Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn?

ZKnight |

Một đứa bé, với rất ít ký ức tự truyện sẽ sống liên tục trong hiện tại. Chúng không thể tưởng tượng ra được bản thân trong một tương lai khác biệt, nơi một số thứ hoặc thậm chí là tất cả mọi thứ sẽ thay đổi.

Những ngày đầu tiên của năm 2020, “thời gian” có lẽ là khái niệm đang được mọi người nhắc đến nhiều nhất. Mười năm vừa rồi bạn đã làm được những gì, đã bỏ lỡ điều gì và có cảm thấy tiếc nuối?

Một thực tế phũ phàng là thời gian đã trôi qua không thể lấy lại được, cho dù đó chỉ là 1 tiếng đồng hồ hay cả một thập kỷ. Hiện tại của bạn sẽ trở thành quá khứ ngay sau khi nó xảy ra. Ngày hôm nay sẽ trở thành thành ngày hôm qua sau một vài tiếng nữa.

Nếu bạn sống ở một vùng khí hậu ôn hòa, mỗi năm bạn sẽ thấy các mùa đến và đi. Một thập kỷ đã trôi qua và càng trưởng thành, chúng ta càng nhận thức được những dấu ấn của năm tháng in hằn lên mọi thứ.

Mặc dù vậy, sự thật là không có một nhà khoa học thần kinh nào từng tìm ra được chiếc đồng hồ phía trong não bộ. Điều đó khiến họ phải tự hỏi: “Liệu thời gian có thực hay không?”. Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và có một cuộc đời ý nghĩa hơn, bất chấp bản chất khoa học hay vật lý của thời gian?

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 1.

Thật kỳ lạ! Rõ ràng bạn có thể cảm nhận được thời gian tồn tại. Nếu ai đó nói rằng họ sẽ đến sau 5 phút nữa, bạn sẽ ước chừng được khi nào họ thực sự đến. Bạn rút điện thoại ra khỏi túi và tranh thủ lướt Facebook một lúc, và sau đâu đó 4 phút rưỡi, trực giác sẽ mách bảo bạn tự động bỏ điện thoại vào túi, não bộ bạn bắt đầu trông ngóng người đó trong 30 giây còn lại.

Thời gian rõ ràng phải là thứ gì đó tồn tại, bởi chúng ta đều có ý thức khi một tuần vừa trôi qua, một tháng hoặc một năm. Thời gian là một thứ gì đó hiển nhiên và rõ ràng: Nó đang trôi qua, với một tốc độ không đổi như dao động của miếng thạch anh làm rung kim giây đồng hồ. Thời gian trôi theo một hướng cụ thể, từ quá khứ đến tương lai và nó có thể đo lường được.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học nghi ngờ sự tồn tại của thời gian, không chỉ trên khía cạnh sinh học, mà là cả trong văn hóa. Chẳng hạn, họ phát hiện ra trong ngôn ngữ của người Amondawa, một bộ lạc sống sâu và tách biệt trong khu vực rừng Amazon ở Brazil không hề có từ “thời gian”.

Một số người cho rằng bộ lạc Amondawa không hề có ý tưởng về thời gian như một thứ gì đó đánh dấu cho các sự kiện xảy ra. Có nhiều cuộc tranh luận vẫn đang âm ỉ cháy xung quanh phát hiện này, kể từ khi nó được công bố vào năm 2011.

Liệu rằng nó có nên dừng lại ở một nghiên cứu ngôn ngữ học thông thường, hay quả thực chúng ta đang nhận thức thời gian theo những cách khác nhau?

Thật khó có thể biết được tổ tiên của chúng ta trước đây từng nghĩ về thời gian như thế nào. Bởi, các thí nghiệm về nhận thức thời gian chỉ mới được tiến hành trong khoảng 150 năm trở lại đây.

Những gì chúng ta biết là Aristotle từng xem hiện tại như một thứ gì đó liên tục thay đổi. Và đến năm 160, triết gia Marcus Aurelius khi đã là hoàng đế La Mã từng mô tả thời gian như một dòng sông của những sự kiện trôi qua. Cho đến nay, nhiều người vẫn sẽ nhất trí với những ý tưởng này.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 3.

