Nhưng, những gì đẹp nhất của chị trong cuộc sống và giọng hát, thì không có giới hạn thời gian...
Trên trang cá nhân của Mỹ Linh, hầu hết là những tấm ảnh hoạt động của con cái, những bức ảnh cuộc sống thường nhật rất phụ nữ: chăm sóc khu vườn rau, gói bánh chưng Tết, cắm hoa...
Và cứ thế, những ai đã gắn bó với tiếng hát của chị suốt 20 năm qua, sẽ luôn thấy cuộc sống thường nhật vẫn đi qua một cách bình thường với cuộc đời Mỹ Linh. Chị luôn sống và hài lòng với những điều bình thường như thế.
Người tiên phong
Mỹ Linh của 20 năm trước tóc tém. Cái kiểu tóc ấy từng gây tranh cãi vì nó quá khác biệt với kiểu đoan trang của tóc dài truyền thống và cũng không dễ chấp nhận như mớ tóc xoăn quyến rũ đương thời.
Tóc tém Mỹ Linh khi ấy thành một hình ảnh nổi loạn. Một cô gái tươi trẻ, nhí nhảnh, tinh nghịch trong trẻo với những nốt nhạc còn nóng hổi của Ngọc Châu trong "Thì thầm mùa Xuân", khi lại vui tươi phiêu lãng với "Vào hạ"...
Chỉ như thế thôi, giới trẻ thành thị đã bắt đầu say cuồng với mốt "tóc tém Mỹ Linh", một kiểu tóc dẫu khó bắt mắt ban đầu nhưng lại có thể thoả hiệp với mọi khuôn mặt, đặc biệt là những gương mặt góc cạnh.
Nhưng nếu chỉ có tóc tém và những bản nhạc vui tươi thế thôi thì hẳn mọi thứ đã dừng lại với Mỹ Linh một thời gian ngắn, giống như kiểu ca sĩ chỉ có một chút gì để nhớ rồi chìm vào lãng quên như không ít gương mặt đã đi qua làng nhạc và không ghé chân trở lại một lần.
Thế rồi Tóc ngắn nổi loạn đã lên "Trên đỉnh Phù Vân" rồi dịu dàng đi tới "Chảy đi sông ơi", phô diễn tất cả những mãnh lực của giọng hát và khả năng trình diễn những tác phẩm có giá trị đặc biệt, lên đài tôn vinh diva nhạc Việt.
Và suốt một chặng đường âm nhạc, hễ cứ gặp Mỹ Linh lại thấy những điều mới mẻ. Có những điều mới mẻ gây tranh cãi như Tóc ngắn 1, Tóc ngắn 2, nhưng rồi qua 20 năm, những gì trong 2 CD ấy vẫn được nghe, vẫn được hát.
Thời Mỹ Linh của tóc ngắn là thời bùng nổ của dòng nhạc thị trường với những tên tuổi đến từ phía Nam. Mỹ Linh vẫn bình tĩnh, vẫn là chính chị, đã đi xuyên qua những ngôi sao ấy, luôn giữ được vị trí và đẳng cấp của mình.
Mùa cũ ngủ yên
Có thể nói, Mỹ Linh là người "sống đúng tuổi" với âm nhạc nhất trong tất cả các ca sĩ Việt. Ở mỗi giai đoạn của một đời người, khán giả luôn gặp những chân dung phụ nữ khác nhau của Mỹ Linh trong từng ca khúc.
Cách đây 5 năm, trên một tạp chí, tôi đọc và xem những hình ảnh cùng câu chuyện của bộ ba Mỹ Linh - Huy Tuấn - Anh Quân. Họ chụp chung những bức ảnh đen trắng. Mỹ Linh đứng giữa, hai bên là hai người đàn ông nổi tiếng kia cùng đi trên một con đường và cùng cất tiếng cười.
Có lẽ, nếu không có bài báo đó, sẽ rất ít người biết họ từng có chung một quá khứ đã được viết nên bởi những dòng chữ tình không dễ nói. Và nếu không có bài báo đó, cũng ít ai biết được họ khép lại quá khứ để cùng cư xử đẹp với cuộc sống và với âm nhạc như thế nào.
Mỹ Linh cũng giống như bao phụ nữ khác thôi, luôn có phía sau mình một quá khứ dù là viên mãn hay giông bão. Nhất là những phụ nữ nặng tâm hồn nghệ sĩ, đánh cược với tình yêu của mình vì ván bài tâm hồn, thường hay có chút khắc khoải một thời để thăng hoa hơn trong sáng tạo.
Nhưng Mỹ Linh thì không phải tuyp phụ nữ ấy.
Chỉ đến khi xem clip Mùa cũ của chị, tôi mới hiểu phần nào. Bài hát do Huy Tuấn sáng tác như đo ni đóng giầy cho giọng hát và tâm hồn của Mỹ Linh, kể về một người phụ nữ đã yên bề cuộc sống, chợt một ngày người yêu cũ muốn có một cuộc gặp.
Họ gặp nhau và nhìn thấy mọi thứ đã khác (hoặc phải khác) trong ánh mắt của nhau và cho ngày cũ ngủ yên để ai rồi cũng phải sống cuộc đời của người đó.
Clip chưa thực sự hoàn hảo về hình ảnh nhưng nó có sự chân thật như chính tính cách của Mỹ Linh. Ở đó, có hình ảnh một người mẹ lấy cái váy cũ trong tủ ra mặc cho cuộc hẹn hò, khi về nhìn thấy đứa bé con chờ mẹ đã ngủ quên trên ghế sofa, người phụ nữ ấy cất hết những đồ xưa và khép vĩnh viễn cánh tủ quá khứ.
