Thông điệp đằng sau quyết định kiện Trung Quốc lên WTO của Australia

Việt Nga |

Việc kiện lên WTO cũng là cách mà Australia cho Trung Quốc thấy rằng, nước này không thể lấy vấn đề kinh tế-thương mại làm "con tin" để buộc Australia phải hành xử theo cách mà Trung Quốc muốn.

Quan hệ Australia-Trung Quốc đang ở mức xấu nhất trong hàng chục năm qua. Nguồn ABC

Quan hệ Australia-Trung Quốc đang ở mức xấu nhất trong hàng chục năm qua. Nguồn ABC

Hôm qua (16/12), Australia thông báo sẽ đưa vụ Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với lúa mạch nhập khẩu của nước này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mặc dù đây là một quyết định trong lĩnh vực thương mại song nó lại ẩn chứa nhiều thông điệp.

Quan hệ thương mại gữa Australia và Trung Quốc gặp nhiều trở ngại trong năm nay mà mở màn bằng việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên tới 80,5% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Tiếp sau quyết định này, Trung Quốc đưa ra hàng loạt rào cản thương mại chính thức và không chính thức với nhiều hàng hóa Australia như thịt bò, thịt cừu, bông vải, tôm hùm, gỗ, rượu vang, than đá…

Mặc dù Trung Quốc liên tiếp đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng này từ Australia song trong nhiều tháng, Australia không trả đũa. Và việc kiện Trung Quốc lên WTO là hành động đáp trả đầu tiên mà Australia đưa ra sau nhiều tháng Trung Quốc ngắt kết nối với Australia bất chấp nhiều lần nước này kêu gọi Trung Quốc đối thoại trực tiếp. Đây cũng là lần đầu tiên Australia kiện Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này lên WTO.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho rằng, nước này không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc đưa Trung Quốc lên WTO bởi nước này từ chối đối thoại trực tiếp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực để Trung Quốc quay trở lại đàm phán thì quyết định kiện cũng là thông điệp gửi đến Trung Quốc rằng Australia không chấp nhận để Trung Quốc “bắt nạt” mà nước này sẽ tìm mọi cách để bảo vệ lợi ích của mình.

Kiện Trung Quốc lên WTO cũng là cách mà Australia cho Trung Quốc thấy rằng, nước này không thể lấy vấn đề kinh tế-thương mại làm "con tin" để buộc Australia phải hành xử theo cách mà Trung Quốc muốn. Bằng việc đưa vụ việc ra WTO, Australia muốn Trung Quốc thấy rằng, dù là đối tác thương mại lớn nhất, nhập khẩu tới 40% hàng hóa của Australia với tổng kim ngạch 2 chiều năm 2019 đạt 252 tỷ USD thì Trung Quốc cũng không thể ép Australia nhắm mắt làm ngơ và để nước này muốn làm gì thì làm.

Trong lúc Trung Quốc liên tiếp đưa ra các rào cản thương mại đối với hàng hóa Australia thì dư luận Australia xuất hiện không ít quan điểm cho rằng Trung Quốc đã chọn Australia để làm phép thử phản ứng của các nước phương Tây trước cách hành xử lấn lướt dựa trên thế mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, phản ứng của Australia cũng là thông điệp cho thấy, dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là thị trường khổng lồ đối với hàng hóa các nước thì các nước phương Tây cũng không bao giờ chấp nhận cách hành xử này của Trung Quốc.

Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ở mức xấu nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972. Trong bối cảnh này việc Australia kiện Trung Quốc lên WTO cho thấy đến thời điểm hiện tại chưa bên nào muốn xuống thang trước. Vì vậy, có thể thấy, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc chưa thể sớm lắng dịu trong thời gian tới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại