Thời xưa chữa cháy thế nào?

Lê Tiên Long |

Trị lụt, cứu hỏa là những việc cần kíp, liên quan đến tính mạng nhân dân nên thời xưa, vua cũng đích thân chỉ đạo.

Như thời Trần, vua Trần Thánh Tông đích thân đi xem xét việc chữa cháy khi có hỏa hoạn ở kinh thành Thăng Long, hay thời Nguyễn, vua Minh Mạng cũng từng đem thị vệ đi dập lửa khi xảy ra cháy ở trại lính.

Việc vua Trần Thánh Tông đi chữa cháy diễn ra năm 1278, được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi chép với câu chuyện về tài trí của viên Nội thư gia (nhân viên trong văn phòng của nhà vua) là Đoàn Khung.

Đó là khi nhà vua muốn xem người nào có công chữa cháy trước, thì Đoàn Khung ngay lập tức có đáp án, qua lời tâu rằng: “Thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết”.

Qua lời tâu này, vua Trần Thánh Tông xác nhận Đoàn Khung là giỏi, nên lưu ý đề bạt để sử dụng. Sang đến đời vua Trần Anh Tông, Đoàn Khung được làm Kiểm pháp quan.

Còn sự việc vua Minh Mạng dẫn thị vệ đi dập lửa diễn ra ngay trong năm đầu tiên nhà vua lên ngôi (1820). Năm đó, theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, trong tháng hè xảy ra vụ cháy nhà quân Tiền Phong, nhà vua đích thân đem quân thị vệ đến dập lửa.

Sau đó, có vụ phố dài phía chính Nam ở trong kinh thành Phú Xuân bị cháy tới 200 hộ. Vua Minh Mạng dụ sai cứ một gian nhà bị cháy thì cấp cho 2 quan tiền; bất luận đàn ông, đàn bà, người lớn, trẻ con, mỗi nhân khẩu cấp 1 phương gạo; người bị thương thì cho 2 quan, chết thì 3 quan, lấy lệ này để từ đó hễ nhân dân có gặp tai nạn thì chiếu cấp.

Lệ này không áp dụng với nhà nào phát hỏa đầu tiên, vì coi họ là nguyên nhân của vụ việc. Quân hay dân phạm tội gây cháy thì viên đề đốc Kinh thành theo luật mà xử; quan viên mà phạm thì tâu xin phân xử.

Trước thời Nguyễn, từ thời Lê, hình luật của nhà nước đã có những quy định chặt chẽ về phòng hỏa và xử lý việc gây hỏa hoạn.

Bộ hình luật triều Lê mang tên “Quốc triều hình luật”, hay còn gọi là Luật Hồng Đức, trong chương Tạp luật, Điều 617 quy định: “Trong kinh thành mà để xảy ra hỏa hoạn, cháy nhà mình thì xử phạt 80 trượng, cháy lan sang nhà người, thì xử phạt 80 trượng, bêu trước dân chúng 3 ngày và phạt tiền 10 quan sung công.

Ở hương thôn thì được giảm tội một bậc. Ở trong cấm thành nếu cháy lan đến tôn miếu, cung điện và các kho tàng thì xử tội lưu. Cố ý đốt nhà thì xử tội như cướp”.

Tuy nhiên, luật thời Lê cũng châm chước cho nhà bị cháy đầu tiên, rằng “nếu bị kẻ gian phóng hỏa, thì miễn tội”.

Về phòng hỏa, Điều 609 Luật Hồng Đức quy định: “Trong các kho tàng cấm đốt lửa, trái luật xử tội biếm (giáng chức) hay tội đồ (nhốt làm lao dịch)”.

Còn về chữa cháy, Điều 610 viết rằng: “Người thấy lửa bốc cháy, nên đi báo mà không đi báo, nên đến cứu mà không đến cứu, thì xử nhẹ hơn tội đánh cháy 2 bậc. Những quan quân canh giữ cung điện, kho tàng và viên giữ tù, đều không được rời khỏi chỗ mà đi cứu lửa; trái luật thì xử phạt 80 trượng”.

Các điều luật này cũng được duy trì trong bộ hình luật của triều Nguyễn là bộ “Hoàng Việt luật lệ”, hay còn gọi là Luật Gia Long.

