Chỉ mới đầu mùa đông nhưng phần lớn châu Âu đã chìm trong tuyết trắng, có nơi đã ghi nhận lượng tuyết rơi kỷ lục ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Tại Munich, thành phố lớn thứ ba của Đức, tuyết rơi dày gần 1,5 mét vào cuối tuần qua, lập kỷ lục trong các tháng 12 của mùa đông. Đây cũng là trận bão tuyết lớn nhất tại thành phố này kể từ tháng 3/2006. Cả ga tàu và sân bay phải ngừng hoạt động, hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt. Nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ đã xảy ra khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Chị Katja Solska - Thành phố Munich, Đức: "Tôi sống ở đây 5 năm rồi mà chưa từng bao giờ thấy tuyết nhiều đến thế".
Tuyết rơi dày cũng tràn qua nhiều vùng của Nga. Tại thủ đô Thủ đô Moscow chỉ trong 1 ngày đầu tháng 12 đã ghi nhận lượng tuyết rơi cao gấp 4 lần so với mức trung bình. Đây là lần đầu tiên sau 70 năm lượng tuyết rơi đầu mùa đã đạt ở mức giữa mùa đông. Chính quyền thành phố đã phải huy động hơn 18 nghìn thiết bị đặc biệt và 135 nghìn nhân viên để xử lý tuyết.
Bà Vera - Người dân Moscow, Nga nói: "Tôi còn nhớ lần tuyết rơi nhiều như thế này chính xác là cách đây 50 năm, khi ấy tôi sinh con trai tôi. Giờ nó vừa tròn 50 tuổi".
Đầu tháng 12, tuyết cũng đến sớm và dày bất ngờ ở Anh, hơn 200 xe đã bị mắc kẹt trên đường tại Cumbria, nhiều lái xe phải tìm nơi trú ẩn hoặc qua đêm trong ô tô. Cơ quan khí tượng Anh phải phát cảnh báo màu vàng do băng, tuyết.
Giao thông ở Cộng hòa Czech cũng bị tắc nghẽn nghiêm trọng vào cuối tuần qua do tuyết rơi quá nhiều, có nơi tuyết dày tới 75cm. Các phương tiện phải đối mặt với tình trạng chậm trễ và hủy chuyến, bao gồm cả sân bay Praha. Hơn 15.000 hộ gia đình mất điện.
Theo các chuyên gia, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể khiến tần suất có tuyết ít hơn nhưng lượng tuyết rơi nhiều hơn.
Người đàn ông này xối nước lên đầu cho mát tại bãi biển Tamarama ở Sydney - Ảnh: EPA
Nhiệt độ thành phố Sydney cao nhất trong ba năm
Nắng nóng đã bao trùm vùng bờ biển phía Đông Australia từ sáng nay và đẩy nhiệt độ tại thành phố Sydney lên mức cao nhất trong ba năm.
Theo số liệu của cơ quan thời tiết, nhiệt độ tại trạm thời tiết ở trung tâm thành phố Sydney đã lên tới 38,9 độ C - mức cao nhất kể từ tháng 11/2020. Tại thị trấn Penrith, phía Tây thành phố Sydney, nhiệt độ đã lên tới 41,4 độ C.
Các bãi biển tại Sydney đã chật kín người do người dân muốn hạ nhiệt trong những ngày nắng gắt. Nhà chức trách cảnh báo những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người lớn tuổi và trẻ em, cần dùng quạt, điều hòa, hoặc đến các tòa nhà mát mẻ để tránh nóng.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhận định, thời thiết khắc nghiệt này có liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi người dân giữ sức khỏe.