Nhưng vật lý đã bắt đầu kể một câu chuyện khác từ thế kỷ 20. Mặc cho có bao nhiêu người tin rằng thời gian là một thứ tồn tại, là thứ mà họ cảm thấy nó đang trôi về một hướng, một số nhà khoa học bắt đầu không đồng ý.

Albert Einstein cùng với thuyết tương đối đã làm rung chuyển các khái niệm chúng ta từng có về thời gian. Ông chứng minh cho chúng ta thấy rằng thời gian, thực ra, được tạo nên bởi vật chất. Thời gian không tồn tại từ đầu một cách độc lập. Nó không được vẽ ra trước khi vũ trụ hình thành, để đứng đó chờ đợi mọi sự kiện được ghi vào trục hoành của mình.

Einstein cũng đã chứng minh rằng thời gian là tương đối. Nó trôi qua chậm hơn đối với những đối tượng đang di chuyển nhanh hơn hoặc ở gần một đối tượng lớn hơn. Các sự kiện hóa ra không đồng thời xảy ra trên một trục thời gian duy nhất. Không thể có một “hiện tại” xảy ra cùng lúc cho cả vũ trụ như vật lý thời đại Newton từng thừa nhận.

Đúng là nhiều sự kiện trong vũ trụ có thể được sắp xếp theo thứ tự - nhưng thời gian không phải lúc nào cũng được chia gọn vào 3 ô: quá khứ, hiện tại và tương lai. Một số phương trình vật lý có thể đúng ngay cả khi thời gian quay ngược lại.

Điều đó khiến một số nhà vật lý lý thuyết, điển hình như Carlo Rovelli, suy đoán rằng thời gian không trôi, thậm chí nó không tồn tại. Thời gian chỉ là một ảo ảnh mà thôi.

Mặc dù vậy, không mấy người hiểu được những suy luận của Rovelli. Bởi dù cho thời gian không tồn tại thật đi chăng nữa, nhận thức về thời gian – thứ thời gian mà bạn cảm nhận thấy từ các hoạt động thần kinh của mình là có thật.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 4.

Đó là lý do tại sao các bằng chứng vật lý trở nên mâu thuẫn với cách chúng ta cảm nhận cuộc sống. Chúng ta đang chia sẻ và cùng đồng ý về những khái niệm như “quá khứ” và “tương lai”. Chúng phản ánh thực tế cuộc sống của chúng ta ở đây, trên Trái Đất.

Nhưng những phương trình vật lý là một bằng chứng không thể chối cãi, cho thấy “quá khứ” và “tương lai” mà chúng ta đang nói tới không thể áp dụng được cho toàn thể vũ trụ. Ở một nơi nào đó xa xôi, chúng sẽ trở thành những biến số vô dụng.

Có thể, giống như Newton từng cho rằng thời gian là tuyệt đối, niềm tin của chúng ta về cách thời gian làm việc cũng có thể đang gây ra nhiều hiểu lầm. Chúng ta có thể có một ý tưởng tốt hơn về thời gian được hay không?

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 5.

Khi nhận thức về thời gian, chúng ta thường cùng nhau chia sẻ một khía cạnh của nó: Quá khứ. Nghĩ về về quá khứ của mình, bạn có thể tưởng tượng nó như một thư viện video khổng lồ, một kho lưu trữ mà chúng ta có thể thò tay vào để kéo ra những cuộn băng ghi lại từng sự kiện đã diễn ra trong cuộc đời mình.

Nhưng các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng thứ được gọi là "trí nhớ tự truyện" đó hoàn toàn không giống vậy. Hầu hết chúng ta đều quên nhiều thứ hơn những gì chúng ta có thể nhớ, đôi khi quên đi toàn bộ một sự kiện đã xảy ra, mặc dù những người khác khăng khăng nói rằng chúng ta đã từng ở đó, vào thời điểm đó và đã làm việc đó.

