Đó là thời kỳ thịnh trị của vua Mạc Thái Tông, tên thật là Mạc Đăng Doanh. Ông là vua thứ hai của triều Mạc, con trai của vua Mạc Thái Tổ.
Khi mới lên ngôi, Mạc Thái Tông thấy trong nước nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm dân các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và binh khí đi ngoài đường. Người trái lệnh sẽ bị trị tội. Từ đó, những người buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Điều này giúp quân triều đình trấn áp được trộm cướp.
Đánh giá về thời kỳ của ông, sử gia Lê Quý Đôn viết trong sách Đại Việt thông sử rằng: "Trong vài năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm lại" .
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư cũng ghi nhận thời thịnh trị của Mạc Thái Tông: ''Ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên'' .
Mạc Thái Tông được xem là ông vua có nhiều đóng góp to lớn trong việc trị nước. Là người chú trọng khoa cử, đều đặn 3 năm, ông mở một khoa thi để tuyển chọn người tài. Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Hoàng Sầm là 4 vị trạng nguyên thi đỗ dưới triều Mạc.
Năm 1540 Mạc Thái Tông qua đời. Vua mất, con trưởng là Mạc Phúc Hải lên ngôi.
10 năm ở ngôi vua, Mạc Thái Tông giúp Đại Việt có giai đoạn thịnh trị ngắn ngủi sau thời kỳ loạn chiến thời Lê Sơ. Đánh giá về vua Mạc Thái Tông, các nhà sử học sau này, dù không mấy ủng hộ nhà Mạc, cũng phải ghi nhận đây là thời kỳ thịnh vượng, quốc thái dân an.