Cũng chẳng biết bao người trong chúng ta làm được điều đó trong hành trình yêu và giữ gìn hạnh phúc khi mà ngoài kia, suốt ngày biết bao chuyện ầm ỹ và những tấm gương xấu về những người không vượt qua bản năng của chính mình.
Câu chuyện trong clip được viết tiếp sau đó bằng chính cuộc sống của người hát: yên phận với khu vườn trồng rau, với căn nhà ở vùng ngoại ô Hà Nội, để cùng vun vén cho tổ ấm với chồng con.
Hình ảnh nổi loạn của năm nào đã lắng xuống thành một người phụ nữ đằm thắm, giữ nếp nhà Bắc truyền thống, nhưng khi lên sân khấu thì vẫn thăng hoa như Mỹ Linh của 20 năm về trước.
Giọng hát vẫn đầy đắm say, phiêu cảm, mượt mà và vẫn giữ được cái mãnh lực như thời tuổi trẻ. Nhưng đâu đó, vị mặn của cuộc sống thường nhật đã ngấm vào tạo nên một vẻ đẹp đôn hậu cho giọng hát ấy.
Mỹ Linh chẳng cần làm mình trẻ ra. Cũng chẳng ăn mòn quá khứ khi chạy theo trào lưu nhạc xưa. Chị hát những sáng tác mới của những cộng sự vẫn đồng hành cùng chị.
Những ca khúc ấy, đã cập nhật được nhịp sống cho những người đã yêu, đã trưởng thành và đã song hành thời gian tuổi tác cùng Mỹ Linh. Trong các ca sĩ nhạc Việt, Mỹ Linh là người hát hay nhất và hát chân thật nhất những ca khúc dành cho những người phụ nữ có cùng độ tuổi với chị.
Nhìn thấy mình trong ánh mắt của con
Tết của 2 năm trước. Tôi rất xúc động khi xem một MV Liên khúc Giáng sinh của Mỹ Linh và con gái Mỹ Anh.
Mỹ Linh bước vào căn phòng, ở đó Anh Quân và con gái Mỹ Anh đang ngồi bên bàn. Chị cầm con gấu bông đưa lên và nói với con: Năm nay, lần đầu tiên chị Anna đón Giáng sinh xa nhà nhỉ? Con nhớ chị Anna không?
Đứa bé im lặng gật đầu. Bên cạnh, người cha cũng im lặng.
Hai mẹ con dắt tay nhau đi dọc sườn đồi, Mỹ Linh bè cho con gái cất cao giọng hát trong trẻo. Lẽ nào thế, chị đã lùi về phía sau để làm bệ đỡ vững chắc cho những đứa con mình? Và nếu thế, thời gian có đi qua chúng ta nhanh quá không, Mỹ Linh?
Thôi thì yên phận, phụ nữ thời nào cũng thế. Dù ta có gán lên cả đống khái niệm nào truyền thống nào hiện đại, nhưng hạnh phúc thì cũng chỉ có một, phải không? Khi ta có hạnh phúc thì những khái niệm cũng chỉ là những tên gọi.
Những cô con gái của Mỹ Linh cũng đã thành thiếu nữ. Những mùa Xuân đã đi qua cuộc đời của cha mẹ chúng và giờ đây, những mùa Xuân mới lại thắp lên những ước mơ đẹp trong con chị, như chính tuổi trẻ nổi loạn năm xưa của chị.
Tiếng hát Mỹ Linh lại toả sáng một vẻ đẹp khác, tiếng hát của người mẹ. Người mẹ đó, trong bài học âm nhạc đầu đời cho con, là những ca khúc cũ để con hiểu về quá khứ với "Đưa cơm cho mẹ đi cày"
Và người mẹ ấy cùng con hát tưởng niệm những đứa trẻ cùng tuổi con mình phải chịu những bất hạnh của thiên tai trong "Cơn bão". Âm nhạc và lòng thiện, những bài học quý mà chỉ có những người mẹ có trách nhiệm mới có thể dạy con mình những bài học cuộc đời quý giá qua âm nhạc như thế.
Nụ cười và tiếng hát
Hôm nay đọc Facebook Mỹ Linh, thấy cảnh gói bánh chưng ở nhà chị. Ngoài kia, mùa Xuân đã gõ cửa thật rồi. Người phụ nữ ấy lại thêm một tuổi.
Chúng ta ai cũng khác. Nhưng có những thứ không khác. Với Mỹ Linh, đó là nụ cười. Một nụ cười rất đẹp và thiện đã theo chị từ khi đến với làng nhạc, dù là đặt nó bên cạnh gương mặt nổi loạn năm xưa hay gương mặt đằm thắm của bây giờ, thì vẫn không thay đổi.
Người ta bảo, khi bạn tặng ai đó một nụ cười đẹp, thì cuộc đời cũng sẽ rất đẹp.
Đó cũng là lý do khi tôi nhìn những đứa bé được Mỹ Linh dạy nhạc qua các clip âm nhạc, tôi cảm nhận rất rõ những nụ cười của các bé. Có lẽ, ở cương vị một người thầy, Mỹ Linh đã làm tốt nhất có thể: dạy nhạc, hướng thiện cho những đứa trẻ, và giữ những nụ cười thiên thần đó, mãi trên môi của các bé.
Để làm được điều đó, thì bản thân Mỹ Linh đã luôn thắp được nụ cười ấy trong âm nhạc và trong chính cuộc sống của mình, dù chị ở bất kỳ độ tuổi nào.
Như thế ở cuộc đời này, có mấy ai làm được? Nhưng chẳng khó đâu. Hãy bao dung với cuộc đời và nhìn mọi thứ theo hướng tích cực, sống đúng với cuộc sống của mình, thì luôn có được thôi.