Phần Tạp phạm trong “Hoàng Việt luật lệ” cũng có 2 điều về phòng hỏa và xử tội phóng hỏa, là Điều 346 (Tội mất phòng bị lửa cháy) và Điều 348 (Ném lửa cố ý đốt nhà cửa người ta), với án phạt rất nặng, như với tội cướp của.

Chính sử triều Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục”, cho biết sau vụ cháy kéo dài hơn 10 ngày ở Bắc Thành (Hà Nội ngày nay) năm 1828 làm cháy hơn 1.430 nóc nhà của 27 thôn phường, nhiều người bị thương chết, thì ngoài việc cấp tiền, thóc cho các gia đình bị cháy nhà, cấp tiền cho những nhà có người chết và bị thương, triều đình nhà Nguyễn đã trị tội nhà phát hỏa đầu tiên bằng cách bắt chủ nhà làm binh.

Lần xảy ra hỏa hoạn làm cháy nhà dân ở ngoài kinh mùa Hạ năm Minh Mạng thứ 11 (1830), nhà vua đã ngự lên Nam đài để quan sát và sai Thống chế Nguyễn Tăng Minh đem quân đi chữa cháy, nhờ đó chỉ một lát lửa đã tắt.

Sau vụ cháy này, nhà vua lập tức cho định lại lệ cứu hỏa trong, ngoài kinh thành.

Theo đó, phàm nhà dân bị cháy, ở trong thành người ứng trực trên kỳ đài trông thấy thì lập tức lấy ống hiệu kêu gọi. Cột cờ trên kỳ đài, cũng như các cột cờ ở cửa thành đều chiếu theo hiệu lệnh ngày đêm mà kéo cờ treo đèn. Thấy hiệu lệnh này, viện Thượng tứ phải lập tức phái lính cưỡi ngựa đi thám thính, biền binh đi cứu hỏa và các cửa đều theo lệ cũ mà đóng mở.

Nếu cháy ở ngoài thành, chỗ kho gỗ ở đầu quách, mặt trước thành, hoặc ở phụ quách chỗ xưởng đóng thuyền ở bờ bên Nam sông Hương đều chiếu theo lệ cứu hỏa trong thành. Cháy phụ quách ở 3 mặt tả, hữu, hậu thì trên kỳ đài chỉ cần đi thám thính theo lệ tâu lên, không phải kêu gọi hoặc kéo cờ, treo đèn và đóng kỹ cổng thành.

Nếu trong thành hoặc phụ quách ngoài thành bị cháy thì quan phủ Thừa Thiên phải đích thân đốc sức dân binh chữa cháy.

Nếu ở chỗ ngoài thành hơi xa thì phủ Thừa Thiên được phái phủ thuộc, quan phủ thừa không cần phải thân hành.

Trong thành bị cháy 3 nhà trở lên thì phái viên của Thừa Thiên và thị vệ phái đi cứu hỏa đều phải làm phiếu tâu lên. Cháy không đến 3 nhà thì chỉ viết bài trình bày.

Cháy ở ngoài thành lan ra nhiều nhà hoặc đến chết người thì mới phải làm phiếu tâu, còn hỏa hoạn nho nhỏ thì không cần.

Đặc biệt, từ thời vua Minh Mạng, đã chế tạo ra xe chữa cháy đơn giản. Đó là vào năm 1834, nhà vua khoe với bầy tôi về chiếc xe chữa cháy rằng: “Nếu dùng xe này chữa cháy thì đỡ tốn sức mà lửa nào cũng phải tắt”.

Sau đó, vua sai đem xe ra cho bầy tôi xem. Cách thức hoạt động của xe chữa cháy được sử nhà Nguyễn ghi lại như sau: “Nước chứa vào trong một cái thùng, trong thùng làm một cái máy đẩy nước (bơm tay). Lấy da cuộn thành một cái vòi tròn mà dài. Khi chữa cháy, 4, 5 người kéo xe, một người cầm cái sào dài buộc vòi da vào đầu sào giơ lên; 4 người theo hai bên xe vặn máy, thì nước trong thùng chạy qua vòi da tuôn lên như mưa”.

Tuy nhiên, bộ sử này không ghi rõ hiệu quả hoạt động của xe chữa cháy này trong vụ hỏa hoạn cụ thể nào cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại