Muốn mua nhưng không sẵn tiền mặt
Ghi nhận cho thấy, không ít nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội của thị trường BĐS nhưng không sẵn tiền để mua vào.
Nhóm anh T, ngụ Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) là các nhà đầu tư lâu năm. Hiện tài sản của anh T gần như “nằm trong đất”. Dù nắm được các nguồn hàng tốt, giá rẻ, thậm chí mức giá giảm gần 50% so với giá thị trường, nhưng nhóm đầu tư này cũng chỉ biết ngồi nhìn.
“Vì nguồn hàng của mình chưa bán được nên không có dòng tiền mặt để tái đầu tư hoặc làm bất cứ việc gì ở giai đoạn này. Nhìn thấy cơ hội mua 1 lời 3 nhưng cũng đành chịu”, anh T cho hay.
Cùng tình cảnh, vốn là nhà đầu tư xông xáo với phân khúc đất nền, anh D, hiện đang sống tại Q.7, Tp.HCM chỉ mong có tiền để mua được hết hàng ngộp của anh em trong ngành bán ra. Trong đó có những mảnh đất vị trí đẹp, nếu ở thời điểm bình thường không bao giờ có mức giá đó.
Thế nhưng, bản thân anh D cũng đang phải nghĩ cách bán được sản phẩm của mình thì mới có dòng tiền. So với những nhà đầu tư ra hàng ngộp, anh D may mắn hơn vì sử dụng đòn bẩy tài chính ít khi đầu tư BĐS. Vì thế, hiện tâm trạng của anh chủ yếu là mong có tiền mặt để tiếp tục ôm vào các sản phẩm tiềm năng, giá rẻ do nhà đầu tư ngộp tài chính bán lại.
Nhiều nhà đầu tư sẵn tiền mặt vẫn âm thâm gom BĐS
Như vậy để thấy, nhu cầu về BĐS vẫn còn trên thị trường nhưng không phải ai cũng có tài chính hoặc nhìn ra cơ hội. Đa số nhà đầu tư hiện nay là “có tài sản nhưng không có tiền mặt”.
Dù họ biết, cơ hội để hưởng chênh lệch là khá lớn khi thị trường phục hồi. Tuy nhiên, để tiếp cận dòng vốn vay ôm BĐS thời điểm này không hề dễ dàng. Theo đó, dù nhìn thấy cơ hội, nhiều nhà đầu tư cũng đành ngậm ngùi vì không sẵn tiền mặt.
“Thời tới” cho người sẵn tiền?
Có thể thấy, tình trạng rao bán cắt lỗ đang diễn ra trên diện rộng thị trường BĐS. Đi cùng với động thái muốn thoát hàng sớm thì có bộ phận nhà đầu tư vẫn tranh thủ cơ hội này để “thu gom” BĐS. Đặc biệt, các BĐS có vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá cao.
Ghi nhận cho thấy, nhiều BĐS tại các điểm nóng trước đó có tốc độ tăng giá nhanh đang có xu hướng giảm giá. Trên thị trường thứ cấp xuất hiện ngày càng nhiều thông tin rao bán bất động sản cắt lỗ hoặc cắt lãi.
Theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, với những diễn biến hiện tại, rõ ràng thị trường BĐS đang tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và mua ở cho những ai có tiền mặt, sẵn sàng chọn các dự án có pháp lý hoàn chỉnh.
Còn theo TS Sử Ngọc Khương, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ phải tìm cách đẩy hàng ra, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn dòng tiền hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ thấp.
Vị này cho rằng, hiện nguồn cung mới BĐS vẫn khan hiếm. Về dài hạn, giá BĐS vẫn tăng, cơ hội cho nhà đầu tư đi trước một bước.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, dòng vốn vào thị trường BĐS gặp khó và lãi suất tăng đang khiến nhiều nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Trong khi nhiều người đang gặp khó khăn do không vay được vốn từ ngân hàng.
Theo đó, trong bối cảnh lạm phát và lãi suấ t đang tăng, ông Đính khuyên nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Và nếu chọn được đúng phân khúc chất lượng và khả năng sinh lời cao thì phải nghiên cứu kỹ trước khi xuống tiền.
Theo các chuyên gia, dù bối cảnh nào, lợi thế cũng nghiêng về các nhà đầu tư sẵn tiền mặt. Họ không bị áp lực và chạy theo biến số của thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian giữ BĐS sẽ được lâu, mức chênh lệch trên tài sản sẽ cao. Thực tế, có nhiều nhà đầu tư giữ tài sản qua các đợt sốt đất, và hiện mức tăng giá lên gấp 3-6 lần là điều dễ hiểu.
“Lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư càng phải đề cao việc đầu tư dài hạn. Để đầu tư được trung – dài hạn thì phải cân đối được dòng vốn vay. Với bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư”, một chuyên gia trong ngành dành lời khuyên.