Tất cả những lời nhắc nhở, mọi biện pháp gợi nhớ, một tấm ảnh hay thậm chí một video đôi khi vẫn thất bại trong việc kéo ký ức của chúng ta quay trở lại.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 6.

Và nhiều lúc, trong khi trải những ký ức của mình ra trước mặt, chúng ta sẽ làm một động tác: thay đổi nhận thức về chúng. Chẳng hạn như khi bạn biết vào khoảnh khắc đó, ai đó đã nói dối bạn về một việc nào đó. Khi chúng ta tái tạo lại sự kiện đó trong tâm trí, chúng ta sẽ thay đổi nó để phù hợp với thông tin mới mà chúng ta vừa nhận được.

Thậm chí, việc cấy vào đầu một ai đó những sự kiện chưa từng xảy ra trong đời họ cũng không khó như bạn tưởng. Elisabeth Loftus, một nhà tâm lý học đã dành nhiều thập kỷ để nghiên cứu về điều này.

Bằng những thí nghiệm tâm lý của mình, bà từng thuyết phục được những tình nguyện viên tin rằng họ đã làm những điều không tưởng, chẳng hạn như hôn một con ếch xanh khổng lồ hoặc đã từng gặp Bugs Bunny ở Disneyland trong quá khứ.

Ngay cả khi bạn kể lại một câu chuyện của mình cho bạn bè cùng nghe, nó cũng đã bị tam sao thất bản và quay trở lại ký ức theo một phiên bản khác.

Và tương lai cũng vậy, một sai lầm khác mà mọi người thường mắc phải là họ giả định việc tưởng tượng về tương lai hoàn toàn khác so với nghĩ về quá khứ. Trong thực tế, hai quá trình này được liên kết với nhau và cùng xảy ra trong một phần của não bộ.

Chúng ta sử dụng chỉ một phần bộ não để hồi tưởng quá khứ hoặc hình dung cuộc sống của chúng ta trong những năm sắp tới. Chính những ký ức mà chúng ta sở hữu đã cho phép chúng ta tưởng tượng ra tương lai.

Những cảnh tượng trong quá khứ được chúng ta dùng làm chất liệu, để vẽ ra một tương lai đến sớm mà chúng ta có thể xem trước nó qua khung cửa sổ tâm trí.

Kỹ năng này cho phép chúng ta lập kế hoạch và thử chạy các kịch bản khác nhau trong đầu, để xem chúng sẽ xảy ra như thế nào nếu chúng ta hành động theo những cách khác nhau. Cuối cùng, chúng ta sẽ chọn kịch bản chúng ta cho là đúng đắn nhất.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 7.

Những cảm giác tò mò xuất hiện trong tâm trí bạn lúc này là kết quả của những hoạt động mà bộ não của chúng ta thực hiện để đối phó với thời gian. Một đứa bé, với rất ít ký ức tự truyện sẽ chỉ sống liên tục trong hiện tại.

Nó thấy mình đang hạnh phúc. Nó thấy mình đang khóc. Nó thấy mình đói và thấy mình khổ sở. Một đứa nhỏ trải nghiệm tất cả những điều này, mà không cần nhớ lại tháng trước trời đã lạnh như thế nào hoặc lo lắng rằng nhiệt độ có thể giảm trong một vài ngày tới.

Nhưng khi lớn dần, đứa nhỏ bắt đầu phát triển những ý thức về bản thân. Và trong một giây phút nào đó, nó bắt đầu hiểu về thời gian, hiểu về sự khác biệt của hôm qua so với hôm nay, và hôm nay so với ngày mai.

Mặc dù ở độ tuổi đó, việc tưởng tượng ra bản thân trong tương lai vẫn là một thách thức. Nhà tâm lý học Janie Busby Grant nhận thấy rằng nếu bạn hỏi những đứa trẻ ba tuổi chúng sẽ làm gì vào ngày hôm sau, thì chỉ có một phần ba lũ trẻ có thể đưa ra một câu trả lời hợp lý.

