằng việc nâng cao quan hệ song phương là kết quả tất yếu của xu hướng hiện nay.