Thời điểm điều chỉnh lại đến, giá xăng ngày mai sẽ tiếp tục tăng?

Khánh Vy |

Ngày 1/3 sẽ là kỳ điều hành giá xăng đầu tiên của tháng 3. Trong bối cảnh chiến sự leo thang tại Ukraine, giá xăng dự kiến sẽ tiếp tục tăng nóng nếu không được điều chỉnh bởi quỹ bình ổn và thuế phí.

Theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021, thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Vì vậy, ngày mai (1/3) sẽ là thời gian điều chỉnh giá dầu tiếp theo. Đây có thể là lần giá tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022.

Trong kỳ điều hành gần nhất vào ngày 21/2, giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 961 đồng/lít lên 25.532 đồng/lít. Trong khi đó, xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít lên 26.287 đồng/lít.

Theo đó, Liên Bộ quyết định không thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg như kỳ điều hành ngày 11/2/2022. Đồng thời, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 250 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít (kỳ trước không chi), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.

Thời điểm điều chỉnh lại đến, giá xăng ngày mai sẽ tiếp tục tăng? - Ảnh 1.

Biến động giá xăng từ tháng 2/2021 -tháng 2/2022.

Sự kiện nổi bật chính tuần qua là giá dầu thô đã tăng lên cao nhất trong 7 năm qua, vượt mốc 100 USD/thùng khi Nga có hành động tấn công nước láng giềng Ukraine. Dự kiến vào kỳ điều hành ngày 1/3, giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 200-300 đồng/lít, dầu 150-250 đồng/lít. Tuy nhiên, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.

Sau kỳ điều chỉnh ngày 21/2, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, đặc biệt ở khu vực phía Nam cho biết vẫn còn tình trạng thiếu hụt tạm thời xăng RON 95 và nguồn cung vẫn chưa ổn định.

Ngày 22/2, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến về Quyết định phê duyệt kế hoạch bán đấu giá 100 triệu lít xăng Ron 92 dự trữ quốc gia, giá khởi điểm 14.058 đồng/lít. Việc đấu giá xăng dầu dự trữ quốc gia được Bộ Công Thương lên kế hoạch trong bối cảnh nhiều nơi thiếu xăng dầu cục bộ.

Bên cạnh đó, từ ngày 15/3, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất. Dự kiến tháng 3, nhà máy cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng, tức 540.000/680.000 m3. Tuy nhiên, nhà máy chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5, đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất.

Mới đây, Bộ Công Thương đã giao 10 công ty đầu mối nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu các loại trong quý II nhằm đảm bảo nhu cầu xăng dầu trong nước.

Đến hết quý IV/2021, số quỹ bình ổn giá xăng dầu còn gần 900 tỷ đồng nhưng có hơn 10 doanh nghiệp âm quỹ. Thậm chí, một số doanh nghiệp âm quỹ lớn như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nặng nhất với 815,33 tỷ đồng , Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) âm 110 tỷ đồng.

Ngày 25/2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tại cuộc họp, ông yêu cầu cần phải theo dõi chặt chẽ, phân tích, đánh giá và đưa ra các kịch bản ứng phó phù hợp. Hiện Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá nhưng chủ yếu theo giá dầu thô (dưới 100 USD/1 thùng). Nhưng giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và dự báo có thể còn tiếp tục tăng. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, “lường trước tình huống xấu hơn” để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Ông cũng đề nghị theo dõi sát diễn biến tình hình xăng dầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá, bảo đảm cân đối cung-cầu, không thể để thiếu. Có biện pháp nhập khẩu hợp lý, tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại