Thông điệp Iran-Nga-Trung: Tehran không đơn độc, "kiềng ba chân" hùng mạnh đang thành hình ở vùng Vịnh

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ngày 27/12/2019, Iran, Nga và Trung Quốc đã mở một cuộc tập trận hải quân chung mang tên "Vành đai An ninh Hàng hải" kéo dài 4 ngày.

Cuộc tập trận diễn ra trên một khu vực rộng 17 ngàn km2, bao gồm vịnh Oman và phía Bắc Đại Tây Dương, nằm sát eo biển Hormuz là một trong những con đường hàng hải huyết mạch cực kỳ quan trọng đối với thương mại thế giới.

Hàng ngày, ngoài các hàng hóa thông thường, còn có 1/3 nhu cầu tiêu thụ khí hóa lỏng, 1/4 tiêu thụ dầu mỏ của thế giới được vận chuyển qua đây.

Bối cảnh cuộc tập trận

Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Nga, Iran và Trung Quốc. Nga đã đưa các tàu chiến của Hạm đội Baltic tham gia, trong đó có tàu hộ vệ Yaroslav Mudry, và Trung Quốc đưa tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Xining.

Các cuộc tập trận này được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại vùng Vịnh, đặc biệt sau khi Washington siết chặt các biện pháp trừng phạt Tehran, đồng thời điều động một lực lượng quân sự khổng lồ đến khu vực, trong đó có tàu sân bay USS Abraham Lincoln, máy bay ném bom chiến lược B-52, triển khai các đơn vị tên lửa Patriot.... đe dọa tấn công Iran.

Cùng với việc tập trung một lực lượng quân sự lớn đến khu vực, Mỹ đã đề nghị thành lập một Liên minh với sự tham gia của các nước đồng minh dưới sự chỉ huy của Mỹ nhằm đảm bảo "an toàn hàng hải" ở vùng Vịnh, trong khi đó bác bỏ sáng kiến "Liên minh hy vọng" của Iran và đề nghị của Nga về thành lập một "Hệ thống an ninh tập thể" với sự tham gia của các nước khu vực và các bên liên quan, kể cả Mỹ.

Thông điệp Iran-Nga-Trung: Tehran không đơn độc, kiềng ba chân hùng mạnh đang thành hình ở vùng Vịnh - Ảnh 1.

Hình ảnh từ cuộc tập trận ba bên, do hãng thông tấn IRNA (Iran) đăng tải

Mục đích cuộc tập trận

Mục đích cuộc tập trận được cả Iran, Nga và Trung Quốc tuyên bố là nhằm trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động trong cuộc chiến chống khủng bố, cướp biển và đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại khu vực vịnh Oman và Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây các hành động cướp biển tại Ấn Độ Dương giảm đáng kể, đặc biệt ở khu vực phía Bắc và vịnh Oman hầu như không còn nữa, các cuộc tập trận được tiến hành trong bối cảnh như trên và lại ở một khu vực từ trước tới nay hầu như nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của hải quân Mỹ và chỉ cách các căn cứ quân sự của Mỹ có vài trăm dặm, thì ngoài các mục tiêu được công bố công khai, mục tiêu thực sự của nó là nhằm đối trọng với các hành động đơn phương của Mỹ, khẳng định vai trò không thể thiếu được của Nga, Iran và Trung Quốc trong các vấn đề an ninh ở khu vực vùng Vịnh nói riêng và Trung Đông nói chung.

Thông điệp Iran-Nga-Trung: Tehran không đơn độc, kiềng ba chân hùng mạnh đang thành hình ở vùng Vịnh - Ảnh 2.

Tại sao Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này?

Ngoài việc phối hợp với Nga và Iran, tham gia cuộc tập trận này Trung Quốc còn có những mục tiêu riêng. Sáng kiến "Vành đai, con đường" (BRI) do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng là một kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm thiết lập một mạng lưới phát triển kinh tế đa quốc gia gồm hai phần không tách rời: "Con đường tơ lụa trên đất liền" và "Con đường tơ lụa trên biển". Hiện nay, hơn 80% hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và vịnh Oman.

Trên bộ, Bắc Kinh có kế hoạch thiết lập một hệ thống đường sắt xuyên lục địa Á - Âu dài 11 ngàn km nối Trung Quốc với châu Âu. Trên biển, Trung Quốc tập trung xây dựng tuyến giao thông hàng hải đi qua Biển Đông, eo biển Malaca, xuyên Ấn Độ Dương qua Địa Trung Hải tới châu Âu.

Từ đầu năm 2018, các nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc đã hé lộ kế hoạch nước này thiết lập một căn cứ hải quân ở cảng Gwadar của Pakistan, bên cạnh cơ sở quân sự đã đi vào vận hành tại Djibouti. Nhiều tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã cập cảng Karachi, Colombo, Ấn Độ, một số nước vùng Vịnh và châu Phi.

Thông điệp Iran-Nga-Trung: Tehran không đơn độc, kiềng ba chân hùng mạnh đang thành hình ở vùng Vịnh - Ảnh 3.

Việc Trung Quốc lần đầu tiên tham gia tập trận chung với Nga, Iran và kế hoạch đầu năm tới tập trận chung với Tanzania là nằm trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, phục vụ lợi ích của mình và đảm bảo thực hiện việc xây dựng con đường tơ lụa trên biển.

Các cuộc tập trận này và kế hoạch xây dựng hàng chục căn cứ quân sự ở nước ngoài trong tương lai, Bắc Kinh muốn khẳng định sức mạnh quân sự và vai trò cường quốc của minh trong các vấn đề quốc tế.

Có thể nói, một trung tâm quyền lực mới đang được hình thành, trong đó Nga, Trung Quốc là hai thành viên thường trực Hội đồng Bảo An, Iran là một trong những cường quốc kinh tế và quân sự ở khu vực.

Trong tình hình như vậy, Mỹ không thể ép và cô lập Iran và càng không thể trừng phạt Nga và Trung Quốc. Vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực không thể thể thiếu được vai trò của của Nga, Trung Quốc và Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại