Dù chỉ mới ra đời không lâu, thế nhưng livestream đã dần trở thành chức năng được rất nhiều người yêu thích vì sự tiện dụng và hợp thời.
Chưa bao giờ việc kết nối hay tìm hiểu một người lại có thể trở nên dễ dàng như thế, chỉ cần ai đó vừa bắt đầu phát trực tiếp là cả trăm người lại ùn ùn kéo vô xem.
Tuy nhiên, dù sở hữu những tính năng và sự tiện dụng không thể chối cãi nhưng càng ngày livestream càng trở nên biến tướng trước sự "sáng tạo" quá đà của những người sử dụng chúng.
Trên thế giới đã có không ít những trường hợp livestream bị sử dụng cho những mục đích tiêu cực khiến cả thế giới phẫn nộ, thậm chí ám ảnh.
Vào cuối tháng 7 vừa rồi tại Mỹ, một bà mẹ đã khiến nhiều người bàng hoàng khi thản nhiên livestream cảnh đánh đập con mình trên Facebook.
Thậm chí kinh khủng hơn, cách đây gần một tháng, một nam thanh niên người Thái đã kết liễu đời mình bằng một khẩu súng, đồng thời quay trực tiếp cảnh tự tử trên mạng xã hội Facebook, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên có người tự kết liễu đời mình trước hàng ngàn người xem qua livestream như vậy.
Trong đoạn phát trực tiếp trên Facebook vào giữa tháng 10/2016, một chàng trai tên Erdogan Ceren, 22 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ đã cầm một khẩu súng và tự bắn vào ngực mình. Sau một lần bắn hụt, anh chàng đã kết liễu cuộc đời bằng một phát súng tiếp đó.
Và tới giờ, ngay ở Việt Nam, livestream cũng trở thành một trong những chủ đề được bàn tán và gây tranh cãi nhất, khi việc sử dụng chức năng này đã không còn dừng lại ở ghi lại những hoạt động ngày thường vô thưởng vô phạt cho vui, hay cũng không chỉ đơn giản là những màn khoe cơ thể, làm trò gì đó lố lăng câu like đáng lên án.
Khi nội bộ gia đình được "phát sóng" trực tiếp trên Facebook
Những chuyện lục đục cãi vã trong gia đình trước đây vốn dĩ được coi là chuyện "đóng cửa bảo nhau", hay với ai cùng quẫn lắm bức xúc lắm cũng chỉ dám "phô bày" trên MXH bằng lời kể lại, thì nay với công cụ livestream, nó đã được "phát sóng" trực tiếp trước bao người dùng Facebook.
Đang cãi vã ra sao, đánh ghen thế nào, hay thậm chí là đang nằm trong viện vì "tự tử hụt", thiên hạ cũng được tỏ tường hết, luôn và ngay.
Mới đây nhất, câu chuyện của hotgirl Lâm Á Hân livestream lại cảnh cãi nhau với chồng mình đang xôn xao. Mục đích của hotgirl này chỉ là để hàng nghìn người có thể thấy được cuộc cãi vã của cô và chồng mình, dẫn đến kết cục ly hôn của cả hai.
Người xem được chứng kiến toàn bộ những thông tin chi tiết nhất từ cặp đôi này, từ nợ nần ai bao nhiêu, kinh doanh làm ăn thế nào cho đến những lời lẽ không hay ho nhất đều được phơi bày hết trước mâm để bàn dân thiên hạ cùng nhau vào bình phẩm.
Những hình ảnh khi Á Hân và Phạm Hồng Hải còn hạnh phúc bên nhau.
Đoạn livestream này ngay sau khi xuất hiện đã thu hút hơn 500k lượt xem chỉ trong một thời gian ngắn.
Cũng liên quan đến tình cảm hôn nhân gia đình, thiếu gia Minh Nhựa với màn livestream trên giường bệnh vào tháng 8 vừa qua cũng khiến nhiều người bàn tán.
Bởi vốn dĩ mọi người chỉ quen với kiểu than vãn bằng cách post bài viết, status trên Facebook cá nhân, nhưng "truyền hình trực tiếp" tình trạng hiện tại của chính mình rồi kể hết chuyện yêu đương để níu kéo vợ con, thì chưa từng có tiền lệ.