Khi nhà tâm lý học Cristina Atance cho những đứa trẻ ăn một vài chiếc bánh mặn rồi hỏi chúng muốn ăn thêm bánh hay chuyển sang uống nước, chúng sẽ chọn uống nước. Chẳng có gì ngạc nhiên, ăn nhiều muối sẽ khiến lũ trẻ khát nước.

Nhưng khi Atance tiếp tục hỏi ngày mai chúng sẽ chọn gì, ăn bánh hay uống nước, hầu hết tiếp tục chọn uống nước. Nếu là bạn, bạn chắc chắn sẽ chọn ăn bánh, bởi một người trưởng thành biết rằng ngày mai chỉ uống nước thì họ sẽ đói. Và cơn khát sẽ sớm được giải quyết và không thể kéo dài cả ngày trời được.

Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ rất nhỏ không thể tưởng tượng ra được bản thân trong một tương lai khác biệt với hiện tại, nơi mà chúng biết một số thứ hoặc thậm chí là tất cả mọi thứ sẽ thay đổi.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 8.

Vậy là ,trải nghiệm về thời gian liên tục được bồi tụ bởi tâm trí chúng ta, khi chúng ta lớn lên. Có nhiều yếu tố đóng vai trò rất quan trọng vào việc này – đó là trí nhớ, sự tập trung, cảm xúc và cảm giác mà chúng ta có về khoảng thời gian đã xảy ra, nó nằm ở đâu đó trong không gian này.

Nhận thức về thời gian khiến chúng ta liên tục tìm lại bản thân mình trong trí óc của chính mình. Thời gian không chỉ là trung tâm giúp chúng ta tổ chức cuộc sống, mà còn là trung tâm giúp chúng ta trải nghiệm cuộc sống ấy.

Tất nhiên, bạn có thể lập luận rằng việc chúng ta cảm nhận thời gian - theo trực giác hay theo các định luật vật lý - dù thế nào cũng chẳng quan trọng lắm.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn đi bộ được trên một con đường bằng phẳng mà chẳng cần nhớ đến thực tế rằng Trái Đất có hình cầu. Chúng ta cũng vẫn nói rằng Mặt Trời mọc vào buổi sáng và lặn vào buổi tối, mặc dù chúng ta biết rằng đó thực sự là chuyển động tự quay của Trái Đất.

Sự thật là nhận thức của chúng ta đang không thể đuổi kịp những phát hiện mới trong khoa học – và chúng ta chỉ có thể tạo ra những trải nghiệm với thế giới bằng các giác quan chúng ta có.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 9.

Nhận thức của chúng ta về thời gian cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Chúng ta khó có thể thoát ra khỏi những cảm giác của mình về thời gian. Cho dù bạn có đọc và hiểu về thuyết tương đối bao nhiêu đi chăng nữa, dành ra 10 phút để đợi xe bus dường như vẫn lâu hơn so với 10 phút tán gẫu cùng bạn bè.

Nhưng có một điều tích cực, đó là ngay cả khi chúng ta không thể thay đổi nhận thức của mình về thời gian, chúng ta vẫn có thể thay đổi cách chúng ta nghĩ về nó. Cách bạn nghĩ về thời gian có thể khiến cho bạn thanh thản hơn với những quá khứ đã qua, với những sai lầm mà bạn từng mắc phải.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 10.

Thay vì coi quá khứ, hiện tại và tương lai là một đường thẳng, chúng ta có thể nhìn vào ký ức của mình như một nguồn tài nguyên cho phép chúng ta nghĩ về tương lai.

Điều này rất quan trọng. Con người có khả năng du hành thời gian trên khía cạnh tinh thần, tiến tới tương lai hoặc trở lại quá khứ tùy ý chúng ta tưởng tượng. Đó là năng lực khiến chúng ta trở nên khác biệt với các loài động vật khác, và cũng là sự khác biệt của một người trưởng thành so với một đứa trẻ.

Chúng ta, những người trưởng thành biết lên kế hoạch cho một tương lai hoặc lên kế hoạch để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta biết một nét vẽ sẽ gây ra những hậu quả nào ngay khi chúng ta đặt bút xuống, chúng ta biết sơn hay mực sẽ phai mờ ra sao để tìm cách vẽ ra một tác phẩm trường tồn trong cả thập kỷ.

