Chỉ vài năm trước, đất quê bất ngờ tăng giá chóng mặt. Những lô đất nằm hoang hoá bên đường, trên cánh đồng ruộng thêng thang hay nằm trên quả đồi bạt ngàn cây và cỏ xanh bỗng lại "đắt giá" khi nhiều nhà đầu tư đổ về săn mua.
Một nhà đầu tư tên Tiến (TP.HCM) chia sẻ rằng, năm 2015, anh từng mua lô đất tại Lâm Đồng với giá 2,5 tỷ đồng, diện tích gần 10.000m2. Đến năm 2021, lô đất này được định giá lên tới 20 tỷ đồng, tức tăng 8 lần. Đến đầu năm 2022, nhà đầu tư này rao bán 25 tỷ đồng lô đất trên. Thế nhưng, đúng thời điểm thị trường bắt đầu tín hiệu trầm lắng, đến hiện tại, lô đất này vẫn nằm trong tình trạng “án binh bất động”. Hiện tại, anh Tiến chờ thị trường hồi để bán được giá như kỳ vọng.
Tuy nhiên, ngoài lô đất này, nhà đầu tư Tiến tiết lộ, một số lô đất mua tại Lâm Đồng trong giai đoạn 2018-2021 đều gấp 2, gấp 3 lần. Những lô đất bán trong năm 2020-2021 đều có lời. Chỉ tồn 1 số lô đất dự tính bán trong năm 2022 đều bị “kẹt” do thị trường khó khăn.
Đất quê bất ngờ tăng giá mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Khi nhắc về giá đất quê, bà Nguyễn Mừng (Hải Dương) vẫn không ngừng tiếc nuối. Bà kể, năm 2009, lô đất ở khu đô thị Nam Cường, thành phố Hải Dương từng bán với giá khoảng 200 triệu đồng. Thời điểm đó, dù từng được giới thiệu mua suất ưu đãi nhưng gia đình bà không mặn mà. Đến hiện tại, lô đất này tăng giá tới 4-5 tỷ đồng.
Hay như lô đất nằm trên trục đường chính xã của huyện, mặt tiền 5m, rộng hơn 200m2, từng bán với giá khoảng 120 triệu đồng năm 2014. Nhưng đến nay, lô đất này có giá 3 tỷ đồng vì nằm ở vị trí có thể buôn bán kinh doanh.
Bà Mừng kể: “Thời điểm 2020-2021, dân ở các tỉnh về quê “ôm” đất rất nhiều. Họ còn tranh nhau mua đất đấu giá. Đất quê bất ngờ có giá trị. Mấy lô đất nằm sát ven đê, hay cánh đồng từng tưởng “bỏ hoang”, bán rẻ không ai mua cũng lại có giá. Đúng là thời bây giờ, tấc đất tấc vàng”.
Thế nhưng, đến giữa năm 2022 trở lại đây, theo bà Mừng, giá đất quê chững lại. Một số người “ôm” đất quê rao bán nhưng không ai mua, nhất là những lô đất không nằm sát trong xóm cư dân, nơi hoang vắng.
“Một người quen của tôi bán lô đất hơn 200m2, trên có nhà xây tạm cấp 4, giá 350 triệu đồng mà rao gần 1 năm nay vẫn không ai mua. Nhưng những lô đất có thể kinh doanh, dọc trục xã chính vẫn đắt, chỉ giảm nhẹ”, bà Mừng nói.
Tình trạng này tương tự ở rất nhiều làng quê tại các tỉnh. Trào lưu về quê “săn đất”, “ôm đất” đã không còn bùng nổ. Thậm chí, những cuộc đấu giá đất trước đây từng thu hút hàng trăm bộ hồ sơ giờ cũng rơi vào tình trạng vắng lặng.
Ông Trần Minh, nhà đầu tư hơn 10 năm kinh nghiệm hiện là CEO sàn bất động sản cho rằng đất quê tăng giá mạnh về khởi điểm loại hình này giá rẻ. Nhưng tăng giá chỉ diễn ra thời điểm sốt nóng. Hiện tại, đất quê chững là điều hiển nhiên khi phần lớn mọi người mua đầu cơ. Ở khu vực dân cư thưa thớt, dân số ít, không có sức bật về hạ tầng, khả năng “hồi” lại giá rất khó. Thanh khoản của loại hình này cũng thấp, thậm chí còn ế lâu dài.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, sẽ khó quay trở lại thời điểm giá đất tăng bằng lần. Nếu như trước đây, nhiều người đầu tư theo cách mua gom đất, bỏ đấy chờ tăng giá rồi bán kiếm lời. Thì từ 2023 trở đi, nhà đầu tư sẽ phải tính toán đến tính thanh khoản, khai thác của bất động sản. Tức là nhà đầu tư sẽ nghiên cứu xem bất động sản đó có ở, cho thuê được không trước khi xuống tiền.