Trong đoạn clip livestream trực tiếp trên Facebook cá nhân, thiếu gia Minh Nhựa cố gắng nói một cách khó khăn mong muốn gia đình và mọi người tìm giúp vợ và các con về bên anh.
Bên cạnh đó, anh không ngừng gọi tên vợ mình, mong muốn vợ quay về đồng thời nhắc lại những kỉ niệm cũ, những lần được vợ chăm sóc.
Minh Nhựa cũng chia sẻ số thuốc ngủ vợ để lại dặn anh chỉ uống 3 viên tuy nhiên anh đã uống hết nhằm tự tử nhưng mọi người đã phát hiện và đưa anh đi cấp cứu.
Có rất nhiều người nhìn ra được xu hướng livestream chuyện nội bộ gia đình như thế này bắt nguồn từ đâu. Hotgirl Á Hân, Minh Nhựa hay một người nổi tiếng có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng đều muốn sự chứng kiến của số đông sẽ giúp mình làm áp lực cho đối tượng mình muốn nhắc đến, chứ không đơn thuần là sự chia sẻ.
Những người hay livestream biết rằng, có hàng nghìn con người đang online ngoài kia sẵn sàng chú tâm đến chuyện riêng tư gia đình của một người xa lạ và sẽ bỏ thời gian để xem hết màn livestream của mình.
Tương tự như thế, có rất nhiều Facebook-er vẫn ngày ngày livestream chỉ để lôi hết chuyện lục đục nội bộ gia đình ra phơi bày trước hàng trăm người đang theo dõi mình trực tiếp.
Những cô vợ mắng chửi chồng vô tâm và gọi các chị em phụ nữ vào like, comment để tạo khí thế. Thậm chí, chuyện mình bị "cắm sừng", chồng đối xử tệ bạc, ngoại tình cũng được một bà vợ livestream nhiều tập trên trang cá nhân.
Và nỗi day dứt đằng sau các đoạn clip livestream cảnh gia đình lục đục...
Không phải câu chuyện gia đình nào được "phát sóng trực tiếp" cũng có thể dễ dàng nói lời phản đối hay ủng hộ.
Vì có những video livestream lại như ẩn chứa trong đó bao uất ức dồn nén bấy lâu và nó khiến người xem vừa thương cảm, vừa bối rối vì không biết phải khuyên nhủ, cảm thông hay chia sẻ thế nào.
Cũng không biết nên khuyên họ xóa clip đi hay là cứ để yên đó, để bạn bè và mọi người xung quanh đều hiểu được họ đang ở tình trạng tồi tệ thế nào.
Livestream khi đó trở thành sự cộng hưởng của sự giận dữ bùng phát và cả mong muốn được cho mọi người ngay lập tức thấy được "bộ mặt thật" của những người làm họ đau khổ.
Chính tôi đã từng vì vô tình mà xem được đoạn clip như thế.
Một cô con dâu vốn dĩ rất học thức và bình thường vui vẻ, lạc quan, nhưng trong một phút quá đau khổ và giận dữ vì bị bố mẹ chồng mắng chửi mạt sát, khóa cửa không cho vào nhà, đã phơi bày tất cả bằng nút livestream trên Facebook.
Cảm giác của tôi lúc đó là vừa ngỡ ngàng lại vừa thương cô ấy vô cùng.
Dường như ở thời điểm ấy, nói gì cũng rất khó, bởi tất cả đều không ở trong hoàn cảnh của người phụ nữ đó.
Vài ngày sau, cô ấy xóa đoạn clip đi. Nhưng chắc chắn câu chuyện gia đình của cô ấy thì sẽ khó có thể "gắn lành" lại, vì ai cũng đã hiểu hóa ra cô ấy đang phải chịu đựng những gì.
Vậy nên chỉ biết rằng, thời đại livestream, bỗng dưng những câu chuyện vợ chồng, gia đình lục đục lại có cơ hội được lên sóng nhanh hơn bao giờ hết, đến với nhiều người nhanh hơn bao giờ hết.
Ranh giới của những chủ đề nên giấu đi để bảo nhau hay bày ra để tìm niềm đồng cảm, cũng trở nên nhập nhằng...