Và chẳng phải một ý tưởng mới khi mà ký ức đóng một vai trò hết sức quan trọng. Aristotle từng nói rằng những ký ức không phải là những tài liệu lưu trữ cuộc sống chúng ta, chúng là những công cụ giúp chúng ta tưởng tượng về tương lai.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 11.

Điều này có nghĩa là trí nhớ tồi tệ– thứ mà bạn từng cho là một lỗ hổng khi không thể nhớ lại quá khứ một cách chính xác – thực tế lại là một lợi thế của chúng ta. Nếu các ký ức bị in chết vào những cuốn phim, lặp đi lặp lại trăm lần như một, thì việc tưởng tượng tương lai sẽ rất khó khăn.

Bây giờ, nếu tôi yêu cầu bạn hình dung về những sáng thứ hai không phải uể oải lái xe đến nơi làm việc. Thay vào đó, bạn ngồi trên một chiếc phao và trôi dọc theo một con kênh nhỏ màu xanh ngọc, hai bên bờ là hai rặng hoa nhiệt đới.

Bạn sẽ được dòng nước đưa dọc theo các toàn nhà văn phòng, và tới ngay trước cửa. Ở đó, những người bạn cấp 3 chứ không phải đồng nghiệp đang chào đón bạn bằng một ly cocktail.

Ngay lập tức, hầu hết các bạn sẽ có thể làm điều đó, không gặp chút khó khăn nào vì đó chỉ là tưởng tượng. Trí nhớ, bộ lưu trữ của bạn hoạt động linh hoạt đến mức vào mọi lúc, bạn có thể triệu tập những ký ức về con phố nơi bạn làm việc, về cảm giác chòng chành khi đi trên một dòng nước, về khuôn mặt của những người bạn cũ, hình ảnh của hoa nhiệt đới và cả ly cocktail.

Bạn không chỉ rút ra được tất cả những ký ức khác nhau, cách xa nhau hàng thập kỷ, mà sau đó bạn còn ghép được chúng lại để tạo ra một cảnh tượng mà bạn chưa từng chứng kiến ​​hoặc thậm chí chưa từng được nghe thấy.

Về mặt lý thuyết, việc tưởng tượng ra một sáng thứ hai hư cấu như vậy có vẻ rất khó khăn. Nhưng trong thực tế, tính linh hoạt của ký ức đã giúp chúng ta làm điều đó một cách dễ dàng đến không tưởng.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 12.

Vì vậy, chúng ta không nên nguyền rủa trí nhớ của mình khi chúng làm chúng ta thất vọng. Trí nhớ được tạo ra để có thể thay đổi, để chúng ta có thể lấy hàng triệu mảnh ký ức từ những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, kết hợp lại để mang đến cho chúng ta những khả năng tưởng tượng vô tận cho tương lai.

Trong thực tế, khi trí nhớ của chúng ta về quá khứ bị tổn hại, khả năng nghĩ về tương lai của chúng ta cũng chịu chung số phận. Eleanor Maguire, một nhà thần kinh học từng yêu cầu một nhóm người tưởng tượng ra tương lai, trong đó họ đứng giữa một bảo tàng.

Một số người nói họ sẽ đứng dưới mái trần hình vòm. Những người khác tưởng tượng ra sàn đá cẩm thạch. Nhưng những bệnh nhân bị mất trí nhớ không thể trả lời được cái bảo tàng họ sẽ đứng trong đó trông như thế nào.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trí nhớ của chúng chúng ta đang cho phép chúng ta nghĩ về tương lai. Vì vậy, thay vì chỉ nghĩ về ký ức của chúng tôi như một kho lưu trữ video tiện dụng, chúng ta nên biết rằng trí nhớ của chúng ta có thể không hoàn hảo - và chúng ta nên chấp nhận rằng mọi người có thể có những ký ức rất khác nhau về cùng một sự kiện.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 13.

Ngoài việc thay đổi cách nghĩ về thời gian, có một điều nữa mà chúng ta có thể làm. Đó là câu hỏi vẫn thường được hỏi nhất khi mọi người đọc về thời gian: Làm thế nào chúng ta có thể khiến thời gian trôi chậm lại?

Càng trưởng thành, chúng ta càng cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn để lại nhiều tiếc nuối hơn. Đến tuổi trung niên, một tuần và một năm có thể giống như vừa mới lướt qua. Nguyên tắc là một phần ý thức mà bạn cảm nhận về dòng chảy thời gian được quy định bởi số lượng ký ức mới mà bạn đã tạo ra trong đó.

Thời gian tồn tại hay không tồn tại: Chúng ta phải làm gì để sống chậm lại và ý nghĩa hơn? - Ảnh 14.

Lấy ví dụ, khi vừa trở về từ một kỳ nghỉ bận rộn, bạn sẽ có cảm giác như thể mình vừa đi xa cả một thập kỷ. Đó là do hàng tá những ký ức mới mà bạn vừa tạo ra trong vài ngày rời khỏi công việc nhàm chán.

Nếu bạn cảm thấy cuộc sống đang trôi đi quá nhanh, thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang có một cuộc đời đáng sống.

Ngược lại, thời gian có vẻ trôi chậm hơn nếu bạn thấy buồn hoặc chán nản, hoặc khi bạn cô đơn, khi bị từ chối hoặc khi không ai muốn tìm tới bạn. Như Pliny the Younger đã viết vào năm 105: “Thời gian càng hạnh phúc dường như càng ngắn lại”.

Vậy làm thế nào để kéo dài được quãng thời gian hạnh phúc của bạn? Vào một tối Chủ nhật chẳng hạn, khi bạn không thích cái cảm giác cả cuối tuần của mình đã trôi đánh vèo qua mất?

Có một điều bạn có thể làm vào lúc đó: Hãy liên tục tìm kiếm những trải nghiệm mới.

Thay vì chỉ đến đúng một quán cà phê đó, đúng rạp chiếu phim đó, hãy tham gia các hoạt động mới mẻ vào cuối tuần này, hãy ghé thăm những địa điểm hoàn toàn mới. Tất cả những điều thú vị sẽ khiến thời gian của bạn trôi đi rất nhanh – nhưng sau đó, vì bạn sẽ nằm xuống với nhiều kỷ niệm hơn, khi thức dậy vào sáng thứ hai, bạn sẽ thấy cuối tuần của mình rất dài và mỹ mãn.

Tất nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể trốn thoát ra khỏi những vòng quay của cuộc sống. Nhưng nếu bạn có thể thay đổi cuộc sống của mình từng ngày, có thêm thật nhiều niềm vui ở hiện tại, thì sau này bạn sẽ cảm thấy những tháng năm đã trôi qua ấy rất dài.

Hãy thử mà xem, thậm chí chỉ một thay đổi nhỏ, như chọn một tuyến đường khác để đi làm thôi đã tạo nên sự khác biệt rồi. Công thức là: Bạn càng tạo ra nhiều kỷ niệm trong cuộc sống hàng ngày, thì cuộc đời sẽ càng viên mãn hơn khi bạn nhìn lại nó.

Nói tóm lại: Cách chúng ta trải nghiệm thời gian trong tâm trí sẽ không bao giờ bắt kịp được với những khám phá mới nhất về thời gian trong vật lý. Chúng ta đều cảm thấy thời gian trôi qua mình. Mặc dù không thể thay đổi cách não bộ nhận thức thời gian, chúng ta có những cách nghĩ tốt hơn khi đối mặt với nó.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã thực hành được những cách nghĩ mới về thời gian, dòng chảy cuộc đời vẫn có thể bị cong vênh trong một số tình huống, khiến bạn thấy bất ngờ và mất kiểm soát.

Cuối cùng, có lẽ St Augustine đã đúng khi hỏi: “Sau tất cả thời gian là gì? Nếu không có ai hỏi tôi, thì tôi có thể đã biết. Nhưng khi tôi muốn giải thích nó cho ai đó, đột nhiên tôi lại thấy mình chẳng biết gì về thời gian”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại